Trầm uất vì nghỉ việc ở nhà làm 'osin'

,
Chia sẻ

Sau khi sinh bé thứ hai, Trâm nghe lời chồng, xếp tấm bằng cử nhân trong xó tủ để ở nhà chăm con. Một thời gian sau, cô luôn buồn chán, cáu kỉnh vì cảm thấy cuộc sống quá tẻ nhạt và mình như kẻ vô dụng.

Trâm (30 tuổi) là người Bình Dương, ra Hà Nội học rồi lập nghiệp và lấy chồng. Trước đây, Trâm làm hành chính trong một cơ quan nhà nước, tuy lương thấp nhưng được sử dụng kiến thức đã học. Chồng là chủ một doanh nghiệp nhỏ, rất tháo vát nên kinh tế gia đình Trâm khá ổn.

Sau khi sinh liền 3 năm 2 nhóc, Trâm được chồng gợi ý nên nghỉ ở nhà thu vén gia đình, mọi việc khác để anh lo. Ban đầu cũng băn khoăn nhưng Trâm đã đồng ý với suy nghĩ đợi khi con cứng cáp sẽ đi làm trở lại.
 

Thế nhưng, ở nhà, dù đã có người giúp việc, nhưng Trâm thấy mệt mỏi và chán nản với nhịp sống đơn điệu, hết đi chợ, nấu nướng, cho con ăn, tắm cho con rồi đợi chồng về. Từ khi ở nhà, cô cũng hay có cảm giác chồng không còn coi trọng và quan tâm đến mình vì cứ về là anh chỉ đọc báo, xem TV, chẳng chia sẻ gì với vợ.

Trâm tâm sự nỗi lòng mình với ông xã và bày tỏ ý muốn đi làm lại thì bị anh gạt đi: "Em đúng là sướng mà không biết đường hưởng. Không đi đâu hết, nhiệm vụ của em là chăm cho con khỏe, thế thôi". Không muốn gia đình căng thẳng, Trâm ngậm ngùi chấp nhận.

Thời gian gần đây, chị mất ngủ triền miên, lúc nào cũng uể oải, thấy cuộc sống trống rỗng và còn hay quát tháo các con. Chị tìm đến phòng khám tâm lý nhờ bác sĩ giúp thoát khỏi tình trạng này.

Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám Tu Na (ngõ 159 phố Vọng, Hà Nội), cho biết, bà đã gặp không ít bệnh nhân có vấn đề về tâm lý sau thời gian nghỉ việc ở nhà. Thường những phụ nữ này là trí thức, rơi vào trạng thái buồn chán vì không chấp nhận nổi cuộc sống bỗng trở nên tẻ nhạt. Họ cũng mang mặc cảm tự ti khi cảm thấy mình như không được tham gia hoạt động xã hội, không có giá trị.

Ở những người vốn đã có bệnh lý hay tinh thần quá nhạy cảm thì hoàn cảnh nghỉ việc ở nhà như một yếu tố thúc đẩy khiến bệnh của họ trầm trọng hơn.
 
Như trường hợp chị Lan (Hải Dương) là một điển hình. Chị vốn học cao đẳng sư phạm ngoại ngữ, sau khi ra trường chưa xin được việc làm thì lấy chồng ngay rồi ở nhà chăm con. Chồng chị là bộ đội, hay phải đi công tác xa. Ở nhà hết ôm con đi ra, lại đi vào, chị sinh buồn chán. Nhà chị ở trong một khu tập thể. Mỗi khi thấy cảnh các chị em khác rạng rỡ váy áo chào con rồi vù xe đi làm hay khi họ về cả nhà ríu rít, chị lại càng cô đơn và chạnh lòng.

Nỗi buồn chán ngày càng nhân lên mà chị không có cơ hội thổ lộ. Rồi một lần, chị gửi con, mua 40 viên thuốc ngủ định uống để kết thúc cuộc sống chán chường của mình. Thế nhưng khi thuốc ngấm, người nôn nao, khó chịu, bản năng sống trỗi dậy, chị sang nói với hàng xóm và được mọi người đưa đi bệnh viện rửa ruột.

Sau lần ấy, cơ thể yếu đi, chị càng mệt mỏi và ý định tự tử vẫn lởn vởn trong đầu. Ít lâu sau, chị đến cửa hàng gần nhà hỏi mua thuốc chuột. Như linh cảm mách bảo, người bán hàng nhất quyết không bán cho chị, và sau một hồi hỏi han, họ đã khuyên chị nên tìm đến bác sĩ.

Khi tới phòng khám Tu Na, chị Lan mới được giải tỏa hết nỗi lòng của mình. Các bác sĩ cũng phát hiện chị bị trầm cảm nội sinh, và môi trường sống quẩn quanh trong nhà như giọt nước tràn ly, làm chị không kiểm soát được suy nghĩ và hành vi của mình nữa.

Sau một thời gian điều trị, chị Lan đã bình phục sức khỏe và tinh thần. Được sự tư vấn của bác sĩ, anh xã chị cũng đã tìm cho vợ một công việc thích hợp, đồng thời quan tâm hơn đến tâm tư của vợ.

Bác sĩ Bưởi chia sẻ, điều tệ nhất khi ở nhà là những phụ nữ này bị hoặc tự mình cắt đứt giao tiếp với mọi người xung quanh, cảm thấy bản thân bị phụ thuộc. Những người phụ nữ đang có nghề mà rơi vào tình trạng thất nghiệp lại càng bị suy nghĩ này đè nặng. Thực ra, ngoài thiên chức làm mẹ, làm vợ, họ còn khao khát được mọi người xung quanh đánh giá cao, công nhận năng lực, được trò chuyện và chia sẻ.

Tiến sĩ về sức khỏe tâm thần này cũng cho rằng, khi phải lựa chọn từ bỏ công việc đang làm để chăm lo cho gia đình, chị em cần xác định vai trò của mình rất quan trọng, không chỉ với các con mà còn là hậu thuẫn để ông xã làm việc tốt. Như thế có nghĩa là bạn đã gián tiếp tham gia vào công việc xã hội.

Các ông chồng cũng cần đánh giá cao sự hy sinh của vợ, chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm với "nửa kia", chớ tỏ ý coi thường hay bắt vợ phải làm theo mọi sự sắp đặt của mình. Các đấng mày râu cũng nên từ bỏ suy nghĩ "vợ đã ở nhà thì ta đây không cần mó tay vào việc vặt gì nữa".

"Điều quan trọng là chị em phải biết tự tạo niềm vui cho mình, đừng để bản thân chìm trong những suy nghĩ bi quan. Dù làm nội trợ, bạn cũng nên sắp xếp mọi việc cho khoa học để có thời gian tham gia các hoạt động xã hội như làm từ thiện, gặp gỡ bạn bè hay tận dụng thời gian rảnh rỗi để học những điều mới như nấu ăn, cắm hoa, làm đẹp... Khi con đã cứng cáp, bạn có thể tìm một công việc thích hợp để vừa đi làm mà vẫn chăm sóc được gia đình", bác sĩ Bưởi chia sẻ.
 
Theo Minh Thùy
Vnexpress
Chia sẻ