Triết lý Nhật Bản qua câu chuyện sữa uống lên men Yakult

Quang Vũ,
Chia sẻ

Mỗi khát vọng đều là khởi nguồn của một câu chuyện thú vị. Nhất là khi, câu chuyện ấy diễn ra ở Nhật Bản, đất nước vẫn được nhắc tới bởi ước vọng đạt tới mọi thứ ở mức hoàn hảo nhất - dù là trong lĩnh vực văn hóa, cách sống hay cách tạo ra vật dụng.

Giấc mơ Shirota

Đầu thế kỷ XX, Nhật Bản vẫn là một nước nghèo, với môi trường vệ sinh yếu kém và những khoảng trắng hoàn toàn trong nhận thức về dinh dưỡng. Dịch tả và dịch lỵ, những căn bệnh truyền nhiễm thời ấy, khá phổ biến và thường xuyên cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Sinh ra ở một vùng quê nghèo tại Nagano, Minoru Shirota (sinh năm 1899) không bao giờ quên những gì xảy ra với các trẻ em và bạn bè cùng lứa. Đó là lý do để chàng thanh niên này đến với ngành cùng ước mơ tìm ra một loại thuốc có thể đẩy lùi và ngăn ngừa dịch bệnh. Tốt nghiệp và giảng dạy ở Đại học Kyoto, suốt 9 năm,Shirota theo đuổi những nghiên cứu về hệ vi sinh đường ruột và các vi sinh vật có khả năng gây bệnh cho cơ thể người.

Năm 1930, Shirota thành công trong việc tìm ra và nuôi cấy một loại chủng khuẩn lên men sống được trong dịch vị dạ dày, từ đó có thể hỗ trợ khả năng tiêu hóa, cũng như hệ miễn dịch trong cơ thể người. Ứng dụng khuẩn ấy có tên L.casei Shirota và được Shirota cùng cộng sự phát triển tiếp cho một loại đồ uống.

Quan niệm về sức khỏe của Shirota, sau này được nâng lên thành Học thuyết Shirota (Shirota-ism), nằm ở mấy chữ ngắn gọn: “Kiện trường trường thọ, y học phòng ngừa và chi phí hợp lý". Cụ thể, đó là những nguyên tắc cơ bản: hệ đường ruột khỏe mạnh sẽ dẫn tới cuộc sống trường thọ; y học cần phòng bệnh hơn chữa bệnh; các sản phẩm cần có mức giá phù hợp để đến với cộng đồng một cách rộng rãi.

Năm 1935, lịch sử của hãng Yakult bắt đầu. Những chai sữa uống lên men Yakult, được bán ra thị trường với mức giá thấp và hương vị thơm ngon. Cộng cùng những tác động tích cực tới sức khỏe, loại đồ uống này dần xuất hiện rộng rãi khắp Nhật Bản.

Để rồi, năm 1964, Yakult tiếp tục bước ra thị trường thế giới.Và bây giờ, loại sữa uống lên men này đã có mặt tại 38 quốc gia, với lượng sử dụng trung bình vào khoảng 40 triệu chai/ngày.

Triết lý Nhật Bản qua câu chuyện sữa uống lên men Yakult - Ảnh 1.

Viện nghiên cứu vi sinh Yakult (Tokyo). Ảnh TL

"Nâng tầm" bằng khoa học

Theo thời gian, học thuyết Shirota đã dần trở thành quan điểm kinh doanh của Yakult: mang sức khỏe và niềm vui đến với cộng đồng, thông qua sự cống hiến và làm việc hết mình.

Và, với những nghiên cứu khoa học được khởi nguồn từ GS bác sĩ Shirota, Tập đoàn này vẫn chuyên tâm với xuất phát điểm của mình: lấy nghiên cứu khoa học làm nền tảng, để nâng tầm hoặc sáng tạo ra những sản phẩm mới.

Các nghiên cứu của Tập đoàn Yakult chủ yếu được triển khai tại Viện vi sinh Yakult, Tokyo. Rộng hơn 43.000m2 với 7 tòa nhà lớn, Viện nghiên cứu này có đầy đủ những trang thiết bị hiện đại nhất để phục vụ cho các nghiên cứu cơ bản của Tập đoàn.

Triết lý Nhật Bản qua câu chuyện sữa uống lên men Yakult - Ảnh 2.

Một số mẫu chai Yakult bán tại các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mexico, Brazil, Việt Nam...

252 chuyên gia và tiến sĩ khoa học đã trực tiếp tham gia những nghiên cứu này. Và tính đến hiện tại, trong lịch sử của Yakult, khoảng 1400 công trình nghiên cứu khác nhau đã được công bố trên các tạp chí khoa học

"Trong hơn 80 năm, chúng tôi tập trung tìm hiểu tác động của khuẩn L.casei Shirota với việc cân bằng chức năng hệ đường ruột của con người" – Tiến sĩ Hideyuki Shibata, một trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện vi sinh Yakult, cho biết – "Ngoài ra, cũng phải kể tới những tác động tích cực tới hệ miễn dịch, chẳng hạn như việc ngăn ngừa cảm cúm hay hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư…”

Sau khi công bố và có sự đồng thuận từ giới khoa học, những kết quả nghiên cứu về khuẩn Shirota đều được cung cấp tới người sử dụng nhằm tạo sự yên tâm khi dùng sản phẩm. Kèm theo đó, từ các nghiên cứu, những những ứng dụng mới về đồ uống lên men, thậm chí cả dược phẩm và mỹ phẩm, cũng được từng bước triển khai.

“Những sản phẩm được tạo ra từ những nghiên cứu khoa học được công nhận sẽ giúp chúng tôi có sự khác biệt với các sản phẩm cạnh tranh” – ông Yoshihiro Kawabata, Phó tổng giám đốc công ty Yakult Honsha, Nhật Bản, nói – "Bên cạnh đó, chính các nghiên cứu cũng khiến toàn bộ thành viên của Tập đoàn tự tin hơn vào sản phẩm của mình, để có thể đưa sản phẩm tâm huyết của GS bác sĩ Shirota tới người sử dụng."

Tìm kiếm sự hoàn hảo

Triết lý Nhật Bản qua câu chuyện sữa uống lên men Yakult - Ảnh 3.

Cách một gia đình Nhật Bản thưởng thức sữa chua Yakult sau bữa ăn: chai nhỏ, được uống hết một lần và không dùng ống hút.

Những gì diễn ra trong lịch sử 83 năm tồn tại của Yakult khiến người ta lập tức liên tưởng tới triết lý kinh doanh Kaizen (không ngừng cải tiến) của người Nhật.

Đơn cử, khi mới sản xuất, sữa uống lên men Yakult được đóng gói trong chai thủy tinh. Từ năm 1968, chúng được đóng gói sang loại chai nhựa như hiện tại, với hình dáng được cách điệu từ búp bê gỗ Kokeshi truyền thống của Nhật Bản. Loại chai nhựa này giúp cho sữa Yakult được vận chuyển thuận tiện hơn, từ đó tạo ra sự tối ưu về giá bán.

Ở các thị trường được bán ra, chai sữa uống lên men Yakult đều có kích thước nhỏ gọn: 65 ml. Theo quan điểm của phía sản xuất, trong trường hợp sử dụng chai to, người dùng có thể không uống hết và đặt sữa Yakult (đã mở) vào tủ lạnh, từ đó dẫn tới khả năng bị vi khuẩn lạ xâm nhập. Bù lại, lượng khuẩn Shirota phong phú (tối thiểu 6,5 tỷ khuẩn cho một chai 65 ml) là đủ để mỗi chai sữa này có tác dụng tích cực tới người dùng.

Đặc biệt, khi sản xuất tại quốc gia khác, sữa uống lên men Yakult cũng được kiểm soát rất kĩ để đảm bảo chất lượng. Đơn cử, tại Việt Nam, gần như toàn bộ hệ thống chai, nắp, bột sữa,...của Yakult đều được nhập khẩu từ Nhật. Theo giải thích, do khuẩn Shirota khá "khó tính" với môi trường lạ, nên phía Yakult Việt Nam phải đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt này.


Chia sẻ