Vào làm 2 tháng, lương 6 triệu, chàng công sở khóc ròng vì "mặc định" là người trả tiền khi ra ngoài cùng sếp

Louis,
Chia sẻ

“Đã thế, có hôm khách bảo để khách trả mà sếp cứ tỏ vẻ, bảo để sếp trả nhưng cuối cùng khi chào khách đi thì sếp cũng tự nhiên đi ra luôn và em là người phải móc hầu bao”.

“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, tiền bạc vốn là câu chuyện nhạy cảm nhất cuộc đời. Người nhập nhằng, cư xử không khéo léo trong chuyện tiền bạc thường dễ khiến những người xung quanh mất lòng, bạn bè xa lánh.

Trong cuộc sống thường nhật, tiền bạc nhạy cảm một thì trong môi trường công sở, câu chuyện tiền nong còn rắc rối hơn gấp bội. Vấn đề tiền bạc nơi công sở thường gắn liền với hai chữ thị phi. Đồng nghiệp dù thân cách mấy mà không rõ ràng, sòng phẳng chuyện tiền nong thì cũng rất sứt mẻ tình cảm.

Vào làm 2 tháng, lương 6 triệu, chàng công sở khóc ròng vì bị mặc định phải là người trả tiền khi ra ngoài cùng sếp - Ảnh 1.

Mặc dù vậy, đối với đồng nghiệp, chúng ta còn có thể dễ dàng mở lời góp ý hay ba mặt một lời làm rõ vấn đề mỗi khi có sự nhập nhằng. Tuy nhiên, đối với sếp, câu chuyện nhạy cảm này lại được nâng lên một tầm cao mới, mang một ý nghĩa trọng đại mà nếu xử lý không khéo, công việc hiện tại của chúng ta có thể bị mất trong chớp mắt.

Vừa mới đây, trong một hội nhóm quy tụ đông đảo dân văn phòng, một thành viên đã có dịp chia sẻ câu chuyện nhập nhằng tiền bạc với sếp mà bản thân mình đang gặp phải cũng như không biết giải quyết như thế nào cho thỏa đáng. Cụ thể, thành viên này kể:

“Em chào cả nhà. Hôm nay em muốn kể cho mọi người nghe cái trường hợp đi làm của em. Em không biết người giàu, thành công thì bằng cách gì, chứ riêng sếp em thì nhờ vào keo kiệt. Mới vào làm công ty được 2 tháng, cuối cùng cũng trở thành nhân viên chính thức, nhưng bài học xương máu đầu tiên mà sếp dạy em là khi được đi với sếp thì phải hiểu sếp không phải là người trả tiền.

Vào làm 2 tháng, lương 6 triệu, chàng công sở khóc ròng vì bị mặc định phải là người trả tiền khi ra ngoài cùng sếp - Ảnh 2.

Cứ mỗi lần em đi ăn với sếp hay đi gặp khách thì xác định người trả tiền phải là em. Chưa kể có khi gặp 2 3 đợt một ngày, em cứ xác định phải lấy tiền ra đưa trong khi sếp có đủ lý do để né, nào là đang bận gọi điện thoại, đang bận đi vệ sinh và chỉ xong khi em đã móc tiền ra khỏi ví.

Em tức lắm vì dù đã vào làm chính thức nhưng lương cũng chỉ có 6 triệu thôi. Chưa gì mà tháng này em đã thấy phải ăn uống tằn tiện rồi. Đã thế, có hôm khách bảo để khách trả mà sếp cứ tỏ vẻ, bảo để sếp trả nhưng cuối cùng khi chào khách đi thì sếp cũng tự nhiên đi ra luôn và em là người phải móc hầu bao.

Nói thật, em chả biết sao chứ cứ vầy em cũng bỏ công ty mà chạy. Sếp thì không giỏi làm mà chỉ thấy giỏi ăn trên đầu người ta. Mà em thì lại chả biết từ chối như thế nào cho hay nữa, lại sợ sếp đì, nhưng nếu không làm gì thì sếp cứ thế mà lấn tới, lại ăn lương của mình”.

Vào làm 2 tháng, lương 6 triệu, chàng công sở khóc ròng vì bị mặc định phải là người trả tiền khi ra ngoài cùng sếp - Ảnh 3.

Ngay khi vừa được đăng tải cách đây chưa lâu, những dòng tâm sự của “khổ chủ” trong câu chuyện trên nhanh chóng nhận được sự chú ý của đông đảo thành viên trong nhóm. Động đến nỗi đau không của riêng ai, thành viên này nhận về vô vàn bình luận bày tỏ sự đồng cảm cũng như tư vấn đường hướng giải quyết vấn đề:

“Phải mặt dày, bảo em hết tiền. Hơn nữa, em có thể hỏi công ty về vấn đề đi gặp khách thì có được phụ cấp không. Còn sếp kêu dẫn đi ăn thì cứ tìm cách từ chối, kiểu như em hết tiền, em ăn ở nhà rồi. Sếp kiểu này thì đúng ăn cướp ban ngày thật!”.

“Mình đi ăn với sếp nhiều lắm. Nếu không tranh thủ chạy ra trả tiền trước khi sếp đến, thì còn lâu mới giành trả được với sếp. Đến tận bây giờ, dù không còn làm chung, mình vẫn gọi người đó là sếp”.

“Cái này là do sếp lầy rồi chứ thường sẽ nói về công ty thanh toán lại. Bạn nên nói thẳng đi chứ lương nhiêu đó thì đi 2 3 lần là xác định mì gói những ngày còn lại”.

Vào làm 2 tháng, lương 6 triệu, chàng công sở khóc ròng vì bị mặc định phải là người trả tiền khi ra ngoài cùng sếp - Ảnh 4.

Một người sếp tốt là một người biết lắng nghe và thấu hiểu cũng như đồng cảm với nhân viên cấp dưới của mình. Mọi hành vi nhập nhằng, lấp liếm, nhất là về phạm trù tiền bạc đều không thể dùng bất cứ lý do nào để có thể bào chữa.

Ở vào trường hợp nhạy cảm như “khổ chủ” trong câu chuyện trên, anh chị em công sở đừng ngại mở lời, trao đổi và nói chuyện thẳng thắn với sếp, bởi đó là quyền lợi của chúng ta đang bị ảnh hưởng. Nếu không mở lời, mọi chuyện sẽ cứ như thế mà tiếp diễn rồi dẫn đến những cái kết không mấy hay ho.

Vào làm 2 tháng, lương 6 triệu, chàng công sở khóc ròng vì bị mặc định phải là người trả tiền khi ra ngoài cùng sếp - Ảnh 5.

Chia sẻ