Việt Nam chuẩn bị tình huống đối phó dịch Ebola xâm nhập

Lê Minh (TH),
Chia sẻ

Chiều 7.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành quyết định Kế hoạch hành động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola tại Việt Nam.

Bộ Y tế chuẩn bị 3 tình huống đối phó dịch Ebola xâm nhập vào Việt Nam

Ngày 7/8, Bộ Y tế khẳng định, qua hệ thống giám sát tại các sân bay, chưa ghi nhận ca bệnh nào liên quan đến virus Ebola. Tuy nhiên, Bộ cũng nhận định, căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Bộ đã đưa ra 3 tình huống dịch bệnh:

Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Ở tình huống này cần phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng.

Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện chúng ta đang ở tình huống 1, nhưng vì đây là dịch bệnh nguy hiểm nên cần hết sức nỗ lực ngăn chặn không để dịch xâm nhập và phát hiện sớm nếu có ca bệnh.

Việt Nam chuẩn bị tình huống đối phó dịch Ebola xâm nhập 1
Miền Nam Guinea, khu vực ổ dịch ghi nhận có người tử vong

Tăng cường công tác giám sát, dự phòng; tăng cường giám sát phát hiện tại cửa khẩu, thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola tại khu vực cửa khẩu để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan vào Việt Nam; áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế đối với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola và có yếu tố dịch tễ liên quan các trường hợp nghi ngờ tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cộng đồng…

Khách nhập cảnh từ 4 nước có dịch Ebola phải khai báo y tế

Từ ngày 15/8, Bộ Y tế sẽ triển khai áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh đến từ 4 nước trong vùng có dịch là Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria. Đối tượng phải khai báo y tế là hành khách nhập cảnh đi trên các chuyến bay xuất phát từ vùng đang có dịch bệnh do virus Ebola trong vòng 21 ngày.

Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola với các triệu chứng như sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc… nhân viên y tế ở cửa khẩu phải yêu cầu hành khách vào khu vực cách ly để khám sàng lọc và báo cáo kịp thời theo quy định.

Với tình huống xấu nhất là dịch lan rộng, Bộ Y tế cũng đưa ra kế hoạch giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Cụ thể, Bộ sẽ thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, có kế hoạch mở rộng các cơ sở điều trị trong trường hợp quá tải.

Các bệnh viện sẽ thực hiện phân luồng khám bệnh, cách ly điều trị, chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện. Ngoài ra, các bệnh viện sẽ chuẩn bị sẵn sàng khu vực tiếp nhận bệnh nhân do virus Ebola, thành lập các nhóm lưu động hỗ trợ các địa phương...

Bộ cũng yêu cầu các viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur chủ động nghiên cứu dịch tễ học để đánh giá nguồn gốc, sự biến đổi và đề xuất các biện pháp phòng chống.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trung ương, địa phương, các trung tâm y tế địa phương, trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh, thành phố cũng được yêu cầu rốt ráo lên phương án phòng chống dịch.

Việt Nam khuyến cáo công dân hạn chế di chuyển đến vùng có dịch

Trước nguy cơ lây lan dịch Ebola vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Chính phủ, đồng thời, triển khai việc khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu quốc tế với người nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị, ứng phó, phòng chống dịch bệnh…

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị tập trung giám sát tại cửa khẩu, bệnh viện, phát hiện sớm ca bệnh do vi rút Ebola nếu có. Người đi du lịch được khuyến cáo hạn chế đến các quốc gia đang có dịch.

Việt Nam chuẩn bị tình huống đối phó dịch Ebola xâm nhập 2
Các bác sĩ, nhân viên ở Guinea phải mặc quần áo và đeo găng tay không thấm nước, đeo khẩu trang và kính bảo hộ

Cùng ngày, Bộ Y tế cũng gửi công văn khẩn đến Bộ Ngoại giao, khuyến nghị Bộ ngoại giao thông báo tới các cơ quan, tổ chức có cán bộ, công dân đang ở hoặc phải đi đến vùng dịch. Bộ Y tế cũng đề nghị hạn chế cử cán bộ đi đến quốc gia có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết.

Trong trường hợp buộc phải đi, cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Ngoại giao chia sẻ thường xuyên thông thi về khách nhập cảnh từ các quốc gia này để Bộ Y tế có các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh.

Người dân cần phòng ngừa dịch

Theo TS Trần Đắc Phu, bệnh do vi rút Ebola (sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (thuộc nhóm A), có khả năng lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong cao tới 90%. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, cơ quan, tổ chức cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.

Việt Nam chuẩn bị tình huống đối phó dịch Ebola xâm nhập 3
Tác dụng virus Ebola đến cơ thể người

Người mắc bệnh do virus thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao kéo dài, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc (ban xuất huyết hoặc dát sần, chảy máu cam) và xuất huyết phủ tạng (nôn, đi ngoài ra máu…). Thể nặng thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não, có thể suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc.

Bệnh nguy hiểm bởi tốc độ lan truyền, nguy cơ tử vong cao và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu hiện nay dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.

Để phòng bệnh, người dân cần lưu vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó; Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

TP.HCM đo thân nhiệt khách nhập cảnh để giám sát Ebola

Các máy đo thân nhiệt sẽ được tăng cường lắp đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Máy giúp phát hiện sớm những trường hợp có thân nhiệt cao nghi ngờ sốt, nhất là khách từng đến các quốc gia có dịch Ebola, để kiểm tra y tế.

Việt Nam chuẩn bị tình huống đối phó dịch Ebola xâm nhập 4

Nhân viên y tế theo dõi thân nhiệt hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất

Hiện, có 3 máy quét được trang bị cho khu vực kiểm tra ở cổng nhập cảnh, đồng thời các camera quan sát cũng được lắp đặt. Thân nhiệt của khách có ngưỡng quá 37 độ C máy quét sẽ báo ngay lập tức, tín hiệu từ camera cũng sẽ truyền về trung tâm kiểm soát để cách ly khách khả nghi bị bệnh.

Ngoài giám sát cửa khẩu, Sở Y tế TP.HCM cũng chỉ đạo các bệnh viện trong toàn thành phố nếu phát hiện trường hợp nào có biểu hiện bệnh giống với Ebola thì phải tìm hiểu xem bệnh nhân có tiếp xúc với người đến từ vùng dịch hoặc trực tiếp đến vùng dịch hay không.

Những trường hợp nghi ngờ phải lập tức điều trị cách ly đồng thời lấy mẫu máu mang đi xét nghiệm. Ngoài ra,Sở Y tế TP HCM cũng chỉ đạo việc các địa phương có nhiều người nước ngoài sống cần giám sát cộng đồng nhằm sớm phát hiện nếu có ca mắc.

Chia sẻ