Việc nhà không đơn giản

,
Chia sẻ

"Trong gia đình, từ ông nội đến bố rồi đến anh và em trai chẳng ai phải đụng vào việc rửa chén, quét nhà. Em là phụ nữ, là vợ, là mẹ thì phải làm những việc "lặt vặt" đó".

Không ít nam giới cho rằng việc nhà là việc của chị em phụ nữ, trong khi số khác lại suy nghĩ rằng chia sẻ công việc trong gia đình là cách thể hiện tình yêu và trách nhiệm với "bà xã" của mình. Đôi khi, việc nhà cũng chính là nguyên nhân dẫn đến rạn nứt tình cảm.

Việc vợ - việc chồng

Khá nhiều anh chồng trẻ cho rằng, chồng chỉ lo kiếm tiền và giao thiệp bên ngoài, vợ lo chăm con và vun vén việc trong nhà. Phụ nữ ngày nay cũng cùng chồng bươn chải, cũng có nhu cầu nghĩ ngợi, giải trí để tái tạo sức lao động cho ngày hôm sau, nhưng không phải ai cũng có diễm phúc được chồng thấu hiểu, thông cảm và cùng chia sẻ công việc nhà.

Nhiều người sợ "điếc tai" vì những lời ca thán của vợ, họ cũng phân chia công việc ra tấm, ra món theo kiểu "việc đàn ông, việc đàn bà". Đàn ông lo những việc nặng nhọc như xây nhà, sửa chữa điện, xe máy, ti vi... còn đàn bà phải lo việc nhà cửa, con cái, bếp núc, giặt giũ. Tuy nhiên, khi ti vi hỏng, điện đóm hư thì chỉ cần bấm điện thoại "phát một" là lập tức có người đến phục vụ tận nơi. Trong khi đó, không thể có chuyện ngày nào cũng có người đến nấu cơm, giặt quần áo, hay chăm sóc con!.
 
Lập gia đình chưa lâu, Hiền sinh được một bé trai, hạnh phúc ngập tràn trong gia đình nhỏ. Hiền hài lòng với vai trò người phụ nữ của gia đình. Tuy cũng đi làm như chồng, nhưng mọi việc trong nhà từ lớn đến nhỏ, một tay Hiền thu vén. Những chuyện "lặt vặt" như chợ búa, cơm nước, chăm sóc con cái, thu dọn nhà cửa đều một tay chị quán xuyến.
 
Không ít nam giới cho rằng việc nhà là việc của chị em phụ nữ

Từ 5 giờ rưỡi sáng, chị đã dậy đi chợ, chuẩn bị bữa sáng cho cu Bi và cả gia đình, sau đó mới tất tả đưa con tới lớp rồi vội vàng tới cơ quan. Buổi chiều, sau khi đón con về, chuẩn bị cơm tối, chị còn lo thuốc thang, chăm sóc mẹ chồng già yếu thường xuyên ốm đau. Dù những việc đó không quá nặng nhọc, nhưng ngày nào cũng phải đối diện với chừng ấy công việc khiến Hiền nhiều lúc quá tải đến kiệt sức.

Chị cho biết, những lúc mệt mỏi, đã nhiều lần nhờ anh ấy đỡ đần thêm nhưng lần nào ông xã cũng bảo: "Trong gia đình, từ ông nội đến bố rồi đến anh và em trai chẳng ai phải đụng vào việc rửa chén, quét nhà. Em là phụ nữ, là vợ, là mẹ thì phải làm những việc "lặt vặt" đó. Người ta thấy anh làm, lại đánh giá anh sợ vợ!". Bởi vậy, dù có hụt hẫng, mệt mỏi, và thỉnh thoảng chị bị stress và thầm trách người chồng vô tâm, nhưng để giữ gia đình êm ấm, chị Hiền vẫn phải ráng sức hoàn thành nhiệm vụ của người vợ đảm.

Cùng nhau san sẻ

Ngoài những anh xã dửng dưng né tránh việc nhà, lại có những anh xã rất tích cực "giúp vợ" trong việc lau nhà, rửa chén để vợ yêu có thêm thời gian nghỉ ngơi sau giờ tan sở.
 
Việc nhà luôn cần có sự chia sẻ gánh vác của cả hai vợ chồng
 
Ngay từ khi chuẩn bị đưa thiệp cưới, chị Minh - anh Tiệp đã lên nhiệm vụ cho cả hai vợ chồng trong việc chăm sóc nhau và vun vén cho tổ ấm nhỏ bé của mình. Ngoài công việc ở công ty, cả hai vợ chồng cùng nhau thống nhất về phân chia việc nhà. Vì chưa vướng bận con cái nên việc nhà cũng không nhiều nhưng anh Tiệp cũng xung phong phần việc lau nhà, rửa chén, còn chị Minh nhận nhiệm vụ đi chợ nấu cơm. Dọn dẹp nhà cửa và cơm nước xong, cả hai vợ chồng thảnh thơi ngồi xem ti vi, tán gẫu rất vui vẻ.

Anh Vinh, chồng chị Thi ở Bình Thạnh chẳng so đo, tính toán khi giặt giũ, rửa chén, nấu nướng giúp vợ. Anh quan niệm, việc nhà không phải của riêng ai. Vợ hay chồng nếu người nào thời gian rảnh rỗi thì đỡ đần, san sẻ công việc gia đình. Sau giờ làm, Thi đi chợ nấu cơm, còn Vinh đến trường đón con. Những hôm vợ mệt, Vinh sẵn sàng đảm trách việc nhà, lo cơm nước đỡ đần vợ. Thi chia sẻ: "Tôi thật may mắn khi có một người chồng luôn động viên, yêu thương, thông cảm và biết đỡ đần công việc nhà. Anh ấy không hề có suy nghĩ gia trưởng như một số đàn ông khác. Vì vậy, cuộc sống gia đình tôi lúc nào cũng dễ chịu".

Cũng như Thi, Quỳnh là một người vợ may mắn khi có được người chồng dù có chút địa vị nhưng vẫn sẵn sàng  chia sẻ việc nhà với chị. Công việc cơ quan đòi hỏi chị phải thường xuyên công tác xa nhà. Chồng chị luôn vui vẻ thay chị chăm lo nhà cửa và dạy dỗ các con để chị yên tâm công tác. Ban đầu, anh cũng có mắc cỡ phải làm những "công việc đàn bà". Đi chợ, anh cũng đi rất sớm để ít gặp người quen, lau nhà thì cũng phải đóng kín cửa để hàng xóm không thấy...

Một lần, chị đi vắng cả tuần anh đắn đo giữa việc nấu cơm đãi khách hay ra ăn tiệm. Rồi anh cũng ra chợ mua cá lóc về nấu canh chua, thêm nồi thịt kho tàu mà anh học lỏm được từ vợ. Khách ăn và không ngớt khen ngợi tài nội trợ của anh. Chồng Quỳnh nhận ra, làm việc nhà cũng là một niềm vui, giúp được vợ thì niềm vui đó càng có ý nghĩa hơn. Có đụng vào những công việc không tên mà vợ vẫn phải quán xuyến hàng ngày, anh càng hiểu và thông cảm được những vất vả, cực nhọc của vợ.

Đa số các ông chồng cho rằng việc nhà là chuyện vụn vặt, rờ vào thì sợ trước sau gì cũng trở thành đàn bà, sẽ không làm được chuyện đại sự... Nhưng những ông chồng giúp vợ kể ở trên, khi ra ngoài đời, họ vẫn là những kỹ sư, bác sĩ, công nhân viên chức có bản lĩnh, được nhiều người coi trọng. Họ làm việc nhà, trước tiên vì họ yêu thương "bà xã" của họ, muốn chia sẻ bớt gánh nặng để vợ có thời gian nghỉ ngơi. Đó là điều chắc chắn mà bất cứ bà vợ nào cũng đều trông chờ ở đức ông chồng mình.

Ngày nay phụ nữ có thể đảm đương các công việc ngoài xã hội không thua kém gì nam giới. Việc nhà cũng là công việc nặng nhọc và không phải của riêng mình ai. Vì vậy, việc nhà luôn cần có sự chia sẻ gánh vác của cả hai vợ chồng và con cái. Chia sẻ việc nhà với các thành viên trong gia đình cũng là cách để các thành viên trong gia đình gắn bó và có trách nhiệm trong việc xây dựng và gìn giữ tổ ấm hơn.
 
Theo Mỹ thuật
Chia sẻ