Xin đừng bức tử cây xanh!

Bích Thủy,
Chia sẻ

Việc chặt, tỉa cây ồ ạt là vì lo cho học sinh hay là sợ trách nhiệm?

Một học sinh trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) qua đời do cây bật gốc đè trúng ngày 26/5, liên tiếp sau đó, một loạt cây phượng tại TP.HCM, Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Nai… cũng gãy đổ. Lo lắng về sự an toàn của học sinh khi đến trường, nhiều nơi đang xuất hiện tình trạng đốn hạ hoặc chặt cây xanh trụi lủi trong trường học nhằm mục đích an toàn. Giờ đây, thay vì nỗi lo cây bật gốc, người ta lại dấy lên băn khoăn: cây xanh liệu có đang bị bức tử?

Mất bò mới lo làm chuồng

Chỉ trong một thời gian ngắn sau sự việc đau lòng một học sinh trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM), dư luận đã ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. 

Ngay trong ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi lời chia buồn tới gia đình học sinh tử vong do cây đổ và yêu cầu các trường rà soát, loại trừ mối nguy hiểm từ cây xanh trong trường học. 

Chủ đề này cũng làm nóng các cuộc giao ban, hội họp tại các địa phương. Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk và nhiều tỉnh thành khác đồng loạt đưa ra các chỉ đạo về việc tổng ra soát cây xanh trong trường học.

 - Ảnh 1.

Hình ảnh cộng đồng mạng chia sẻ về cây bị cắt tỉa thái quá

"Mất bò mới lo làm chuồng" là câu thành ngữ mà dư luận so sánh với chuyện rà soát cây xanh cấp tập trong những ngày qua. Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, công tác kiểm tra cây xanh trường học đang tích cực được triển khai. Tại một số trường học đã tiến hành cắt tỉa cành cây khô, giảm nguy cơ mất an toàn cho học sinh, đồng thời kiểm tra cây xanh để có hướng xử lý những cây mục, rỗng. Chưa kịp mừng vì muộn còn hơn không những ngày gần đây, mọi người lại tá hỏa với những bức ảnh bức tử cây xanh như: đốn hạ toàn bộ hay tỉa trụi cành lá.

Chiều 2/6, tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Thanh Học, Phó Ban Tuyên giao Thành ủy Hà Nội cho biết: Hiện một số trường cho chặt cây xanh, trong đó có cây phượng là hành động thái quá.

Việc chặt trụi cây đến nay chưa rõ diễn ra ở trường nào, trong thời điểm nào nhưng khi hình ảnh này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cũng dấy lên lo ngại: Việc chặt, tỉa cây ồ ạt là vì LO CHO HỌC SINH hay là SỢ TRÁCH NHIỆM?

Cây xanh không có lỗi

Cấp tập rà soát cây xanh dù là LO CHO HỌC SINH hay là do SỢ TRÁCH NHIỆM thì thực tế này những ngày qua đã bộ lộ những lỗ hổng trong công tác quản lý cây xanh trong khu vực trường học. Đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý và cần triển khai những giải pháp gì để kiểm soát, bảo đảm an toàn cho học sinh khi hầu hết khuôn viên các nhà trường đều có cây lâu năm?

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội có Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội được giao duy trì, duy tu, cắt sửa, chặt hạ cây xanh đô thị tại các tuyến đường. Còn UBND cấp quận quản lý hệ thống cây xanh tại trường học, trụ sở làm việc.

Trên thực tế, tại nhiều nơi hiện, cây xanh trong khuôn viên trường đều do các trường tự quản lý. Với cây có nguy cơ gãy đổ, nhà trường sẽ báo cáo cho UBND quận, huyện. Sau đó, cơ quan này sẽ cử cán bộ chuyên môn về cây xanh xuống đánh giá, lập biên bản, xử lý đánh chuyển cây và thay thế cây theo quy định. Tuy nhiên cái khó của các nhà trường hiện nay là việc rà soát nhiều khi chỉ được thực hiện bằng cảm quan nên không đánh giá đúng thực trạng của cây.

Hiện khuôn viên Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội chỉ còn giữ lại những cây xanh mới trồng trong các năm gần đây. Năm nào cũng thực hiện cắt tỉa trước mùa mưa bão những Cô giáo Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường vẫn tỏ ra lo lắng: 

"Nhìn cây xanh tốt như vậy thôi nhưng chưa chắc an toàn, nên phải có đánh giá, có nhiều câu cổ thụ nên phải cắt tỉa cành cho cây nhẹ bớt tránh đổ".

Đồng quan điểm này, cô giáo Trần Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Đền Lừ, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội chia sẻ: 

"Thực ra rà soát bằng cảm tính và tuổi của cây thì báo cáo được nhưng chất lượng và độ bền của cây thì khó. Mong muốn lãnh đạo cấp trên có chỉ đạo đồng bộ cho 1 số đơn vị có đủ khả năng về đánh giá nhà trường hàng năm nhất là cuối năm học vào mùa mưa bão để các con có sự an toàn".

 - Ảnh 2.

Quận Hoàng Mai, Hà Nội rà soát cây xanh trường học

Rõ ràng cây xanh trong trường học nếu chỉ để nhà trường quản lý là chưa đủ. Thiếu chuyên môn, nghiệp vụ sẽ dễ dẫn đến cả hai tình huống đáng tiếc cho học sinh khi giữ lại cây già nua hay chặt bỏ đi cây xanh tốt đó là: hoặc là nguy cơ mất an toàn khi cây gãy đổ, hoặc là thiệt thòi khi lá phổi xanh của nhà trường bị bóp nghẹt.

Vì lợi ích 10 năm trồng cây

 - Ảnh 3.

Hình ảnh một cây cổ thụ trong sân trường tại Hà Nội

Gỡ khó cho các nhà trường, chỉ đạo tại hội nghị giao ban trực tuyến vừa qua, Chủ tịch Thành phố đã yêu cầu Công ty công viên cây xanh Hà Nội và các quận, huyện rà soát, cắt tỉa lại tất cả các cây xanh ở các trường học trên địa bàn Thành phố, không để gây nguy hiểm cho học sinh.

Tại Quận Hoàng Mai, chia sẻ với báo Ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết: 

"Phòng chống tai nạn đảm bảo an toàn học sinh nhất mùa mưa bão quận chỉ đạo các trường và phòng ban liên quan thống kê rà soát toàn bộ cây xanh trên địa bàn, qua rà soát 783 cây phải cắt tỉa, sau khi rà soát quận giao cho đơn vị chuyên môn để tiến hành cắt tỉa, kịp thời đảm bảo an toàn nhất cho học sinh đến trường".

Đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cũng cho biết, đơn vị này sẵn sàng phối hợp với các trường học, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa, đánh chuyển.

Sự vào cuộc kịp thời của đơn vị chuyên môn hy vọng sẽ giúp các nhà trường chọn đúng cây làm đúng việc. Bởi lẽ, việc chặt bỏ, đốn hạ thì rất nhanh, nhưng trồng và chăm sóc một cái cây tỏa bóng mát thì mất cả chục năm.

Theo báo cáo của lãnh đạo Công ty cây xanh Hà Nội với Ban Tuyên giáo thành phố, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã chặt tỉa hơn 20.000 cây xanh và dự tính đến cuối năm sẽ chặt tỉa thêm 30.000 cây xanh. 

"Như vậy trong năm 2020, Hà Nội sẽ chặt tỉa khoảng 50.000 cây xanh, gấp 10 lần so với mọi năm. Trong mùa mưa bão năm nay, công tác này sẽ được đẩy mạnh, nhất là trên các tuyến phố có đông người qua lại".

Chia sẻ