Vợ ơi, anh thèm cơm em nấu!

Thanh Hoà,
Chia sẻ

Lý do bào chữa cho việc lơ đãng với những bữa cơm gia đình của những người phụ nữ hiện đại vô cùng đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là… thiếu thời gian.

Duy trì bữa ăn ấm cúng cũng là một phương thức để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Vậy nhưng ngày càng có nhiều người than phiền “nhớ” bữa cơm gia đình, hay “lâu lắm rồi không được ăn cơm nhà"... lý do thì nhiều nhưng căn bản vẫn do suy nghĩ “thoáng” của người trong cuộc về vai trò của những bữa cơm sum họp gia đình.

Chồng thèm cơm nhà

Phụ nữ ngày nay cũng bận rộn với công việc như nam giới nên họ không còn bị bó buộc trong vai trò của một người suốt ngày chỉ biết đến nội trợ và con cái. Mỗi khi mệt mỏi hay “lười một chút”, họ đều có thể tặc lưỡi sẵn sàng không nấu ăn và cho cả nhà ra ngoài quán. Dần dần, số lượng các bữa ăn bên ngoài càng nhiều thêm, và gian bếp cũng lạnh ngắt vì đã nhiều ngày không được đỏ lửa.

Đấng mày râu nào dễ tính có thể xuề xoà cho qua chuyện ăn ngoài vài lần, nhưng nếu tình trạng đó tiếp diễn thường xuyên, họ sẽ cảm thấy không khí gia đình mất đi sự ấm cúng. Căn nhà bé nhỏ lúc này như thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người phụ nữ.

Từ ngày vợ theo học lớp Tiếng Anh buổi tối, hai bố con anh Duy phải tự lo liệu bữa tối cho nhau, còn vợ anh - chị Hoa tranh thủ ăn tối bên ngoài trước khi đến lớp. Hai bố con bữa sang bà nội, bữa tạt bà ngoại, rồi lại ra hàng… Nhóc Nhím muốn ăn gì chỉ việc bảo bố một câu là hai bố con lại lòng vòng chở nhau đi.

Một tuần gia đình anh được ăn tối quây quần bên nhau có hai buổi thứ bảy và chủ nhật, cá biệt đã ba tuần nay gian bếp nhà anh không được nhen lửa vì cả nhà đi ăn cỗ suốt: “Mình thấy nhớ cơm nhà, cứ mãi sáng phở, trưa cơm hộp, tối cơm hàng chán lắm. Có gia đình rồi mà cứ như hồi còn độc thân  ấy”- Duy tâm sự.
 
Bữa cơm gia đình làm cho các thành viên cảm thấy gắn bó với nhau hơn.

Có hôm cả hai vợ chồng đều được nghỉ, anh đánh tiếng muốn ăn món sườn xào chua ngọt sở trường của vợ nhưng bà xã anh lắc đầu gợi ý: “cho con đi ăn hải sản vừa đổi món lại tiện”. Biết Hoa lâu không đụng đến bếp núc, ngại không muốn nấu ăn nên anh cũng đành tặc lưỡi đi theo vợ.

Thấy gia đình hàng xóm tíu tít cùng nhau vào bếp, rồi vui vẻ bên mâm cơm, còn nhà mình thì lạnh lẽo, anh Duy không khỏi cảm thấy chạnh lòng.

Duy trì bữa ăn cho hạnh phúc gia đình

Người đàn ông sau khi từ công sở trở về, họ mong muốn nhận được sự quan tâm chăm sóc từ phía người thân, nhất là từ phía bà xã. Thông qua bữa cơm gia đình, mỗi thành viên có thể cùng nhau ngồi chia sẻ, trao đổi về những việc mình đã làm trong ngày. Không những thế, mọi người còn có thể góp ý động viên nhau và tình cảm cũng vì vậy mà thêm phần gắn bó khăng khít.

Ngày nay, do công việc, do cách sống và cách nghĩ mà những bữa cơm gia đình có đủ vợ chồng con cái đang càng trở nên thưa thớt. Người vợ mải chuyện học hành, công tác, còn chồng mặc nhiên cho rằng việc bếp núc không phải của mình. Nhiều chị em đôi khi cũng không bận rộn đến mức không thể chuẩn bị được nổi một bữa cơm cho gia đình nhưng ngay bản thân họ một phần vì lười, một phần cũng dễ dàng cho qua bằng suy nghĩ:  ăn ngoài vừa rẻ mà lại tiện, không phải lách cách mua bán, chuẩn bị, nấu nướng rồi lại dọn dẹp… nên quyết định không nấu ăn. Do đó, sự sum họp vợ chồng trong bữa cơm chung ngày càng bị coi nhẹ.

Đứng trước nguy cơ gian bếp ngày càng bị “lạnh” do thiếu vắng bàn tay nấu nướng của phụ nữ, nhiều người cho rằng tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng lớn đến mọi thành viên trong gia đình. Người phụ nữ sẽ dần quên mất vai trò trách nhiệm của mình với tổ ấm, các con quen dần với cảnh ăn uống xuề xoà bên ngoài, còn đấng mày râu không còn phân biệt được cơm vợ nấu ngon hay cơm nhà hàng ngon….

Người phụ nữ khôn khéo sẽ biết chiều lòng chồng, làm ấm nóng tình cảm với gia đình bằng cách tự tay chuẩn bị những món ăn ngon miệng, bắt mắt. Thời gian ngày càng eo hẹp với người phụ nữ cũng là lúc các chị nên tìm ra cách thức để vẫn đảm bảo hoàn thành công việc, lại vừa duy trì được những bữa ăn cho gia đình.

Nếu quá bận không thể tự tay nấu nướng, các chị cũng có thể chuẩn bị sẵn các nguyên vật liệu đơn giản: rau dưa, củ quả….để sẵn trong tủ lạnh, và động viên ông xã vào bếp vì gia đình. Bên cạnh đó, vào những ngày thứ bảy chủ nhật, thay vì sẵn sàng vung tay một khoản tiền để đi ăn tiệm, chị em cũng nên vào bếp tự tay chuẩn bị vài món ngon cho chồng con: “Ăn uống bây giờ không quan trọng, quan trọng là tôi có thể cảm nhận được tình yêu thương của vợ mình trong các món ăn cô ấy nấu”- Anh Hoàng- một chuyên viên máy tính tâm sự.

Thanh Hoà
Chia sẻ