Cập nhật lúc 19:03 - 13/10/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 13/10: Những điểm mới trong quy định 'thích ứng an toàn' với Covid-19

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-10-12T23:10:00

    Những hoạt động được phép mở trong trạng thái bình thường mới

    Nội dung trên được nêu rõ trong Nghị quyết của Chính phủ về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh Covid-19". Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký, 11/10.

    Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

    Trong nghị quyết, Chính phủ quy định rõ hoạt động của từng loại hình tương ứng với từng cấp độ dịch.

    Nếu dịch ở cấp độ 1 sẽ được tổ chức các hoạt động ngoài trời không hạn chế số người; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh cùng vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải được phép hoạt động (riêng đường hàng không và đường sắt theo quy định riêng).

    Khi dịch ở cấp độ 1, các hoạt động, dịch vụ khác được phép hoạt động gồm: Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối; nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp; hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao…

    Riêng cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp và các cơ sở khác sẽ được hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, do địa phương quyết định.

    Ở cấp độ 2, việc tổ chức các hoạt động ngoài trời; vận tải công cộng cùng hoạt động bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, rạp chiếu phim… sẽ được tổ chức hoặc hoạt động nhưng hạn chế hoặc có điều kiện.

    Riêng vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc… sẽ ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 13/10: Những hoạt động được mở lại theo cấp độ "thích ứng an toàn" - Ảnh 1.

    Chính phủ quy định rõ hoạt động của từng loại hình tương ứng với từng cấp độ dịch. Ảnh: P.V.

    Ở cấp độ 3 sẽ không tổ chức hoặc tổ chức hạn chế, có điều kiện các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời. Ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, có điều kiện với vận tải hành khách công động đường bộ, đường thủy nội địa; hoạt động bán hàng rong, vé số.

    Hoạt động giáo dục hoặc đào tạo trực tiếp; cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch, rạp chiếu phim… sẽ hoạt động hạn chế.

    Khi dịch có nguy cơ rất cao ở cấp độ 4, hầu hết hoạt động, dịch vụ sẽ dừng tổ chức/ hoạt động hoặc hoạt động hạn chế. Riêng lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoạt liên tỉnh; cơ sở sản xuất và đơn vị thi công dự án, công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động.

    Theo Zingnews.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-12T23:10:00

    21 địa phương sẵn sàng vận chuyển hành khách liên tỉnh

    Đến tối 12/10, đã có 21 tỉnh thành chấp thuận kế hoạch thí điểm vận tải đường bộ, sẵn sàng khai thác chở khách liên tỉnh từ ngày 13/10.

    Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa tổng hợp thông tin liên quan tới tình hình triển khai chạy tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh của Sở Giao thông vận tải (GTVT) 21 tỉnh thành trên cả nước.

    Cụ thể, hiện nay 14 Sở GTVT đã lên kế hoạch khôi phục lại các tuyến và đang chờ UBND tỉnh thông qua.

    Bảy Sở GTVT đã được UBND tỉnh đồng ý khai thác vận tải hành khách bằng đường bộ gồm: Điện Biên, TP HCM, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình.

    Các tuyến của 6 tỉnh sẽ hoạt động ngay từ 13/10 là Đồng Nai, Điện Biên, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình.

    Theo Dân trí.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-13T00:10:00

    Hà Nội cho xe buýt hoạt động từ tuần sau

    Tuần tới Hà Nội sẽ nới lỏng vận tải hành khách công cộng, trước mắt cho xe buýt khai thác 50% công suất, theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.

    Chiều 12/10, ông Quyền cho biết đã giao Sở Giao thông Vận tải xây dựng kế hoạch cụ thể nội dung trên.

    Với xe khách liên tỉnh, ông Quyền cho hay thành phố thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương. Liên quan đến hoạt động đường sắt, Phó chủ tịch Hà Nội nói khách đi tàu đến và lưu trú tại Hà Nội không phải cách ly tập trung.

    Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể quyết định thí điểm khôi phục xe khách liên tỉnh từ ngày 13 đến 20/10; tàu khách tuyến Bắc Nam và chặng Hà Nội - Hải Phòng cũng chạy lại từ 13/10.

    Hôm nay (12/10), Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất UBND thành phố mở lại vận tải hành khách liên tỉnh, vận tải công cộng từ ngày mai 13/10; song hiện thành phố chưa có quyết đinh cụ thể về nội dung này.

    Trả lời câu hỏi thành phố có dự kiến nới lỏng các hoạt động, dịch vụ khác không, ông Quyền nói Hà Nội "không thể đóng cửa mãi được, nhưng điều kiện và thời điểm để mở cửa là vấn đề quan trọng nhất".

    Theo ông Quyền, khi đã đạt được điều kiện về phòng chống dịch bệnh và tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân, tiêm phòng cho công dân dưới 18 tuổi thì "Hà Nội sẵn sàng mở cửa". Hiện Hà Nội mới tiêm vaccine mũi 2 được 50% người dân từ 18 tuổi trở lên, người dưới 18 tuổi chưa được tiêm.

    Theo VnExpress.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-13T03:10:00

    Chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi

    Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang lên kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, trước hết sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Dự kiến, ngày 15/10, Bộ Y tế sẽ ban hành Hướng dẫn tiêm vaccine cho nhóm trẻ em này.

    Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin, Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho 95% trên tổng số 8,1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi trên cả nước.

    Cùng với đó, Bộ Y tế đang rà soát, thống kê số trẻ em từ 3-11 tuổi; đồng thời tiếp cận các nguồn vaccine, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học để sẵn sàng có hướng dẫn tiêm cho trẻ từ 3-11 tuổi khi có vaccine.

    Cùng với tiến độ tiêm vaccine chung trên cả nước, ngành giáo dục, y tế có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine chi tiết cho từng lứa tuổi, từng cấp học, từng bước mở lại môi trường an toàn, đón học sinh quay trở lại trường học.

    Theo Sức khỏe và Đời sống.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-13T08:10:00

    Những điểm mới trong quy định 'thích ứng an toàn' với Covid-19

    Người dân được đi lại giữa các vùng nguy cơ; siêu thị, chợ và hàng quán mở cửa ở cả 4 cấp dịch bệnh... là những điểm mới trong quy định 'thích ứng an toàn' Covid-19.

    Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu của dịch Covid-19", áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

    Điểm mới đầu tiên của Quy định này là nêu mục tiêu hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

    Các cấp độ nguy cơ dịch bệnh được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí mới. So với hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 hồi tháng 5/2021, Chính phủ vẫn phân loại 4 cấp độ nguy cơ dịch bệnh gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.

    Nhiều lĩnh vực của đời sống được quy định thống nhất, rõ ràng về mức độ hoạt động, căn cứ theo từng cấp độ nguy cơ. Quy định mới nêu rõ nhiều lĩnh vực được hoạt động ở cả bốn cấp độ, như: Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh; cơ sở sản xuất, dự án, công trình giao thông, xây dựng.

    Vận tải hành khách công cộng được hoạt động ở cấp 4 - nguy cơ rất cao, kèm theo điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải quy định.

    Sự kiện tập trung đông người trong nhà hoặc ngoài trời được tổ chức ở cả 4 cấp độ. Với cấp 4, các sự kiện cần đảm bảo về tỷ lệ người tham gia được tiêm chủng; xét nghiệm. Địa phương căn cứ thực tế để quy định số lượng người tham gia. Đây là điểm mới so với các quy định trước. Theo Chỉ thị 16, người dân không ra khỏi nhà, không tập trung quá 2 người nơi công cộng. Chỉ thị 15 yêu cầu không tập trung quá 20 người một phòng; 10 người nơi công cộng.

    Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối; nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống được mở cửa ở cả bốn cấp độ, nhưng hạn chế hơn ở cấp 4. Cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn, nơi tham quan du lịch có thể được hoạt động hạn chế (giảm công suất, số lượng người tham gia) ở cấp độ 4.

    Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp... chỉ buộc phải dừng hoạt động ở cấp 4. Các cấp độ khác, những dịch vụ này có thể hoạt động bình thường hoặc hoạt động hạn chế tùy theo quyết định của địa phương.

    Các cơ sở, dịch vụ tạm dừng ở cấp 4 gồm: Bán hàng rong, vé số dạo; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim; địa điểm biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

    Trước đây, khi áp dụng Chỉ thị 16, 15, 19, các dịch vụ "không thiết yếu" cũng như hoạt động thể thao, giải trí, lễ hội, tín ngưỡng... đều trong diện tạm dừng hoạt động.

    Như vậy, điểm mới của Quy định lần này là Chính phủ đã nới lỏng, cho phép nhiều dịch vụ hoạt động ở cả 4 cấp độ nguy cơ, kèm theo điều kiện cụ thể. Những dịch vụ buộc phải tạm dừng được giới hạn danh mục so với các chỉ thị trước đây và quy định rõ ràng hơn.

    Việc đi lại của người dân giữa các địa bàn có cấp độ nguy cơ khác nhau chỉ bị hạn chế ở cấp độ 4. Theo Quy định, người dân di chuyển đến địa bàn cấp 4 phải đảm bảo điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

    Theo quy định trước đây, nếu người dân ở địa bàn thực hiện Chỉ thị 16 sẽ không được di chuyển đến nơi khác.

    Về cách ly, Chính phủ nêu rõ, trong trường hợp Bộ Y tế hướng dẫn cách ly tại nhà nhưng địa phương có địa điểm cách ly tập trung đảm bảo an toàn thì có thể tổ chức cách ly tập trung. Tuy nhiên, việc cách ly tập trung phải được người dân đồng ý.

    Điều trị F0 tại nhà áp dụng ở cả bốn cấp độ, dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế. Địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ và nguyện vọng của F0, để có quyết định phù hợp với thực tế, đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho F0.

    Nghị quyết nêu rõ, quy định thích ứng an toàn Covid-19 được áp dụng thống nhất toàn quốc. Các địa phương có thể bổ sung thêm biện pháp, nhưng không trái với quy định của Trung ương; không gây ắc tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của người dân. Các Chỉ thị 15, 16, 19 mà Chính phủ ban hành trước đó, tạm thời không được áp dụng.

    PGS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, điểm mới của Quy định là chỉ đánh giá cấp độ nguy cơ ở địa bàn nhỏ nhất (dưới cấp xã), sẽ tránh được tình trạng địa phương chỉ có một vài ca nhiễm nhưng phong tỏa cả đơn vị hành chính, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội và đời sống người dân. "Chẳng hạn trước đây có nơi chỉ phát hiện vài F0 đã vội vàng phong tỏa cả huyện, cả xã. Đây là đánh giá nguy cơ sai, không chỉ làm ảnh hưởng tới địa phương đó mà còn cả nơi khác", ông Phu nói.

    Ông cũng nhấn mạnh, đây là những quy định mới, để các địa phương áp dụng trong điều kiện thực tế mới. Chính phủ đã giao các bộ, ngành hướng dẫn về chuyên môn, từ tiêu chí đánh giá nguy cơ, điều kiện hoạt động của các dịch vụ... Vì vậy, các địa phương không cần áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 15, 16, 19.

    Theo VnExpress.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ