Trẻ nhỏ có thể đối diện với di chứng hậu COVID: Bác sĩ liệt kê những dấu hiệu trẻ bị hậu COVID liên quan đến tim mạch, thần kinh, MIS-C

Đậu Đậu,
Chia sẻ

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nếu thấy con dù đã có kết quả âm tính nhưng vẫn có các dấu hiệu mệt mỏi, chưa trở lại mức sinh hoạt như ngày trước, sút cân rõ rệt thì phụ huynh nên đưa con đi khám.

Nhắc đến COVID-19 ở trẻ em, nhiều người chủ quan cho rằng trẻ sẽ bị nhẹ, nhanh khỏi và không lưu ý đến vấn đề hậu COVID-19. Tuy nhiên thực tế đã cho thấy có không ít trẻ khi khỏi bệnh vẫn phải gánh chịu những di chứng hậu COVID-19 từ nhẹ đến nặng, phổ biến nhất là Hội chứng MIS-C. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, đã ghi nhận những trẻ đến khám hậu COVID-19, có dấu hiệu điển hình đó là ho dai dẳng.

Những dấu hiệu trẻ bị di chứng hậu COVID mà phụ huynh cần đề phòng

1. Cảm thấy khó thở, đau ngực

Theo chia sẻ của BS.CK1 Lại Thị Bích Thủy (nguyên bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1), sau khi nhiễm SARS-CoV-2 virus sẽ tấn công trực tiếp vào phổi chính vì vậy trẻ có thể cảm thấy đau ngực, ho, khó thở, triệu chứng này có thể kéo dài đến 3 tháng hoặc lâu hơn.

Hơn nữa, COVID cũng có thể khiến trẻ đối mặt với bệnh viêm cơ tim, dấu hiệu điển hình nhất đó là đau ngực, hụt hơi, tim đập không đều, hồi hộp, mệt mỏi...

huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-covid-19-o-tre-em_0911163249.jpeg

2. Mất mùi và vị, mệt mỏi kéo dài

Ở những người mắc COVID, tình trạng mất mùi vị là bình thường, tình trạng sẽ được cải thiện sau 2-3 tuần mắc bệnh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ bị mất mùi vị lâu hơn, khiến trẻ chán ăn, mệt mỏi, ngại hoạt động hơn.

3. Gặp vấn đề ở thần kinh, bị rối loạn trí nhớ, thường xuyên đau đầu

Theo BS Bích Thủy, dù rất hiếm nhưng trong giai đoạn cấp Covid-19 có thể tấn công lên hệ thần kinh dẫn đến đột quỵ hay viêm não. Nhẹ hơn, trẻ nhỏ có thể bị kéo dài tình trạng mất tập trung, rối loạn ngôn ngữ, vận động và cảm xúc...

Ngoài ra, một dấu hiệu nữa ở trẻ sau COVID mà phụ huynh cần lưu ý đó là rối loạn trí nhớ, lúc này trẻ sẽ hay quên, giảm khả năng tập trung, học tập khó khăn hơn...

cv2-17422035.jpeg

Một số trẻ sau khi mắc COVID cũng xuất hiện dấu hiệu sợ hãi, hoang mang, thường xuyên bị đau đầu... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và cả gia đình trẻ vì thế bố mẹ cần chủ động quan tâm nhiều hơn.

4. Hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (MIS-C)

TS.BS Tạ Anh Tuấn (Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, hội chứng MIS-C thường xảy ra sau khi em bé mắc COVID-19 từ 2-6 tuần.

Theo TS Tạ Anh Tuấn, với những trẻ có tiền sử đã mắc COVID, hoặc tiếp xúc với F0, sống trong vùng dịch, khi có các triệu chứng như: Sốt cao liên tục trên 24 giờ; Nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; Phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; Rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy; Sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp… thì bố mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để thăm khám và điều trị phù hợp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, trẻ có thể tử vong.

tre em.jpeg

Bố mẹ cần làm gì để trẻ không bị mắc hội chứng hậu COVID-19

Theo bác sĩ Tuấn, cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ đó là ngăn ngừa trẻ mắc bệnh, bằng cách:

- Cho con tiêm vaccine COVID theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khi được tiêm phòng đầy đủ thì các biến chứng của bệnh sẽ giảm đi.

- Hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người. Đeo khẩu trang cho trẻ ở những nơi công cộng và xung quanh những người mà trẻ sống cùng.

covid-tre-em-1-163746657039993444627.jpeg

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động, chơi thể thao, nghỉ ngơi; Bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nếu thấy con dù đã có kết quả âm tính nhưng vẫn có các dấu hiệu mệt mỏi, chưa trở lại mức sinh hoạt như ngày trước, phụ huynh nên lưu ý. Nếu thấy trẻ liên tục kêu mệt, sút cân rõ rệt thì bố mẹ nên cho con đi khám, kiểm tra. Ngoài hậu Covid, phụ huynh cũng nên cho con khám tầm soát sức khỏe cho con định kỳ 6 tháng/lần.

Chia sẻ