Vụ cha tìm con ở Cà Mau: Đã tìm được con nhưng chưa được giao con

Việt Tâm,
Chia sẻ

Sau gần 5 năm dài đằng đẵng, người cha đã xác định được con trai mình đang sống tại tỉnh Đồng Nai. Nhưng niềm vui ấy lại không được trọn vẹn do bản án giao con vẫn chưa thi hành.

Trước đó, báo điện tử Người Đưa Tin đã có nhiều bài phản ánh việc anh Hồ Đại Nguyên, ngụ xã Tân Thành, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau dù được tòa xử giao quyền nuôi con, nhưng đã gần 5 năm trôi qua, anh không được tiếp xúc và nhìn thấy mặt con trẻ.

Theo Bản án phúc thẩm số 19/2017/HNGĐ-PT ngày 10/5/2017 của TAND tỉnh Cà Mau quyết định: Buộc chị Nguyễn Thị Long Phụng (vợ cũ anh Nguyên) giao cháu Hồ Đại Lộc, sinh ngày 28/12/2012 cho anh Nguyên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi cháu Lộc trưởng thành, không đặt ra vấn đề cấp dưỡng do anh Nguyên không yêu cầu.

Khi bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, anh Nguyên đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu cơ quan chức năng thi hành bản án nhưng vẫn không thi hành được do chị Phụng mang cháu Lộc đi nơi khác.

Và cũng từ đó, trải qua khoảng thời gian 5 năm trời, anh Nguyên vẫn không liên hệ được với vợ cũ và cũng không tiếp xúc được với cháu Lộc.

Vụ cha tìm con ở Cà Mau: Đã tìm được con nhưng chưa được giao con - Ảnh 1.

Anh Nguyên ngày gặp mặt đứa con trai duy nhất của mình.

Nhưng, người cha ấy không hề bỏ cuộc, dù biết việc này giống như “mò kim dưới đáy biển”. Người cha ấy đã quyết định tìm đến hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) nhờ can thiệp.

Sau đó, hội BVQTEVN đã có Công văn số 88/CV-HBVQTE đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau khẩn trương tìm kiếm chị Phụng về để chấp hành bản án, để đảm bảo quyền được chăm sóc nuôi dưỡng tốt nhất đối với cháu Lộc.

Theo nội dung công văn, Hội BVQTEVN thấy rằng, Bản án phúc thẩm số 19 đã có hiệu lực, nhưng chị Phụng không chấp hành án mà còn mang con đi nơi khác, không rõ tung tích. Trong khi đó, anh Nguyên còn nhận được những tin nhắn dạng tống tiền;…

Vụ cha tìm con ở Cà Mau: Đã tìm được con nhưng chưa được giao con - Ảnh 2.

Công văn của Hội BVQTEVN yêu cầu khẩn trương tìm kiếm chị Phụng về để chấp hành bản án.

Như vậy khả năng quyền của cháu Lộc có được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo cũng như quyền được chăm sóc của người cha, những thành viên khác là không được đảm bảo theo quy định Luật trẻ em.

Cuối cùng, nỗ lực tìm kiếm con của anh Nguyên cũng được đền đáp xứng đáng.

Anh cùng với cơ quan chức năng xác định con trai mình học tại trường tiểu học Đức Trí, thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và chị Phụng đang sống tại ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Vụ cha tìm con ở Cà Mau: Đã tìm được con nhưng chưa được giao con - Ảnh 3.

Chị Phụng có đơn khởi kiện đổi quyền nuôi con nhưng không được giải quyết.

Đến ngày 25/10/2019, Chi cục THADS TP.Cà Mau có quyết định ủy thác cho Chi cục THADS huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai tiếp tục thi hành án đối với chị Phụng.

Năm ngày sau đó, chi cục THADS huyện Trảng Bom cũng có quyết định cho thi hành án đối với chị Phụng.

Theo quyết định, các khoản phải thi hành là chị Phụng có nghĩa vụ giao cháu Lộc cho anh Nguyên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi cháu trưởng thành, không đặt ra vấn đề cấp dưỡng; chị Phụng được quyền thăm nom, không ai được cản trở.

Cũng theo quyết định này, người phải thi hành án (chị Phụng – PV) có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định này.

Nhưng, từ đó đến nay, chị Phụng vẫn chưa chịu chấp hành án.

Vụ cha tìm con ở Cà Mau: Đã tìm được con nhưng chưa được giao con - Ảnh 4.

Một ít quà của người cha đem từ tỉnh Cà Mau lên tỉnh Đồng Nai cho con trai nhưng không được tận tay giao cho con.

Vì lo lắng đến sức khỏe, tính mạng của người con trai duy nhất của mình nên vào ngày 14/11/2019 anh Nguyên có đến trường tiểu học Đức Trí xin đón cháu Lộc đi để khám sức khỏe và trình cơ quan THA nhằm đảm bảo quyền trẻ em nhưng nhà trường chưa đồng ý…

Và ngày 23/12/2019, anh Nguyên cùng bà nội cháu Lộc lặn lội từ tỉnh Cà Mau lên tỉnh Đồng Nai thăm con và tận tay chuẩn bị một ít quà gửi cho con trai xa cách mấy năm trời nhưng lại không được gặp con trẻ.

Cũng trong ngày 23/12/2019, TAND TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau có Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thụ lý số 924/2019/TLST-HNGĐ ngày 3/12/2019 về việc tranh chấp về thay đổi trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn giữa chị Phụng và anh Nguyên.

Chia sẻ với PV báo điện tử Người Đưa Tin, anh Nguyên chỉ mong bản án nhanh chóng được thi hành để cháu Lộc được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất.

Cũng như cháu Lộc được sớm đoàn tụ gia đình, vì sự cản trở của người mẹ (chị Phụng) mà hơn 5 năm qua cháu chưa một lần trở về nhà cha ruột.

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc công ty luật Tín Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, theo luật Thi hành án dân sự 2014 thì chi cục THADS huyện đến nay vẫn chưa ra quyết định cưỡng chế hay có biện pháp nào buộc chị Phụng phải thi hành án với lý do chị Phụng có đơn khởi kiện thay đổi quyền nuôi con là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo luật sư Lễ, sau khi TAND TP.Cà Mau có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về việc tranh chấp về thay đổi trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn giữa chị Phụng và anh Nguyên thì anh Nguyên tiếp tục yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành bản án của tòa đã có hiệu lực theo quy định tại Điều 120 luật Thi hành án dân sự 2014.

Cũng theo luật sư Lễ, trước khi cưỡng chế giao trẻ cho anh Nguyên thì chấp hành viên phải phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục chị Phụng tự nguyện thi hành án.

“Trường hợp chị Phụng không giao trẻ thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để chị Phụng giao trẻ cho anh Nguyên nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà chị Phụng không thực hiện thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao trẻ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”, luật sư Lễ nêu quan điểm.

Chia sẻ