Trắng đêm vật vạ trên vỉa hè Sài Gòn để canh chừng “mai tặc”

Hương Thu ,
Chia sẻ

Chăm sóc một cây mai đến lúc ra hoa vốn khó nhọc, việc “xí” được một chỗ đẹp bán mai không hề đơn giản. Vậy mà, người bán còn phải thay phiên nhau thức trắng đêm, vật vạ vỉa hè để trông chừng kẻ trộm hoa.

Những ngày này, nhiều nhà vườn trồng hoa mai tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP.HCM) đang tất bật chạy ngược chạy xuôi để tìm cho mình một chỗ bán mai Tết thích hợp nhất.

Bán 1 tuần, “xí” chỗ trước cả tháng

Như mọi năm, đường Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân… (quận Thủ Đức) vẫn được xem là chợ mai lớn vì nằm ngay sát làng mai của thành phố. Từ trước đó cả tháng, thương buôn và nhà vườn đã tranh nhau từng mét đất để giành địa điểm tốt.

hoamai1
Trên đường Kha Vạn Cân, các chậu mai đã "xuống" phố từ trước đó gần tháng

Vào những ngày đầu tháng 1, theo ghi nhận, dù chưa đến thời điểm xuống lá nhằm ép mai ra hoa đúng dịp Tết nhưng hầu hết các chủ vườn đã mang mai ra đường. Lượng mai xuống phố đã lên đến hàng ngàn chậu, được nhà vườn sắp liền kề nhau và kê ra tận mép đường. “Phải mang ra sớm để “xí” và giữ được chỗ đẹp”, anh Ngọc Minh (chủ vườn mai Ngọc Minh) cho hay.

Theo anh Minh, năm nay mai tại TP.HCM khá được mùa. Nhiều chủ vườn mai cho biết thời tiết nắng ổn định, sương muối ít và không nhiều những cơn mưa trái mùa nên các vườn mai sẽ không nở sớm. Vì thế, năm nay việc có một chỗ bán tốt trở nên khó khăn hơn mọi năm.

hoamai2
 Năm nay việc có một chỗ bán tốt trở nên khó khăn hơn mọi năm.

Vừa ngồi uốn mai trên lề đường Kha Vạn Cân, anh Phạm Dân Vân thở dài: “Đúng là mai được mùa nhưng chưa chắc đã được giá”. Từ cách đó gần 1 tháng, anh đã mang mai ra đường giữ chỗ.

Theo anh Vân, những năm trước, UBND P.Hiệp Bình Chánh không thu tiền mặt bằng mà dân trồng mai tự ủng hộ. Nhưng năm nay, khi tuyến đường Phạm Văn Đồng hoàn thiện thì phường đã thu mặt bằng. “Thế nên mọi người càng cạnh tranh nhau chỗ đẹp để bán. Những chỗ sát đường lớn có giá thuê 120 ngàn/m2, chỗ khác từ 70 ngàn/m2. Tôi đăng kí 400m2, vị chi cũng gần 40 triệu tiền mặt bằng rồi”, anh Vân cho hay.

hoamai3
Anh Phạm Dân Vân mang các chậu mai ra từ đầu tháng 1 và tốn nhiều tiền trả công thợ

Ngoài việc tăng phí thuê, mang mai đi đặt chỗ sớm cũng phát sinh nhiều chi phí cho nhà vườn. Ông Nguyễn Quốc Hoa dự tính, thuê người làm công cả tháng trời mất khoảng 6 – 9 triệu đồng; tiền điện, nước khoảng 2 triệu. “Chưa kể công chăm sóc từ trước nửa năm, tốn quá nhiều chi phí nhưng chỉ bán được khoảng 1 tuần thôi. Hơn nữa, mai được mùa, khó tăng giá so với mọi năm nên lợi nhuận chẳng thực tế chẳng bao nhiêu hết”, anh Hoa chia sẻ.

Trong khi đó, trên nhiều tuyến phố trung tâm như công viên Gia Định, công viên 23/9, đường Nguyễn Hữu Thọ… việc tranh giành mặt bằng diễn ra còn gay gắt hơn. Theo đó, địa điểm bán mai phải phụ thuộc vào việc sắp xếp vị trí bán hoa Tết của từng phường. Chủ mặt bằng thường tổ chức bỏ thầu, ai trả cao hơn được quyền thuê, hoặc nâng giá thuê. Một vị trí tốt ở khu vực trung tâm có giá 5-15 triệu/8 ngày.

Trắng đêm trên vỉa hè canh “mai tặc”

Việc có chỗ bán đã khó,việc trông coi cũng đầy mệt nhọc với người bán. Do những gốc mai được bày bán đều thuộc dạng đắt tiền, có những chậu hơn chục triệu đồng nên nhà vườn phải cùng thợ canh ngày đêm.

hoamai4

hoamai5
Cảnh thức đêm trông coi mai cũng khiến chủ vườn mệt mỏi.

Ban đêm, không khó để bắt gặp những hình ảnh “màn trời chiếu đất” của người trông mai. Người đơn giản thì chiếc ghế, giường xếp quấn chăn ngủ, “sang” hơn thì mang hẳn màn, giường ra mắc. Càng gần Tết, những chiếc giường, lều “dã chiến” được dựng lên.

Chỉ với chiếc ghế xếp, cái chăn nhỏ là hàng đêm anh Phạm Dân Vân đều vật vạ vỉa hè trông mai. “Khỏi cần diễn tả, ai nhìn là cũng thấy ngủ ngoài đường khổ rồi. Trời thì lạnh lại nhiều muỗi, xe cộ đi qua ồn ào là không thể tránh khỏi. Tháng này, tôi sút gần 7 ký rồi vì không ngủ được”, anh Vân nói.

hoamai6
Ngủ vật vạ trên vỉa hè để canh chừng "mai tặc".

hoamai7
Nhiều người cẩn thận hơn thì mắc màn tránh muỗi

“Nhưng trồng mai cả năm trời, hơn thua đều ở những ngày này. Năm trước, tôi bị bọn “mai tặc” lấy trộm hai cây mai trị giá gần 10 triệu đồng. Mỗi cây lời chẳng bao nhiêu mà mất chừng ấy tiền thì còn gì là buôn bán”, anh Vân chia sẻ. Oái ăm hơn nữa, nhiều chủ vườn còn gặp cảnh “bợm nhậu” nhằm đúng các gốc mai tiểu bậy vào. 

Vì thế, ngoài tự mình chăm sóc, các chủ vườn mai đều phải thuê thêm 1- 2 người trông coi, với giá từ 200 – 300 ngàn/ ngày, trông theo ca. Để an toàn, chủ vườn thường lựa chọn điểm đặt mai ở nơi sáng sủa, đông người qua lại. Mỗi điểm tập kết sẽ có từ 2 đến 4 người canh chừng. Ban ngày, họ phụ chăm sóc mai, đêm đến thì tụ tập nói chuyện hay chia ca ngủ để dễ bề trông nom.

hoamai9

Chủ vườn buộc các gốc mai vào thanh tre để tránh bị trộm nhổ gốc.

hoamai8
Chắc chắn hơn nữa, họ còn buộc thêm dây cáp.

Để chắc chăn hơn, người bán còn buộc thanh tre, thanh gỗ và dây cáp vào từng gốc mai lại với nhau. “Bọn trộm nó không bê nguyên chậu mà cứ nhắm cây đẹp nhổ gốc vì đất rất xốp. Mình phải buộc các gốc lại thì chúng mới không nhổ được”, anh Minh Đức (chủ vườn mai Minh Đức) giải thích.

hoamai10
Ngoài ra, 1 số cây mai nở sớm cũng là nỗi lo của người bán

Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết hiện 90% diện tích mặt bằng bán mai Tết của phường đã được nhà vườn đăng ký. Đoạn từ khu vực Chùa Ưu Đàm đến ngã tư Bình Triệu cho các hộ trồng hoa mai được phép kinh doanh, buôn bán các loại cây cảnh, mai cảnh ....

“Phí thuê mặt bằng không có mức cố định, mà phụ thuộc vào quy mô của từng hộ kinh doanh để đóng góp. Số tiền thu được dùng để ủng hộ cho các hộ nghèo trong phường”, ông Tú cho biết.

 

Chia sẻ