Trẻ ngậm mút tay: Biểu hiện của thiếu tình thương?

,
Chia sẻ

Khi trẻ mút tay là dấu hiệu tâm lý cho thấy trẻ muốn được tiếp xúc với người mẹ, muốn được vỗ về yêu thương. Tuy nhiên, hầu hết các bà mẹ trẻ không nhận ra điều này.

Mới đây, trên một diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ, một người mẹ trẻ đưa vấn đề “biểu hiện của sự thiếu tình yêu thương” qua việc mút tay ở trẻ. Cụ thể, chị có một đứa cháu, ba mẹ bận công việc liên miên nên thời gian ở gần con rất ít. Điều lạ là cháu đã được 4 tuổi nhưng vẫn có thói quen mút, ngậm tay.

Con thiếu tình thương, bố mẹ không nhận thấy

Thấy lạ, chị đã để ý những trường hợp khác. Khi đi qua các trường tư thục giữ trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, chị cũng bắt gặp hình ảnh các bé bám vào song sắt và ngậm tay. Những đứa trẻ được cô trông trẻ hàng xóm của chị trông cũng có biểu hiện mút tay như vậy. Chị đọc được ở đâu đó thông tin rằng, việc trẻ mút tay là biểu hiện không bình thường. Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng đều có thói quen này, liệu mút tay có phải là biểu hiện của sự thiếu tình yêu thương hay không?

Chị Nguyễn Kim Anh ở Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội cho biết: Con chị năm nay đã 2 tuổi, cũng có thói quen mút tay đến nỗi nhiều khi cháu vừa ti mẹ, vừa cho tay vào mút. Những lúc như vậy, chị đập vào tay nhưng cháu vẫn không chừa. Chị Lã Hồng Nhung, ở đường La Thành, Hà Nội có con năm nay vào lớp 1 nhưng vẫn mút tay khi xem tivi hay chơi một mình. Chị lo rằng, nếu quả đúng là biểu hiện của sự thiếu tình yêu thương thì không biết phải làm thế nào, bởi vợ chồng chị và ông bà của cháu đều “cưng” cháu. Duy nhất một điều là chị khá nghiêm khắc với cháu. Chị không biết mình có lỗi gì không, nếu con không cảm nhận được tình yêu thương của mình?
 
Theo chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, Trung tâm tư vấn tâm lý Hoàng Nhân, khi trẻ mút tay là dấu hiệu tâm lý cho thấy trẻ muốn được tiếp xúc với người mẹ, muốn được vỗ về yêu thương. Trẻ ở lứa tuổi bú mớm, còn gọi là giai đoạn môi miệng, trẻ mút tay là một trong những biểu hiện của sự thiếu quan tâm yêu thương cần thiết của người mẹ. Tuy nhiên, hầu hết các bà mẹ trẻ không nhận ra, đặc biệt là đối với những phụ nữ thiếu nhạy cảm hoặc không “rành” tâm lý trẻ con.

Mút tay để tìm chỗ dựa về mặt tinh thần

Nhiều bà mẹ khi thấy con khóc là ấn ngay “ti” vào miệng trẻ. Trong khi đó, việc trẻ khóc không chỉ là vì đói. Đôi khi trẻ khóc vì bóng tối hay vì một sự tác động nào đó từ bên ngoài... Điều này tạo nên phản ứng không phù hợp ở trẻ. Khi có cảm giác sợ hãi, bất an, nếu không có ti mẹ, trẻ sẽ dùng những vật khác để thay thế và tay là vật thuận tiện nhất. Lúc này, thông qua việc mút tay trẻ sẽ tìm thấy chỗ dựa về mặt tinh thần.

Khi mút tay, trẻ sẽ có cảm giác lưỡi được tiếp xúc với đầu ngón tay, với móng tay, trẻ sẽ tìm hiểu khám phá thông qua lưỡi. Vì thế qua việc mút tay trẻ sẽ có hưng phấn, vui vẻ hơn. Việc mút tay sẽ làm trẻ liên hệ đến người mẹ. Khi mút tay, trẻ sẽ có được cảm giác được kiểm soát bầu ngực của mẹ, đáp ứng được nhu cầu của mình. Một đứa trẻ được bú mớm là đã biết đến những khoái cảm này. Do vậy, khi trẻ mút tay là biểu hiện của sự thiếu quan tâm về mặt tâm lý của các bà mẹ đối với trẻ. Vì thế, những đứa trẻ phải xa mẹ sớm thường có hành vi mút tay này.

Chuyên gia tâm lý Đinh Hoàng Điệp, Trung tâm tham vấn tâm lý trẻ em Cpec cho biết, khi trẻ không nhận được đầy đủ tình yêu thương từ bố mẹ, trẻ không chỉ có biểu hiện mút tay mà còn có những biểu hiện khác như nháy mắt, tè dầm, cào cấu, đập phá, chống đối... Tuy nhiên, để khẳng định những biểu hiện đó có phải là do trẻ thiếu yêu thương hay không thì cần phải tìm hiểu những mặt phát triển khác của trẻ. Đầu tiên là phải tìm hiểu về mặt phát triển thể chất, sau đó là môi trường sống. Nếu sự phát triển thể chất mà môi trường sống không có những thay đổi đột ngột, khi đó các bậc cha mẹ nên nghĩ ngay đến biểu hiện tâm lý của sự thiếu tình yêu thương. Nếu phát hiện kịp thời, tìm hiểu nguyên nhân sẽ giúp cho các bậc bố mẹ điều chỉnh được sự quan tâm và chăm sóc của mình đối với trẻ.

Biểu hiện của sự thiếu tình yêu thương ở trẻ lớn hơn sẽ như thế nào? Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể cho biết, đó là sự thiếu tự tin ở trẻ. Nếu bố mẹ không chịu tìm hiểu nguyên nhân, hành vi sai trái của con thì trẻ sẽ không giải toả được ấm ức trong lòng, khiến trẻ bị trơ lỳ cảm giác và rơi vào tình trạng mất tự tin vào bản thân, không có người định hướng hành vi nên thụ động trong giao tiếp.
 
Theo Lâm Vũ
Gia đình
Chia sẻ