Vì sao phụ nữ Việt Nam kém hạnh phúc hơn nam giới?

,
Chia sẻ

Vì họ sống ít thoải mái, phải gánh vác quá nhiều việc và phải chịu bạo hành gia đình...

Theo kết quả Điều tra toàn cầu về hạnh phúc do Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen tiến hành trên 51 quốc gia, với 28.153 người tham gia trả lời qua mạng, thì 48 nước có phụ nữ cảm thấy hạnh phúc hơn nam giới, 3 nước còn lại (trong đó có Việt Nam) phụ nữ rơi vào tình trạng ngược lại. Vì sao phụ nữ Việt Nam lại thiếu "may mắn" hơn phụ nữ các nước?
 
Sống ít thoải mái
 
Kết quả được công bố ngày 25/11 trên Nielsen.com nêu rõ 3 nước: Việt Nam, Brazil và Nam Phi, đàn ông cảm thấy hạnh phúc hơn phụ nữ. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, có 3 động lực chính mang lại hạnh phúc cho con người trên toàn cầu, đó là: Tình trạng tài chính cá nhân, sức khỏe tinh thần và công việc. Tuy nhiên, yếu tố làm nên hạnh phúc của đàn ông và phụ nữ có phần khác nhau.
 
Chị em đang phải gánh một lúc “hai vai"
 

Trong khi đàn ông hạnh phúc với tiền bạc, thì phụ nữ lại cảm thấy thỏa mãn hơn với bạn bè và những mối quan hệ với con cái, đồng nghiệp và lãnh đạo. “Đó chính là lý do vì sao, đa số phụ nữ trên thế giới đang hạnh phúc hơn đàn ông. Hạnh phúc của phụ nữ không gắn liền với kinh tế, nên cũng không chịu ảnh hưởng mạnh bởi các cơn suy thoái kinh tế trong những năm qua”, ông Bruce Paul, người phát ngôn của Công ty Nielsen lý giải.

Nielsen là công ty hàng đầu thế giới về truyền thông và thông tin. Công ty có 42.000 nhân viên, hoạt động trên 100 quốc gia, trụ sở chính đặt tại Haarlem (Hà Lan) và New York (Mỹ).

Đồng tình với kết quả  nghiên cứu này, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa (Trung tâm tư vấn Linh Tâm, Hà Nội) cho rằng, hiện ở Việt Nam, đàn ông được sống thoải mái hơn phụ nữ. Đàn ông có nhiều cơ hội về việc làm, học hành và thăng tiến hơn phụ nữ. Hơn nữa, đàn ông không chịu nhiều áp lực về giới như phụ nữ. Sự bất bình đẳng bao giờ cũng nghiêng về phía phụ nữ nhiều hơn và diễn ra ở mọi mặt của cuộc sống. Khi phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, cơ hội để có được hạnh phúc sẽ ít đi, thậm chí bị tiêu diệt.

Phải gánh “hai vai”...

Ba động lực chính làm nên hạnh phúc của mỗi người mà cuộc khảo sát trên đã chỉ ra (tình trạng tài chính cá nhân, sức khỏe tinh thần và công việc) thì phụ nữ Việt Nam đều ít có cơ hội hơn nam giới.

Nói về vấn đề công việc, ông Hòa cho rằng, phụ nữ Việt Nam làm việc gấp 4 lần nam giới. Chị em đang phải gánh một lúc “hai vai”, vừa là một lao động như nam giới ngoài xã hội, lại phải thêm “vai”của người nội trợ trong gia đình. Đó chính là sự phân công lao động bất hợp lý giữa nam và nữ.

Theo số liệu của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, thời gian lao động của nữ giới thường nhiều hơn nam giới 3 - 4 tiếng mỗi ngày. Khoảng thời gian vượt trội này, chị em đều làm việc không công như nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, dạy dỗ con cái...

Ở vùng nông thôn và miền núi, phụ nữ còn phải làm việc quần quật từ 5h sáng đến 11- 12h đêm. PGS TS Lê Thị Quý (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đây là điểm mà phụ nữ Việt Nam bị bất bình đẳng nhiều nhất.

Theo nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa, ở  Việt Nam, đàn ông có khả năng làm ra nhiều tiền hơn phụ nữ không phải vì đàn ông giỏi hơn phụ nữ, mà vì họ có điều kiện tốt hơn. Đàn ông không phải lo việc gia đình, nội trợ, chăm sóc con cái nên có nhiều thời gian để toàn tâm toàn ý cho công việc. Phụ nữ thì ngược lại. Do vậy, cơ hội thăng tiến của nam giới cao hơn, điều này đồng nghĩa với khả năng kiếm tiền của họ.

...Và chịu  bạo hành

Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng, sức khỏe tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc làm nên hạnh phúc của con người. Vậy nhưng, phụ nữ Việt Nam lại chịu quá nhiều áp lực từ công việc, từ các quan niệm phân biệt giới, trong đó bạo hành gia đình là một trong những biểu hiện rõ nhất.

Số liệu thống kê từ 1.228 khách hàng đến tư vấn tại Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khoẻ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho thấy, khoảng 55 - 95% số phụ nữ bị hành hạ thể xác nhưng chưa bao giờ cầu viện tới một cơ quan chức năng hay người có thẩm quyền. Những phụ nữ bị chồng đánh đập ở tuổi 20 - 25 chiếm gần 50% và đa phần là cán bộ, công nhân viên.

Khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang năm 2006 đối với 500 phụ nữ bị bạo lực ở các huyện: Tân Yên, Việt Yên, Lục Nam và TP Bắc Giang, có 338 chị (chiếm 67,6%) bị chồng đánh từ 1 đến hơn 6 lần, có 256 chị (chiếm 51,2%) thường bị chồng sỉ nhục. Thống kê của các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh này cũng cho thấy, mỗi năm Bắc Giang có 25 - 30 vụ án bạo lực trong gia đình được khởi tố, xét xử mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ.

Với thực tế trên, TS Khuất Thu Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, phụ nữ Việt Nam kém hạnh phúc hơn nam giới một phần bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới. Còn PGS. TS Lê Thị Quý cho rằng, cần phải tạo nên sự bình đẳng trong gánh vác và chăm lo gia đình.
 

TS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương:

Stress làm cho phụ nữ hung tính hơn

Những áp lực làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của phụ nữ thường do từ các mối quan hệ mang lại, trong đó mối quan hệ vợ chồng ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của họ. Phụ nữ ngày nay phải làm việc nhiều hơn nam giới.
 
Do phải gánh một lúc “hai vai”, khiến phụ nữ không có thời gian nghỉ ngơi dẫn đến những mệt mỏi căng thẳng cả về thể xác lẫn tinh thần. Bởi vậy, thời gian gần đây nhiều vụ bạo hành trẻ em mà thủ phạm lại chính là những người mẹ, bảo mẫu và cô giáo. Sự hung tính của họ ngoài bản năng còn là biểu hiện của một sức khỏe tinh thần tồi tệ.
Theo Lâm Vũ
Giadinh
Chia sẻ