Trẻ dễ bị thay đổi tâm tính vì đồ chơi

,
Chia sẻ

Dịp Trung thu các bậc cha mẹ mua thêm nhiều đồ chơi cho trẻ. Tuy nhiên, nếu không hướng dẫn trẻ chơi một cách khoa học sẽ có thể làm trẻ thay đổi tâm tính vì những món đồ đó.

Bắt nạt bạn bè, dọa bác hàng xóm

Lên 2 tuổi, bé Minh bắt đầu hứng thú với đồ chơi siêu nhân. Nhà bé Minh có một chồng đĩa cao gần 40 cm toàn đĩa siêu nhân chỉ để phục vụ trò giải trí hàng ngày cho bé. Để bé Minh ăn nhiều, luôn luôn có siêu nhân và phim ảnh bên cạnh. Minh phân biệt các chú siêu nhân dựa vào màu sắc những chiếc áo (xanh, đỏ, vàng…).

5 tuổi, Minh ngày càng thích bạo lực hơn. Có lần, bác hàng xóm giật mình suýt ngã ngửa khi bị Minh chơi trò ú tim ngay trước cửa ra vào, tay lăm lăm thanh kiếm.

Chị Dung - mẹ bé Minh, than: “Minh hay bắt nạt bạn bè trong lớp và hay xô ngã người khác, thích mang kiếm mỗi khi ra đường, nhiều hành động của Minh bố mẹ không kiểm soát nổi”. Chị nhắc con nhiều lần nhưng đứa trẻ nhất định không nghe còn quay lại vùng vằng với mẹ.

Có hôm bà nội sang chơi, thấy cháu đang xem siêu nhân, liền lại gần nựng nịu, chẳng may cậu bé vung kiếm làm tay bà bị xây xát. Lúc đó, Minh đang khoác một chiếc khăn quàng trên vai, tay vung thanh kiếm như một siêu nhân thực thụ vậy. Vừa múa kiếm, cậu vừa hô to: “Các anh em siêu nhân, xông lên”.
 

Con gái thường thích mình được xinh đẹp như búp bê


Khác với Minh, bé Thu (6 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) lại thích mình giống một búp bê xinh xắn. Thu rất thích con búp bê có mái tóc uốn xoăn và đeo chiếc nơ màu hồng trên đầu.

Vào nhà Thu đâu đâu cũng thấy những con búp bê ngộ nghĩnh. Có con chỉ bé bằng bàn tay, có con to bằng cánh tay, có con bế được như  bồng một đứa trẻ . Đặc điểm chung, con nào cũng tóc xoăn và có nơ. Thu coi búp bê như người bạn của mình, ngoài ra không tiếp xúc với các bạn cùng lứa.

Điều khiến mẹ Thu không hài lòng, con gái chị lúc nào cũng muốn trở thành búp bê. Thu uốn tóc xoăn, nhuộm tóc giống màu tóc hung đỏ của con búp bê kia. Chị đã phải khuất phục để chiều theo ý thích của con.

Ngoài ra, Thu còn đòi mẹ mua đồ dùng: quần áo, gương lược, đồ nấu ăn, giường ngủ cho búp bê… Từ việc mua quần áo cho búp bê, Thu đòi mẹ cũng phải sắm những thứ đồ đó tương tự cho mình. Tủ quần áo của bé Thu có không biết bao nhiêu bộ váy và chiếc nơ màu hồng.

Cần hướng dẫn trẻ chơi

Theo TS. BSCK Tâm thần học Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám Tuna – Phòng khám sàng lọc, tư vấn, dự phòng các rối nhiễu tâm trí (thuộc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng) trẻ thích chơi đồ chơi đặc biệt ở lứa tuổi 5-12 tuổi.

Ở tuổi này, các em chỉ nhận thức bằng thị giác nên bị ảnh hưởng bởi đồ chơi rất lớn. Các em thường có dấu hiệu thái quá như: gây hấn, cục tính hay lo âu, sợ hãi… nếu quá ham thích một thứ đồ chơi nào đó.

Trao đổi về vấn đề này, ThS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương ) cho biết: Việc trẻ chơi là một hoạt động sáng tạo giúp phát triển về nhận thức, nhưng hãy chơi theo đúng nghĩa.

Đồ chơi chính là sự mô phỏng những dụng cụ của người lớn để trẻ hoạt động bắt chước. Các đồ chơi có gươm, dao, kiếm, siêu nhân mô phỏng lại hoạt động đánh nhau trận chiến của con người.

Nếu chơi đồ này, trẻ không được hướng dẫn, kiểm duyệt của người lớn dẫn đến hành vi bắt chước, làm tăng hung tính của trẻ. Chính bản thân trẻ cũng khó kiểm soát được hành vi của bản thân.

Nhiều trường hợp trẻ xem quá nhiều phim ảnh siêu nhân, thích cuộc sống của những con búp bê… dẫn đến trẻ thích sống trong thế giới ảo nên khó phân biệt được đâu là giả vờ, đâu là thật.

Việc chơi bất cứ trò chơi gì của trẻ cũng cần có hướng dẫn của người lớn, ThS Thúy nhấn mạnh. Cũng không nên chọn những đồ chơi mang tính bạo lực, hãy chọn những đồ chơi hoạt động tĩnh. Bố mẹ hãy biết khai thác trò chơi đúng cách.

Thực tế, nhiều trò chơi bạo lực được sản xuất rất bắt mắt, giống y như thật, lôi cuốn thu hút trẻ làm theo rất nguy hiểm. Để trẻ chơi được lành mạnh, người lớn nên tập cho trẻ thói quen chơi theo nhóm, có nhiều hình thức chơi tương tác nhau, theo thời gian nào thích hợp nhất và đồ chơi phù hợp với tính cách trẻ.
 
Theo Bee
Chia sẻ