Vợ quả là khó chiều

,
Chia sẻ

Anh Khương cực kỳ hay nói. Hết chuyện cơ quan có nhân viên mới, ‘nhoằng’ cái, anh đã sang vụ ‘giết người’ trên báo. 5 phút sau, anh chuyển đề tài sang cậu em họ.

Sở thích của anh là tâm tình trong bữa cơm và “xen ngang” khi vợ xem tivi. Tính anh vốn hay kể chuyện. Cứ có cái gì là muốn tâm sự với vợ con cho vui cửa vui nhà, lại tăng tình đoàn kết. Thế mà vô số lần, anh thấy vợ nhăn mặt kêu: “Anh nói nhiều quá, đau cả đầu. Anh nói ít thôi”. Bị mất hứng, anh cũng bực, còn đâm ra ghét vợ.

Một lần nhà có khách, anh vui miệng kể: “Hồi yêu nhau, vợ mình như coca đóng chai, khúc nào ra khúc ấy. Bây giờ, cô ấy chẳng khác gì coca đóng lon, trên dưới thẳng đuột”. Rồi anh lan man, nói đi nói lại, trêu đùa vóc dáng của vợ. Tối hôm đó, anh bị vợ “cấm cửa” luôn.

Lần khác, hàng xóm bất hòa, anh hùng hục chạy sang làm chứng nọ kia. Cuối cùng, có kẻ nào ghét, chơi khăm, tưới bọc nước tiểu vào cổng nhà anh. Sáng ra, vợ anh thấy khai nồng nạc, bực bội vì phải lau dọn nên càng càm ràm: “Anh không nói nhiều thì đâu ra nông nỗi này. Khối người chết vì cái miệng. Nếu anh nghiêm nghị, điềm đạm như anh Minh bạn anh thì tốt biết mấy”. 

Người được vợ anh Khương nhắc đến là anh Minh (đang công tác tại một công ty bất động sản, TP HCM). Nhưng tình cảnh của anh Minh cũng không sung sướng gì. Anh Minh kiệm lời. Có lúc anh nghe vợ nói đến 10 câu, chẳng buồn ngước nhìn vợ một cái thì bị vợ gào lên: “Em đang nói chuyện với anh đấy. Nói với anh thì thà nói với đầu gối còn hơn”. Anh Minh vặc lại: “Thì anh gật đầu còn gì” nhưng vẫn thấy vợ không vui.

Một lần, đang căng tai nghe lời vợ dặn dò đón con qua điện thoại thì bỗng đầu dây bên kia cúp máy đánh “rụp”. Anh cấp tốc gọi lại thì vợ đáp “tỉnh bơ”: “Tưởng anh ngủ gật. Em nói đến cả tiếng đồng hồ, sao anh không đáp?”. Anh “soạn” bài giải trình cũ: “Thì gật đầu còn gì” thế là càng bị vợ giận hơn.

Anh Minh biết mình hơi kiệm lời. Nhưng tính anh thế, chẳng biết sửa thế nào. Vợ anh bảo, điểm gì của anh cũng tốt, trừ mỗi chuyện ít nói quá. Sau đó, anh bị vợ so sánh: “Ước gì anh nhanh miệng, xởi lở bằng một góc anh Khương thì tốt”.

Mỗi người mỗi tính

Có anh chồng nói nhiều bị vợ than là “rách việc” hay “mệt đầu”. Còn anh ít nói cũng chẳng khá hơn, luôn bị vợ chê “lạnh lùng”. Nói nhiều hay nói ít đều có điểm hay – điểm dở riêng mà chỉ có người trong cuộc mới thấm thía. Người chồng nói nhiều thường đi kèm “bốc phét”, nói lan man, không ra chuyện gì, rồi bị quy kết là “đàn bà”. Có anh nói nhiều thì hay càu nhàu, nói tục, nói bậy, ngôn từ thô lỗ khiến vợ “mất mặt”, nhất là với người xung quanh.

Người chồng ít nói thì vợ đỡ bị xấu mặt ở bên ngoài hơn nhưng ở trong nhà, nó chẳng khác gì sự “tra tấn” tinh thần. Phụ nữ thích nói chuyện, vui vẻ và thích được chồng hưởng ứng. Nếu chồng lơ đãng, quá lạnh nhạt, họ có thể khổ sở với suy nghĩ, chồng mình đã có người đàn bà khác, không còn yêu mình nên mới không cởi mở với mình. Có người vợ nói, sống chung với người chồng kiệm lời khiến họ nhiều lúc như “phát điên”.

Suy cho cùng, không có ai hoàn hảo. Khi chọn người đàn ông đó làm chồng, chị em ắt hẳn phải biết đôi phần về tính cách người ta. Cố gắng biến chồng thành người khác hay luôn miệng so sánh, chê bai chồng không phải là cách làm hiệu quả. Tùy hoàn cảnh cụ thể mà tìm cách cải thiện chồng. Hiểu và tôn trọng nhau là điều cần thiết. Biết cách khơi gợi hứng thú thì anh chồng ít lời sẽ nhiều lời hơn chút. Biết cách gợi đề tài thì anh nhiều lời sẽ chuyển sang những vấn đề thú vị và thiết thực hơn.
 
Theo Me&be
Chia sẻ