Tự mua kháng sinh điều trị khó thở, một bệnh nhân Bến Tre suýt chết vì vi khuẩn kháng thuốc gây viêm phổi nặng

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Khi đến bệnh viện, bệnh nhân phải đặt nội khí quản, thở máy và bị viêm phổi rất nặng do 1 loại vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh gây ra.

Đó là trường hợp của ông Đ.V.N. (70 tuổi, ngụ tại Châu Thành, Bến Tre). Trước đó không lâu bệnh nhân liên tục bị khó thở. Bệnh nhân tự mua kháng sinh uống nhưng không thuyên giảm mà ngày một nặng hơn. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM), ông N. được nhập vào khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng đặt nội khí quản, thở máy và được chẩn đoán là viêm phổi do Klebsiella pneumoniae - một trong những vi khuẩn kháng thuốc gram âm có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao hàng đầu.

Bệnh nhân được điều trị với kháng sinh hàng cuối cùng để điều trị vi khuẩn gram âm đa kháng. Tuy nhiên kết quả cấy đàm sau đó của ông cho thấy vẫn còn tồn tại vi khuẩn Klebsiella pneumoniae đa đề kháng.

Tự mua kháng sinh điều trị khó thở, một bệnh nhân Bến Tre suýt chết vì vi khuẩn kháng thuốc gây viêm phổi nặng - Ảnh 1.

Một bệnh nhân điều trị tại BV ĐHYD TP.HCM.

Các bác sĩ đã cùng hội chẩn với dược sĩ lâm sàng tại khoa, quyết định sử dụng phối hợp kháng sinh piperacillin/tazobactam và amikacin (thuộc nhóm aminoglycoside), đồng thời tiến hành theo dõi chức năng thận và đo nồng độ thuốc trong máu nhằm tối ưu hóa điều trị.

Nhờ vậy ông N. cải thiện tích cực, hết sốt, ngưng được máy thở. Sau 10 ngày điều trị ông được ngưng kháng sinh nhằm giảm biến chứng liên quan đến sử dụng kháng sinh kéo dài.

Ông N. khỏi hoàn toàn, không bị biến chứng trên thận, tiền đình ốc tai do kháng sinh và được cho xuất viện sau 3 tuần điều trị.

Tự mua kháng sinh điều trị khó thở, một bệnh nhân Bến Tre suýt chết vì vi khuẩn kháng thuốc gây viêm phổi nặng - Ảnh 2.

PGS Đoan Trang nói về vai trò của dược lâm sàng trong quản lý sử dụng kháng sinh.

PGS Đặng Nguyễn Đoan Trang,Trưởng Khoa Dược BV ĐHYD cho biết, đề kháng kháng sinh hiện đang là một vấn đề toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã mô tả những vi sinh vật đề kháng kháng sinh là những "vi khuẩn ác mộng" cho mọi quốc gia trên thế giới.

Các dữ liệu gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao nhất ở Châu Á. Tình trạng này xuất phát từ việc các kháng sinh thế hệ mới, hoạt tính kháng khuẩn mạnh chỉ để dành cho các bệnh ký nhiễm khuẩn nặng được sử dụng rộng rãi, thiếu kiểm soát.

Một nguyên nhân khác cũng rất đáng lo ngại là kháng sinh được bán không có toa thuốc của bác sĩ rất phổ biến ở cả thành thị và nông thôn.

Việc sử dụng thuốc không theo chỉ định có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, làm gia tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh. Do đó, ngay khi có các triệu chứng của bệnh, người dân nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và chỉ định điều trị cũng như sử dụng đúng thuốc.

Trong trường hợp người dân có thắc mắc về thuốc, nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ ngay để được tư vấn sử dụng thuốc phù hợp, tránh sử dụng thuốc không theo chỉ định khiến bệnh trở nên nặng hơn, khó chữa hơn.

Theo PGS Trang, chương trình quản lý sử dụng kháng sinh với sự tham gia của dược sĩ lâm sàng đã được tiến hành rộng rãi trên toàn cầu.

Tự mua kháng sinh điều trị khó thở, một bệnh nhân Bến Tre suýt chết vì vi khuẩn kháng thuốc gây viêm phổi nặng - Ảnh 3.

Việc sử dụng thuốc không theo chỉ định có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, làm gia tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 772/QĐ-BYT hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, đặc biệt nhấn mạnh vào việc thành lập nhóm quản lý sử dụng kháng sinh.

Mục đích của chương trình quản lý sử dụng kháng sinh là tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, giảm hậu quả không mong muốn khi dùng kháng sinh.

Đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, ngăn ngừa vi khuẩn đề kháng kháng sinh và giảm chi phí y tế.

Chia sẻ