Văn hóa bữa cơm gia đình của người Sài Gòn: Ăn ở tiệm vui hơn ở nhà, nhưng phải là đầy đủ các thành viên!

Min,
Chia sẻ

Nếu ở miền Bắc, bữa cơm nhà vào cuối ngày của cả nhà thường diễn ra tại gia, thì ở Sài Gòn bữa cơm này thông thường sẽ diễn ra ngoài tiệm. Đây là sự thật mà ít người khó lòng phủ nhận được.

Khi nhịp sống ngày một hối hả, dường như người ta đã quên đi nhiều giá trị thiêng liêng nằm đằng sau cánh cửa gia đình. Ấy thế, dù có đi bao xa hay bao lâu về phía trước, khi ngoảnh đầu nhìn lại, ai cũng thèm một bữa cơm nhà đầm ấm nơi có bố mẹ, ông bà, anh chị em quây quần bên nhau. Bữa cơm gia đình có thể xem là một trong những nét văn hóa muôn đời của người Việt mà mỗi người dù có hời hợt cách mấy, chạy theo cái guồng quay hiện đại vội vàng cách mấy cũng khó lòng quên đi.

Tuy nhiên, bữa cơm gia đình hệ trọng thì hệ trọng thật, nhưng giữa hai miền Bắc và Nam, cụ thể là Sài Gòn có một sự khác biệt rất lớn. Nếu ở miền Bắc, bữa cơm sum vầy vào cuối ngày của cả nhà thường diễn ra tại gia, thì ở Sài Gòn bữa cơm này thông thường sẽ diễn ra ngoài tiệm. Đây là một sự thật mà ít người khó lòng phủ nhận được. Không tin thì chỉ cần dạo một vòng các khu hàng quán ăn uống ở Sài Gòn vào thời điểm chiều tối, sẽ thấy kha khá gia đình đang quây quần ăn uống vui vẻ cùng nhau, người già thế hệ ông bà cũng có, trẻ con líu ríu thì vô cùng nhiều. 

ava1

Và để tìm hiểu cái nếp gia "cơm nhà diễn ra ngoài tiệm" của Sài Gòn này, hãy cùng lắng nghe lời chia sẻ của 4 nhân vật vô cùng thú vị dưới đây. Họ đều là phụ nữ, 3 người đầu là thành viên của các gia đình thường xuyên ra ngoài ăn tiệm, còn người thứ 4 là Nghệ nhân Ẩm thực sở hữu 3 nhà hàng rất có tiếng tại Sài Gòn - chị chia sẻ về cái thói quen thú vị này thông qua quá trình quan sát các nhóm thực khách gia đình đến với nhà hàng của mình.

Tô Hồng Vân - Tác giả sách thiếu nhi, đồng thời là mẹ của 3 cô "công chúa"

Do tất cả các thành viên trong gia đình Vân đều có niềm đam mê bất tận với ẩm thực nên việc đi ra hàng quán gần như là thói quen và sở thích chung của cả nhà. Nếu đi du lịch thì chắc chắn sẽ tìm hết những nhà hàng với các món ăn đặc thù để nếm thử, ngày thường ở nhà thì xoay tua đến những quán quen để cùng thưởng thức những món ngon thân thuộc. 

Bản thân Vân là một cô gái gốc Bắc vào Nam sinh sống nhiều năm, hay nói đùa là "đã mất gốc" - nên "nếp nhà" có lẽ cũng không rõ đặc trưng ngoài Bắc. Vân nghĩ khí hậu và thời tiết cũng góp phần không nhỏ vào thói quen ăn uống của mỗi vùng miền: Sài Gòn khí hậu dễ chịu quanh năm, nên mỗi buổi tối, cả nhà cùng nhau vi vu trên đường, đến những quán ăn khác nhau thật sự là rất dễ chịu; trong khi với miền Bắc, mùa hè oi bức, mùa đông lạnh giá, ngồi ở nhà thoải mái với mâm cơm gia đình chắc chắn là một lựa chọn được ưu tiên hơn. 

Đi ra ngoài hàng quán ăn đồng nghĩa với việc cả nhà cùng "chất" lên một chiếc xe, cùng chở nhau đến nơi, cùng gọi món và cùng dùng bữa - điều này Vân nghĩ thật ra cũng có cái hay: gắn bó hơn, thời gian đi chung với nhau nhiều hơn, nói chuyện được nhiều hơn và có nhiều kỷ niệm hơn!

1

Tuy nhiên, nói thế không hẳn tất cả các bữa cơm gia đình của nhà Vân đều ở bên ngoài, chỉ thi thoảng, có khi thường xuyên nhưng chẳng bao giờ là luôn luôn. Những bữa cơm tại nhà, Vân cũng hay biến tấu để cả gia đình có được niềm vui không kém gì khi đi ăn bên ngoài. Ví dụ như cố định ngày thứ 5, bữa cơm tối sẽ được "xả stress" với tivi mở, lần lượt mỗi tuần một người chọn phim cho cả nhà xem. Dù vừa ăn vừa xem là thói quen không tốt nhưng vừa cùng ăn và vừa bình luận về bộ phim đang xem lại là niềm vui và niềm ngóng chờ của mỗi thành viên trong gia đình. 

Nhà Vân có quy tắc "không điện thoại trên bàn ăn". Vân nghĩ nếu mỗi người "được quyền" tập trung nhìn vào màn hình điện thoại bé xíu của mình thì dù có ngồi trong một bữa cơm trong gian bếp của gia đình thì sự ấm áp cũng không bao giờ có được. Còn nếu cùng nhìn nhau, nói chuyện với nhau thì đang "mỗi người một đĩa cơm ở quán ăn ven đường" cũng chan chứa tình yêu thương. 

65094770_416079802324791_7028682785556529152_n

IMG_9530

Hay như "bữa cơm chiều Chủ Nhật": đây là bữa cơm đặc biệt nhất trong tuần vì tất cả các thành viên trong gia đình đều cùng nhau nấu chứ không chỉ cùng nhau ăn. Vân quan niệm rằng, cùng nhau vào bếp, cùng nhau góp phần tạo ra một bữa ăn rồi cùng nhau dọn dẹp sẽ là cách tốt nhất để duy trì không khí đầm ấm gia đình, đồng thời góp phần "chuyển giao" nếp nhà cho con. Tự nấu ăn được, biết được những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng thì dù có ăn ở nhà hay ăn ở tiệm, bạn cũng sẽ xem trọng bữa ăn, cũng hiểu được rằng, cuối cùng, mỗi bữa ăn cũng chính là cách bạn chăm sóc bản thân và chăm sóc những người thân yêu.

Tâm Ngô - cô vợ trẻ hiện sống trong một đại gia đình nhiều thế hệ ở Sài Gòn

Nhà Tâm thường đi ra hàng quán ăn vào mỗi cuối tuần. Nhưng khi nào có bà nội lên thì cả nhà lại thích cùng nhau dùng cơm ở nhà hơn vì sẽ có những món ăn rất đặc trưng mà bên trong đó là cả câu chuyện gắn bó với gia đình. Ẩm thực Sài Gòn đa dạng và nhiều sắc màu, người Sài Gòn thì thích nhộn nhịp hàng quán để giúp không khí bữa ăn thêm vui vẻ. Mình nghĩ nét ăn uống bên ngoài cũng ảnh hưởng khá nhiều từ bộ phận người Hoa ở miền Nam bởi họ luôn thích ra ngoài ăn uống cùng gia đình mỗi cuối tuần hoặc dịp vui. 

2

Thực chất, mình nghĩ việc ra ngoài hàng quán ăn không ảnh hưởng lắm tới không khí gia đình nếu chúng ta có thể cùng nhau ra ngoài dùng cơm. Và mình thấy điều này cũng giúp giảm tải áp lực cho các bà nội trợ về việc suy nghĩ sẽ phải thay đổi hương vị như thế nào để làm vui lòng cả nhà. 

Thực ra mình nghĩ là ăn ở đâu, ăn gì cũng không quan trọng bằng việc ăn cùng ai. Bởi vì hương vị rồi cũng trôi qua khỏi cảm giác đầu lưỡi nhưng mà cái thi vị và tình cảm của bữa ăn với những người mình thương quý lại là những kỷ niệm quý giá. Ngon thế nào mà ăn 1 mình vẫn chỉ là bữa cơm, còn ăn cùng những người làm mình vui vẻ và hạnh phúc thì đó không chỉ là món ăn ngon mà đó còn là liều thuốc cho tinh thần.

Kim Khánh Trần - cô gái trẻ đang làm mẹ, làm vợ, làm dâu ở Sài Gòn

Có nhiều yếu tố giúp hình thành thói quen này của người miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Thứ nhất là người Nam lối tiêu xài rộng rãi hơn nên thường thích ra hàng quán cho nhanh, gọn và còn ít tốn thời gian dọn dẹp. Người miền Bắc thì vốn từ xưa đã chắt chiu và chịu khó nên họ thường chọn ăn uống ở nhà sẽ ít tốn kém hơn là ra hàng quán.

3

Thứ hai, người miền Nam, nhất là người Sài Gòn thường bận rộn nên họ không có nhiều thời gian dành cho gia đình, khi có được thì tranh thủ ra hàng quán ăn cho xong để còn nghỉ ngơi rồi quay trở lại với công việc. Người miền Bắc thì họ quan trọng bữa cơm gia đình phải là ở nhà. Các cụ miền Bắc ngày xưa thì bữa cơm ở nhà rất quan trọng vì họ coi trọng sự ấm cúng trong gia đình, coi trọng bữa cơm gia đình vì đó là thời khắc gia đình sum vầy dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ với nhau về mọi điều diễn ra trong cuộc sống.

Ra ngoài ăn thì sẽ đỡ cực cho phụ nữ vì đa phần những bữa ăn ở gia đình Việt là do người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị. Việc ra ngoài ăn có thể giảm tải bớt 1 phần công việc của người phụ nữ, giúp họ giảm stress và có thể thưởng thức bữa ăn một cách trọn vẹn hơn thay vì ở nhà. 

Tuy nhiên, nếu có thời gian rảnh rỗi nhiều thì phụ nữ cũng nên có những bữa cơm do mình tự tay chuẩn bị để có không khí gia đình chứ nếu cứ ăn ở ngoài suốt thì cũng tẻ nhạt lắm. Việc ăn ở ngoài hay ở nhà đều có cái lợi cũng như bất lợi nên phụ nữ cũng phải biết cân nhắc giữa 2 mảng đối lập đó để làm sao vun vén được hạnh phúc gia đình một cách tốt nhất.

Đoàn Thu Thủy - Nghệ nhân ẩm thực, chủ sở hữu 3 nhà hàng rất có tiếng tại Sài Gòn

Kinh doanh nhà hàng nhiều năm, tôi thấy những ngày cuối tuần hay dịp lễ, các gia đình 3 thế hệ đi ăn ở nhà hàng rất nhiều. Có nhiều ông bà đã rất lớn tuổi và cả những em bé nhỏ. Họ cùng nhau quây quần ăn uống rất vui. Tôi nghĩ thói quen đi ăn tiệm của người Sài Gòn đã có từ lâu đời. 

4

Có lẽ họ nghĩ rằng ngày nghỉ thì nghỉ cho trọn vẹn, không phải để cho người phụ nữ trong gia đình phải đầu tắt mặt tối sửa soạn bữa ăn cho cả nhà rồi lại tất bật dọn dẹp. Và có lẽ đi ăn tiệm thì thưởng thức được những món ăn ngon hơn thường ngày, được phục vụ và nhất là có thời gian chuyện trò bên nhau.

Người Sài Gòn khá thoải mái trong việc ăn uống, những bữa cơm gia đình cũng không quá cầu kỳ. Cuối tuần cả nhà thường đi chơi và ăn bên ngoài nên các hàng quán ngày cuối tuần rất đông khách. Có lẽ ăn ở đâu không quan trọng mà quan trọng là ăn với ai.

Thống kê chỉ ra rằng hơn 50% các gia đình trẻ hiện nay thường xuyên ăn ở ngoài và rất khó để có một bữa cơm gia đình chung. Cuộc sống bận rộn, bữa cơm bên nhau cũng ít dần. Vậy bên cạnh những mâm cơm ngày giỗ, ngày Tết tại sao chúng ta không coi Ngày gia đình Việt Nam 28/6 là ngày để về nhà ăn cơm? Bữa cơm có thể giản dị nhưng là dịp để chúng ta sum họp bên nhau, chia sẻ khoảnh khắc yêu thương ấm áp.
bannervenhaancom-15613770693741229316583

Chia sẻ