Xu hướng "đảo chiều" trong cách dạy con

Theo PNO,
Chia sẻ

Ở Mỹ, ngay từ khi con mình còn thơ bé, rất nhiều ông bố, bà mẹ đã hát cho con nghe bài hát với ý nghĩa: “Tôi là một người đặc biệt, hãy nhìn tôi”...

Bước vào tuổi trưởng thành, giữa một xã hội hiện đại với những tư tưởng ngập tràn tính độc lập, tự do, nhân quyền... thanh niên trẻ ở Mỹ lại tiếp tục quen với những lời cổ vũ như: “Con hãy là chính mình”, “Hãy ra ngoài và làm những gì con muốn”, “Sẽ không có ai ngăn cản con đâu”, “Nếu con muốn một việc gì đó được thực hiện tốt, phải tự tay con làm lấy” hoặc “Người duy nhất mà con có thể trông cậy được là chính con”...

Nhưng dường như, những cú hích mạnh mẽ đó có một mặt trái, kết quả: Sự tự tin của giới trẻ đã bị đi quá xa! Trong một nghiên cứu kéo dài gần 20 năm trở lại đây của Đại học San Diego (Mỹ) với khoảng 17 ngàn sinh viên trên khắp nước Mỹ về “Thang điểm cá nhân cho sự tự đề cao”, có tới 2/3 thanh, thiếu niên Mỹ có thang điểm tự đề cao bản thân trên mức cho phép. Sau kết quả trên, nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ lại tiếp tục làm nghiên cứu về “Lối sống và suy nghĩ của trẻ vị thành niên, thanh niên châu Á” với hơn 7.000 người ở hơn 150 trường trung học tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Kết quả cũng cho thấy, có đến gần 70% các em ở Hàn Quốc, 48,8% ở Trung Quốc và 47,6% ở Nhật Bản coi việc đề cao bản thân, sống vì mình là trên hết...
 

 
Các bậc cha mẹ cũng bắt đầu nhận ra rằng, sự tự tôn của con mình đang từng ngày mang theo những mục tiêu, tham vọng, sự ích kỷ và làm hạn chế mọi kết nối khác. Ví như mối quan hệ với mọi người ở ngoài xã hội, sự quan tâm, tình cảm, trách nhiệm dành cho người thân trong gia đình bị hạn chế. Nhiều thanh niên trẻ không muốn chia sẻ, đồng cảm hay dành tình thương cho người khác... Khi bước vào tuổi lập gia đình, thế hệ thanh niên này lại tiếp tục trào lưu chung sống không kết hôn, sống tách khỏi gia đình, hôn nhân không con cái, tỷ lệ ly hôn ngày một tăng cao... Ngoài ra, một bộ phận giới trẻ, khi cảm thấy không được tôn vinh trong thế giới hiện thực, họ quay sang mê đắm trong thế giới ảo như You Tube, Myspace, Facebook (mà ngay cả tên gọi cũng mang đậm sự tự tôn, cá nhân, khác biệt...) để có thể thể hiện bản thân một cách thái quá, ảo tưởng với mục tiêu thu hút sự chú ý của mọi người...

Giáo sư Jean Twenge của trường Đại học San Diego (Mỹ) khi cho công bố các số liệu công trình nghiên cứu của mình về giới trẻ nói trên khẳng định: “Thế hệ “tôi”, tự tin, quyết đoán, nhiều quyền hơn - và cũng đáng thương hơn bao giờ hết”... Nó ngay lập tức được coi là hồi chuông báo động, tạo nên một “làn sóng”. Người ta bắt đầu ý thức, đã đến lúc nhà trường và đặc biệt là gia đình cần có sự đổi chiều. Cần xem xét lại cách dạy con theo xu hướng biết khiêm tốn, trong đó tập trung định hướng, xây dựng lại lối sống cho con trẻ biết chính xác mức độ tài năng của mình, giới hạn sự tự tin, chấp nhận và biết tán thưởng thành tích của người khác...

Chia sẻ