Xúc động câu chuyện chàng Down 2 năm đi bán phở ở Sài Gòn

Trần Hằng,
Chia sẻ

Khi ánh đèn đường còn chưa tắt, anh chàng Down đã vội bước ra khỏi nhà để đi đến chỗ làm. Cứ như thế 2 năm qua anh đã cần mẫn dậy từ 3 giờ sáng để bắt đầu chuẩn bị cho một ngày làm “nhân viên” ở quán phở.

Hai năm qua, một quán phở nằm trong con hẻm nhỏ nằm trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp được nhiều người chú ý đến bởi có sự xuất hiện của một anh chàng “nhân viên” rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, anh là một người mắc hội chứng Down nhưng vẫn tự mưu sinh bằng chính sức mình, lại càng đặc biệt hơn nữa khi gia đình anh không hề nghèo khó.

Câu chuyện của anh chàng bệnh Down và quán phở bắt đầu từ năm 2013, khi quán phở đang phát cơm từ thiện cho những người nghèo, người già lang thang. Trong lúc mọi người nhận cơm, anh đứng ngoài quan sát các nhân viên của quán đang quét dọn, rửa bát, bưng bê với vẻ mặt hồ hởi, thích thú. Trưa hôm đó, anh được ông bà chủ mời vào quán ăn cơm. Dáng người nhỏ, ngô nghê của anh được nhiều người để ý đến, sau khi trò chuyện với anh thì mọi người mới biết anh tên Hải (48 tuổi), khi mới sinh ra, anh đã không may mắc phải căn bệnh Down quái ác.
 
Dù mắc căn bệnh Down nhưng hằng ngày, anh Hải vẫn cần mẫn đi làm như những người bình thường.
 
Anh Hải chuẩn bị chỉn chu quần áo trước khi bắt đầu công việc.
 
Tấm thẻ chụp hình anh trong trang phục màu xanh là vật làm anh thích và tự tin nhất khi đeo đi làm.

Sáng hôm sau, khi bà chủ quán phở mở cửa ra thì đã thấy anh ngồi trước cửa quán. “Tôi thấy rất bất ngờ bởi lúc đó mới 3 giờ sáng, tôi mở cửa, định đi chợ lấy hàng để chiều bán thì thấy anh ngồi ở đó với quần áo chỉn chu, gọn gàng. Tôi mời anh vào quán và mời anh ly cafe nhưng anh không uống, anh ở lại quán phụ mọi người làm việc” - bà Lệ, chủ quán kể lại.
 
Khi nhìn qua, khó có thể biết anh Hải bị bệnh Down.
 
Những ngày sau đó, khi ánh đèn đêm còn chưa tắt, từ tờ mờ sáng, anh đã có mặt ở quán để làm việc. Quán phở mở của từ lúc 4 giờ chiều nhưng anh vẫn muốn đến sớm để giúp chủ trông xe và phụ việc sắp xếp bàn ghế cho quán, miệt mài làm việc cho đến 9 giờ tối, khi quán đóng cửa.

Bệnh Down khiến mọi hành động và lời nói của anh Hải bị hạn chế nhiều so với người khác, nhưng không vì thế mà anh không hoàn thành công việc của mình. Ngoài việc ăn mặc chỉn chu, tuân thủ giờ giấc làm việc, những công việc anh Hải đảm nhiệm trong quán phở, anh đều làm tốt không kém các nhân viên thực thụ khác.
 
Anh luôn nở nụ cười hiền hậu.

Bà Lệ chia sẻ : “Quán đã có đủ nhân viên nhưng thấy anh Hải rất thích làm việc, chúng tôi vẫn nhận anh vào. Nói nhận anh làm nhân viên vậy thôi chứ thực lòng tôi cũng không bắt anh làm việc gì cả. Ban đầu, khi thấy sự hiện diện của anh ở quán, một số khách hàng cũng hơi ái ngại; nhưng lâu dần, họ quen với sự có mặt của anh. Nếu nhìn thấy anh chạy lăng xăng làm việc, nhiều người cũng không biết anh bị bệnh Down đâu”.
 
Sắp xếp gọn gàng bàn ghế trước khi khách đến.
 
Khi khách ăn xong anh lại sắp xếp các khay, đĩa trên bàn ngăn nắp lại.
 
Vì thương anh cần cù, chăm chỉ, chủ quán cho anh ngủ lại vào buổi trưa ở quán và mua tặng anh một bộ quần áo bảo vệ. Khi được hỏi thích quần áo như thế nào, anh Hải liền chỉ tay về phía những nhân viên bảo vệ quán cafe đối diện, anh nói anh thích màu xanh dương và thích mặc đồ giống bảo vệ. Chủ quán sau đó đã mua tặng anh một bộ quần áo bảo vệ màu xanh dương.

Khi nhận bộ “đồng phục” đầu tiên do chủ quán tặng, anh đã rất vui và tự tin trong trang phục này. Tuy nhiên, bộ quần áo anh mặc giống với những bảo vệ quán cafe đối diện quán phở, họ đã kiến nghị chủ quán phở đổi đồ khác cho anh. Dù biết anh rất thích bộ đồ màu xanh dương đó, chủ quán đành nói anh xếp lại và mua tặng anh một bộ quần áo khác với đầy đủ mũ, cravat, thẻ tên. Và anh Hải gắn bó với bộ đồng phục bảo vệ mới này cho đến giờ.

Anh làm việc rất chăm chỉ. Đến ngày nhận lương, anh cũng được chủ quán trả lương bằng những nhân viên khác trong quán. “Lúc đến nhận lương, Hải cũng hồ hởi lắm. Tôi vẫn nhớ niềm vui của anh ấy ngày được cầm đồng lương đầu tiên. Tôi coi anh như những nhân viên bình thường. Dù anh không may mắn như những người khác nhưng anh có sự kiên trì, chăm chỉ rất quý giá”, chủ quán cười nói.
 
Khi rảnh rỗi anh ngồi trước quán nghỉ ngơi.
 
Hướng dẫn khách dựng xe và dắt xe.
 
Khách đến quán rất thích anh bởi nụ cười luôn thường trực trên môi.
 
Dù số phận đã không cho anh Hải một sức khỏe bình thường, một cơ thể khỏe mạnh như bao nhiêu người khác nhưng bù lại, anh có sự kiên trì, tự trọng và chăm chỉ làm việc mà không phải bất cứ ai cũng có. Giữa Sài Gòn hoa lệ, những con người như anh Hải là một tấm gương đẹp đẽ về sự vươn lên, không chỉ cho những người khuyết tật mà còn dành cho cả những người bình thường noi theo.
Chia sẻ