Uống thuốc giảm đau - con dao hai lưỡi

,
Chia sẻ

Hàng ngàn bệnh nhân tử vong hằng năm do những phản ứng bất lợi của thuốc vốn được sử dụng cho những bệnh tật thông thường.

Tất cả chúng ta đều ít nhiều đã trải qua những “nỗi đau” trong đời và bệnh nhân thường tìm đến các nhà thuốc để tìm thuốc tự điều trị.

Loét bao tử - biến chứng thường gặp

Có rất nhiều loại thuốc giảm đau không cần toa bác sĩ được bán rộng rãi để chặn đứng những cơn đau, từ đau đầu, thấp khớp, đau trong kinh kỳ, cho đến đau tai, đau cuống họng, đau lưng, đau cơ... Tuy nhiên, việc uống thuốc giảm đau không phải là chuyện... dễ nuốt. Một cuộc nghiên cứu được thực hiện tại University of Liverpool (Anh Quốc) đã được đăng tải trên tạp chí British Medical Journal gần đây cho thấy hàng ngàn bệnh nhân chết mỗi năm do những phản ứng bất lợi của thuốc vốn được sử dụng cho những bệnh tật thông thường. Những liều thấp aspirin được sử dụng hằng ngày để điều trị những bệnh về tim mạch, giảm đau và  những loại thuốc kháng viêm không steroid là những chất phổ biến nhất được “chỉ mặt điểm tên”.

Acetaminophen được khuyến cáo sử dụng liều thấp hơn để hạn chế nguy hiểm do phản ứng phụ của thuốc. Ảnh: C.T.V

Những thuốc kháng viêm không steroid là những loại thuốc hữu hiệu nhất thể hiện chức năng “hai trong một”. Đó là kháng viêm và giảm đau. Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc kháng viêm không steroid là gây tác động có hại lên bao tử, biến đổi từ nhẹ đến nặng, “lai rai” thì gây khó chịu bao tử, nặng hơn thì gây tổ hại màng bảo vệ thành bao tử. Khi sử dụng một liều lượng đủ cao để kiểm soát những cơn đau, aspirin (cho dù đã được bao viên) là một trong những loại thuốc kháng viêm giảm đau phổ biến nhất gây viêm và xuất huyết bao tử. Vì vậy, cần phải ăn no khi uống loại thuốc này để giảm những rủi ro bị xuất huyết bao tử.

Nếu khi sử dụng những loại thuốc giảm đau kháng viêm không steroid có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như viêm loét bao tử, tăng huyết áp, thầy thuốc có thể đề nghị bệnh nhân sử dụng celecoxib (celebrex). Celecoxib có tác động giống như thuốc kháng viêm không steroid. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị dị ứng với các loại kháng sinh có chứa sulfa (hoặc tất cả loại thuốc có chứa sulfa) thì không nên sử dụng celecoxib, nếu chưa thực hiện các xét nghiệm về dị ứng.

Nhiều phản ứng phụ ở thận, gan, tim

Những loại thuốc giảm đau cũng có thể ức chế năng lực tiểu cầu, từ đó hình thành các cục máu đông... Điều này dẫn đến sự thâm tím cơ thể hoặc chảy máu bất thường. Một dạng tác dụng phụ phổ biến khác là gây tăng huyết áp và sưng phồng chân. Sử dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid liều cao trong một khoảng thời gian dài có thể gây tổn hại thận, gan.

Nếu sử dụng aspirin để ngăn ngừa những cơn nhồi máu cơ tim hoặc ngăn ngừa những cơn đột quỵ, thuốc kháng viêm không steroid khi dùng chung với aspirin có thể làm giảm những lợi ích trên của aspirin. Muốn giữ được hiệu quả của aspirin trong trường hợp này, tốt nhất không nên uống aspirin chung với các thuốc kháng viêm không steroid ít nhất từ 1-2 giờ (trước khi hoặc sau đó).

Các loại thuốc kháng viêm giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid có thể gây rủi ro các bệnh tim mạch. Hiện có rất nhiều khuyến cáo về những rủi ro tim mạch cho những loại thuốc này. Những nghiên cứu cho thấy phần nhiều các loại thuốc này làm tăng rủi ro nhồi máu cơ tim từ 50% - 80% nếu sử dụng trong nhiều năm từ liều trung bình cho tới liều cao.
Không nên sử dụng thuốc quá liều

Để đạt được hiệu quả giảm đau tốt nhất, song song với việc uống các loại thuốc kháng viêm giảm đau, các thầy thuốc gợi ý bạn cũng nên cần hạn chế những thói quen khác có thể dẫn đến những rủi ro về tim mạch như hút thuốc, thực phẩm nhiều cholesterol, béo phì, lười biếng tập thể dục thể thao... Để hạn chế tối đa những bất lợi trong việc sử dụng thuốc giảm đau, người bệnh cần nhớ là không bao giờ sử dụng quá liều lượng được đề nghị. Khoảng cách giữa 2 lần sử dụng không dưới 4 giờ. Nếu cơn đau vẫn còn âm ỉ sau khi sử dụng thuốc giảm đau, cần báo cho bác sĩ. Cũng nên báo cho bác sĩ biết rõ nếu bạn đang có những bệnh về bao tử và bộ máy tiêu hóa.

Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường
Trường ĐH Dược Curtin- Úc
NLD
Chia sẻ