"Vác bướu lạc đà"

Theo PNO,
Chia sẻ

Không ít cặp vợ chồng dù chán nhau cách mấy, dù không còn tình yêu, thậm chí còn ghét nhau, thù nhau đến mức không muốn nhìn mặt nhau… nhưng họ vẫn sống với nhau, cố gắng chịu đựng nhau, ràng buộc nhau chứ cương quyết không ly hôn.

Các chuyên gia tâm lý gọi hiện tượng này là “Vác bướu lạc đà”. Tại sao những người trong cuộc lại cam chịu một việc rất ư là nặng nhọc và vô ích ấy? Thử tìm hiểu một số nguyên nhân.
 
Vì con cái
 
Dường như đây là nguyên nhân hàng đầu và quan trọng để những người chủ gia đình cương quyết bảo vệ cái tổ đã trở nên lạnh lẽo của mình. Họ biết rõ, khi gia đình tan vỡ, những đứa con thiếu sự chăm sóc của bố hoặc mẹ dễ trở nên hư hỏng, thậm chí đi vào con đường tội lỗi. Vì vậy, vợ chồng cố chịu đựng nhau cho đến khi con cái trưởng thành. Có cô bạn lấy chồng đã 10 năm, con trai con gái đầy đủ, kinh tế khá giả. Tưởng vậy là hạnh phúc. Hóa ra không phải. Cô nói, vợ chồng cô từ lâu không còn yêu nhau nữa. Cuộc sống trôi qua, đơn điệu, nhàm chán. Việc ai người ấy làm, thân ai người ấy lo, chẳng ai quan tâm đến ai. Có khi, nhiều ngày liền vợ chồng chẳng có chuyện gì để nói với nhau. Mọi người hỏi, vậy sao không li dị ? Cô lắc đầu: “Không được! Bọn mình không muốn các con chứng kiến cảnh tan đàn xẻ nghé. Sinh con ra phải có trách nhiệm nuôi chúng không lớn! Đợi tới khi đó rồi tính”.
 

Vì hi vọng

Ở cạnh nhà nhau, thỉnh thoảng chị hàng xóm dắt con chạy sang nhà tôi xin “trú ẩn” bởi chồng nhậu nhẹt say bét nhè về nhà gây gổ, cầm gậy rượt đuổi vợ con. Thấy cảnh chướng tai gai mắt xảy ra thường xuyên, tôi khuyên chị còn trẻ, bỏ quách chồng đi, kiếm người khác. Chị xua tay, giọng buồn hiu: “Thật ra, chỉ khi nào say ổng mới trở chứng vậy chứ thường ngày hiền lành, thương vợ thương con lắm. Đợi từ từ mình khuyên bảo ổng bỏ rượu tu chí làm ăn!”. Có điều, chính chị cũng không biết đến khi nào thì chồng chị mới bỏ được rượu nên chị vẫn phải thường xuyên chạy, khi thì sang nhà tôi, lúc sang nhà khác để trốn.

Chồng chị Ba hành nghề xe ôm. Hàng ngày, anh có “mối làm ăn” là đưa đón cô ca ve “đi làm”. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Dạo sau này anh ở bên cô ca ve nhiều hơn với vợ. Biết tin, lúc đầu chị làm ầm ĩ, đánh ghen cô ả kia một trận. Song, kết quả là không giữ được chồng mà anh ta còn chuyển sang ở luôn với cô kia. Chị buồn bực, đau khổ, khóc lóc, kể lể …Nhiều người khuyên li dị để giải thóat cho mình : “Cái thứ đàn ông đó không đáng để mình tiếc”. Nhưng chị Ba nhất quyết không chịu. Chị nói : “Tui nghĩ kỹ rồi! Kệ chả đi! Đợi vài năm nữa, con kia sẽ tàn tạ. Khi đó, thế nào chả cũng quay về với vợ con thôi!”. Đó! Chỉ vì hi vọng mà những người phụ nữ này cam chịu “Vác bướu lạc đà” chẳng biết đến khi nào?
 

Vì danh dự

 Đây là cách xử sự của những cặp vợ chồng có địa vị hoặc nổi tiếng, giàu có…như trường hợp một bà giám đốc nọ. Vợ mải lo sự nghiệp, chồng bị “bỏ bê” nên “tòm tem” cô hàng xóm. Lúc đầu, bà đùng đùng nổi giận, định làm cho chồng xấu hổ, rồi cho cô vợ hờ kia một trận đòn “cảnh cáo”, và cuối cùng sẽ li dị ông chồng “già rồi còn mất nết” kia. Biết ý đồ của bà, mọi người can: “Chị làm thế không những mất chồng mà còn xấu mặt với thiên hạ. Liệu còn uy tín mà lãnh đạo? Cứ kệ ổng đi! Bao giờ về hưu hẵng hay!”. Ngẫm đi nghĩ lại, bà thấy cũng có lý nên đành làm ngơ, coi như “không nghe không thấy không biết” .

Gia đình chị Hạnh cũng rơi vào cảnh “cơm không lành canh không ngọt” từ lâu. Khổ nỗi, hai người làm cùng công ty. Nếu đồng nghiệp biết chuyện vợ chồng lục đục sẽ đàm tiếu, chê cười. Thế là dù ở nhà họ không thèm nhìn mặt nhau, đến cơ quan vẫn phải tỏ ra xởi lởi, vui vẻ. Chị nói, cứ cố gắng làm như vậy đến khi nào một trong hai người kiếm được chỗ làm khác sẽ tính tiếp.

Và tự an ủi
 
Không ít cặp vợ chồng chán nhau chỉ vì những điều tưởng như nhỏ nhặt. Hồi còn yêu nhau, mỗi khi gặp nhau, quần áo của anh luôn bốc mùi Comfort thơm phức. Vậy mà khi về sống với nhau, muốn chồng vào nhà tắm, vợ phải nhắc mỏi miệng. Đi làm về, chồng quen thói như khi còn độc thân, giày tất quăng mỗi nơi một cái, áo quần vắt mỗi nơi một chiếc. Vợ luôn tay thu dọn, nhắc nhở. Chồng hôm nhớ bữa quên khiến vợ bực bội, khó chịu. Một bà vợ khác than phiền mỗi khi “lâm trận” chồng cứ “hì hục như giã giò”, không quan tâm đến cảm xúc của “đối tác”…Hậu quả là tình yêu lụi tàn. Nhưng, như những người trong cuộc tâm sự, ngòai những điều nhỏ nhặt ấy, chồng là người thương vợ quí con, không gái gú nhậu nhẹt…Dù sao, sống với một người chồng như vậy vẫn hơn các bà vợ có chồng bài bạc, bồ bịch, bạo hành vợ con…

Ngoài ra, nhiều người vợ cương quyết “Vác bướu lạc đà”, với lý do sợ mang tiếng “bị chồng bỏ”. Họ chung sống với nhau trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài nhiều năm. Đến khi con cái trưởng thành, sức chịu đựng cạn kiệt thì cũng là lúc tuổi cao, sức yếu. Lại tự an ủi mình: “Già rồi! Chắc chẳng còn sống được bao lâu! Cả đời chịu đựng được nhau, không lý không chịu đựng nhau thêm ít năm nữa?”

Các chuyên viên tư vấn hôn nhân gia đình lý giải tình trạng “Vác bướu lạc đà” khi phụ nữ cố níu kéo hôn nhân, chịu đựng một cuộc sống không hạnh phúc… thường lấy lý do vì con cái. Nhưng tìm hiểu đến tận cùng, nguyên nhân chính đa phần xuất phát từ sự thiếu dứt khoát, yếu đuối, không thể vượt qua được chính mình.
 
 
Chia sẻ