Cập nhật lúc 18:11 - 14/12/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 13/12: Hà Nội số ca mắc tăng cao là điều đã được lường trước, có thể dừng một số dịch vụ không thiết yếu

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-12-12T23:12:00

    Ca mắc mới ở Đà Nẵng tăng cao kỷ lục, hơn gấp đôi đỉnh dịch đợt 4

    Chiều 12-12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng cho biết trong ngày ghi nhận tổng cộng 442 ca mắc mới. Trong đó có 304 ca đang cách ly, 32 ca trong khu phong tỏa, 106 ca chưa cách ly.

    Hầu hết các ca mắc mới được ghi nhận trong ngày đều là F1 của các F0 là công nhân Công ty Matrix (đóng tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

    Công ty Matrix là đơn vị đã phát hiện ra cùng lúc hơn 100 ca mắc mới vào những ngày trước đó.

    Đánh giá nguyên nhân có số ca mắc lớn (hơn 200 ca tại Công ty Matrix), lãnh đạo quận Liên Chiểu cho rằng các phân xưởng là môi trường kín, sử dụng điều hòa chung trong xưởng, do vậy khi có ca bệnh thì rất dễ phát tán và lây lan mầm bệnh cho nhiều công nhân khác.

    Ngoài ra, đa phần là công nhân thuê nhà trọ ở chung với nhau và thường xuyên có sự tiếp xúc gần trong cùng dãy trọ, do vậy khi trong dãy trọ có ca F0 thì thường lây cho nhiều người dẫn đến số ca mắc tăng cao.

    Từ 12h ngày 12-12, UBND quận Liên Chiểu đã quyết định chuyển cấp độ dịch đối với phường Hòa Khánh Bắc (nơi đóng chân Công ty Matrix) lên thành vùng cấp 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).

    Tại buổi làm việc với quận Liên Chiểu, ông Nguyễn Văn Quảng, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đánh giá dịch diễn ra ở những nơi có nguy cơ cao như chợ, khu công nghiệp, khu dân cư, đồng thời tốc độ gia tăng của F0 cao hơn đợt dịch trước.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-12T23:12:00

    Cho phép tiêm trộn vắc-xin Moderna cho người đã tiêm mũi 1 Pfizer hoặc AstraZeneca

    Ngày 12-12, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Quân Y, Tổng Cục hậu cần (Bộ Quốc phòng), Cục Y tế (Bộ Công an), Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm mũi 2 vắc-xin do Moderna sản xuất với các vắc-xin Covid-19 khác.

    Bộ Y tế cho biết thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp nhận vắc-xin Moderna do COVAX Facility hỗ trợ để tiêm chủng cho người dân.

    Cho phép tiêm trộn vắc-xin Covid-19 Moderna cho người đã tiêm mũi 1 Pfizer hoặc AstraZeneca - Ảnh 1.

    Bộ Y tế hướng dẫn có thể phối hợp tiêm mũi 2 vắc-xin Moderna cho người đã tiêm mũi 1 bằng Pfizer hoặc Astrazeneca

    Ngày 8-9, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc-xin Covid-19 mũi 1 đã tiêm không còn sản xuất hoặc cung ứng không kịp thời để cung cấp cho mũi nhắc lại thì có thể sử dụng mũi nhắc lại bằng vắc-xin khác. Cụ thể:

    Nếu tiêm mũi 1 bằng vắc-xin do Astrazeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất. Nếu mũi 1 tiêm vắc-xin Covid-19 do Moderna sản xuất thì mũi 2 có thể tiêm vắc-xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.

    Trên cơ sở ý kiến của hội đồng nêu trên, để sử dụng vắc-xin hợp lý, an toàn và hiệu quả vắc-xin do Moderna sản xuất, Bộ Y tế hướng dẫn đối với những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc-xin đó.

    Trong trường hợp nguồn vắc-xin Covid-19 hạn chế, có thể phối hợp tiêm mũi 2 vắc-xin do Moderna sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin do Pfizer hoặc Astrazeneca sản xuất. Khoảng cách tiêm mũi 2 sau mũi 1 vắc-xin do Pfizer sản xuất theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khoảng cách sau mũi 1 vắc-xin do Astrazeneca sản xuất.

    Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) hỗ trợ, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng khi triển khai tiêm chủng phối hợp các loại vắc-xin Covid-19.

    Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm phù hợp với số vắc-xin được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm an toàn, đúng lịch đảm bảo diện bao phủ đồng thời thông tin đầy đủ cho các đối tượng trước khi tiến hành tiêm chủng để tạo sự đồng thuận cao. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin và hướng dẫn triển khai tiêm chủng khi cần thiết.

    Theo Người lao động

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-13T00:12:00

    Tuần từ 6-12/12, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao, trung bình mỗi ngày có 14.833 ca nhiễm mới

    Chạm mốc 1.413.051 ca bệnh

    Tính từ 16 giờ ngày 11/12 đến 16 giờ ngày 12/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận thêm 14.638 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, trong đó có 17 ca nhập cảnh và 14.621 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.483 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 9.377 ca trong cộng đồng).

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 13/12: Hà Nội 5 ngày liên tiếp số ca mắc mới trên 700 ca, tiến sát mốc dự báo 1.000 ca/ngày - Ảnh 1.

    Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 14.833 ca/ngày. Nhiều địa phương, số ca nhiễm mới liên tiếp tăng cao.

    Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.413.051 ca nhiễm. tính từ đầu đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.407.655 ca, trong đó có 1.051.903 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

    Trong ngày 12/12, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.295 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 1.054.720 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.596 ca.

    Từ 17 giờ 30 ngày 11/12 đến 17 giờ 30 ngày 12/12 ghi nhận 228 ca tử vong.

    Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 226 ca/ngày.

    Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.839 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

    Trung bình trong tuần mỗi ngày Hà Nội phát hiện trên 500 ca bệnh

    Trong tuần từ 6-12/12, số ca nhiễm mới tại TP Hà Nội tiếp tục tăng. Ngày 12/12, Hà Nội ghi nhận kỷ lục con số 895 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 tại 30 quận, huyện. Trong đó số ca cộng đồng là 357 ca, trong khu cách ly là 472 ca và khu phong tỏa 66 ca.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 13/12: Hà Nội 5 ngày liên tiếp số ca mắc mới trên 700 ca, tiến sát mốc dự báo 1.000 ca/ngày - Ảnh 2.

    Phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: TTXVN

    Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 18.448 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 6.902 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 11.546 ca.

    Trong 6 ngày liên tiếp gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục trên 500 ca/ngày. Theo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 mới nhất của thành phố Hà Nội, thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng).

    Theo Báo Tin tức

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-13T00:12:00

    Hà Nội khẩn tìm người tới một loạt địa điểm sau ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục gần 900 ca

    Bản tin COVID-19 ngày 12/12 do Sở Y tế Hà Nội phát đi cho thấy từ 18h ngày 11/12 - 18h ngày 12/12, Thủ đô có 895 ca mắc mới, trong đó có 357 ca cộng đồng - hai mốc kỷ lục mới cùng lúc được thiết lập. 

    Cũng trong tối 12/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Ba Đình - Hà Nội đã thông báo tất cả những người từng đến các địa điểm sau nhanh chóng liên hệ với cơ quan Y tế:

    1. Từ ngày 1 đến ngày 6/12 tại địa chỉ số 2 Hồ Giám, Đống Đa.

    2. Từ 4h đến 11h ngày 1 đến 10/12: tại quán nước chè  P107 nhà I, khu 7,2ha, phường Vĩnh Phúc.

    3. Ngày 5/12: tại 3 điểm

    + Từ 9h30-10h30 tại quán cafe Mùa hè - D3 Giảng Võ

    + Trưa tại quán bún chả - 14 Đoàn Thị Điểm.

    + 17h-18h tại siêu thị Vinmart - Số 23 Cửa Bắc

    4. Ngày 6/12, tại 2 điểm:

     + Sáng 9h30p tại Trung tâm massage trị liệu AIA Hàn Quốc, đường Nguyễn Văn Lộc, Hà Đông.

     + Từ 15h45 - 16h15 có đến Phòng khám đa khoa Hàng Bún tại 123 Nghĩa Dũng.

    5. Ngày 7/12, tại 4 điểm:

    + Từ 9h-10h và từ 13h30-14h30 tại khoa Nội tiết - Bệnh viện Thanh Nhàn.

    + Từ 10h-10h15, tại quán bún số 77/16 phố Hai Bà Trưng.

    + Từ 12h-14h tại Lẩu cua đồng Hương xưa - D19, BT8, KĐT Việt Hưng, Long Biên.

    + Từ 15h30-17h30 tại quán Trà chanh Bụi phố số 114 Đào Tấn.

    6. Ngày 8/12, tại 4 điểm:

    + Hàng rau ở cuối chợ ngõ 6 Vĩnh Phúc

    + Từ 8h00 đến 10h30 tại tòa nhà HL Tower, phố Duy Tân, quận Cầu Giấy (chương trình hiến máu tính nguyện)

    + Từ 19h-20h30 tại quán Chai Talay số 5 Khương Trung.

    + Từ 19h00 - 20h00 tại siêu thị Vinmart 31 Tân Ấp.

    7. Ngày 9/12: tại Văn phòng Cộng đồng Y-nest coworking tầng 4 số 505 Minh Khai.

    8. Ngày 10/12 tại quán cắt tóc - ngõ 36 Đào Tấn

    9. Ngày 11/12: tại hàng rau cuối chợ ngõ 6 Vĩnh Phúc, hàng cà chua ở đầu nhà C khu 7,2ha; hàng hoa quả ở nhà D khu 7,2ha.

    10. Từ 9h đến 21h hàng ngày từ 6/12 đến nay tại nhà hàng Bò King beefsteak, 45 Đào Tấn.

    Tất cả những người từng đến các địa điểm trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại đến CDC Hà Nội số 0969.082.115 hoặc số 0949.396.115 (CDC Hà Nội).

    265206481_659122508422933_8561769512533609840_n.jpg

    5 ngày gần đây, số ca mắc mới ở Hà Nội luôn trên 700 ca/ngày

    Hà Nội liên tiếp ghi nhận sự gia tăng ca mắc COVID-19 trong nhiều tuần gần đây. Đặc biệt trong 5 ngày qua số ca mắc mới luôn trên 700 ca/ngày. Cao điểm ngày 12/12 có 895 trường hợp với 357 ca cộng đồng.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-13T02:12:00

    TP.HCM, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới trong ngày

    Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 12/12, Việt Nam ghi nhận 14.621 ca mắc Covid-19 mới trong nước. Số lượng này đã giảm nhẹ (giảm 1.483 trường hợp) so với 24 giờ trước đó. Tuy nhiên, ngày 12/12, số ca mắc mới tại Hà Nội cao kỷ lục, qua đó cùng TP.HCM trở thành 2 địa phương ghi nhận lượng F0 cao nhất cả nước.

    Dịch phức tạp tại TP.HCM và Hà Nội

    Vẫn duy trì ở vị trí số một của cả nước về số ca mắc Covid-19 trong ngày, TP.HCM đã có thêm 1.216 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sau 24 giờ qua. Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 487.259 ca mắc.

    Sau 2 tháng mở cửa trở lại, TP.HCM duy trì cấp độ dịch ở mức 2 nhiều tuần liên tiếp. Tuy nhiên, số ca tử vong tại địa phương này chưa có dấu hiệu giảm.

    Thống kê của TP.HCM cho thấy số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/tuần là 107. Tính đến 9/12, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi vaccine trên địa bàn đạt 100%; tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 liều là trên 80%.

    Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, F0 tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, bệnh nền, chưa tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus. Hiện, việc hạn chế F0 tử vong vẫn là mục tiêu cấp thiết mà ngành y tế thành phố đặt ra.

    Ở phía Bắc, Hà Nội, trong ngày 12/12, cũng ghi nhận 980 trường hợp mắc Covid-19. Với số lượng này, Hà Nội đã vươn lên vị trí thứ 2 trên cả nước, chỉ sau TP.HCM, về số người nhiễm nCoV trong ngày.

    Tương tự TP.HCM, trong lần cập nhật cấp độ dịch mới nhất, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng màu vàng). Trong khoảng 2 tuần qua, Hà Nội ghi nhận tỷ lệ 44 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần. 8 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 là Ba Vì, Long Biên, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất và Ứng Hòa. 21 quận, huyện ở cấp độ 2 và duy nhất quận Đống Đa ở cấp độ 3 (177 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần).

    Trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4) tại Hà Nội, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận là 18.448 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 6.902 ca.

    Mặt khác, theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 91,11% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.

    Mới đây, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đã thông tin quan điểm của thành phố hiện giờ là thích ứng an toàn, sống chung và chấp nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao trong cộng đồng.

    Dẫn số liệu ca mắc trong những ngày gần đây, bà Hà cho biết số mắc có thể chạm ngưỡng 1.000 ca/ngày, tuy nhiên, đến 90% là số ca nhẹ và không triệu chứng.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-13T03:12:00

    TPHCM: 'Đi từng ngõ gõ từng nhà' chích vắc xin COVID-19

    Là địa phương triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất cả nước, đến ngày 12/12, toàn TPHCM đã chích được hơn 14.800.000 mũi cho người dân. Vắc xin COVID-19 cơ bản đã được bao phủ 2 mũi cho nhóm có chỉ định chích ngừa từ 12 tuổi trở lên.

    Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế từ ngày 1/11 đến ngày 7/12 thành phố có 1.581 ca tử vong do COVID-19 (194 ca chuyển đến từ các tỉnh). Trong đó, 1.435 ca (tỷ lệ 91,0%) có mắc các bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, tim mạch...); độ tuổi từ 18-50 là 167 ca, độ tuổi 51 đến 65 là 460 ca; trên 65 tuổi là 495 ca. Đáng lưu ý có 828 ca tử vong từ 18 tuổi trở lên được ghi nhận chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19, chiếm tỷ lệ 56% trong tổng số ca tử vong được ghi nhận.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 13/12: TP.HCM, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới trong ngày - Ảnh 2.

    Tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở TPHCM đã đạt mức cao, cơ bản bao phủ cho nhóm từ 12 tuổi trở lên

    Theo nhận định của Sở Y tế TPHCM, dù Thành phố đã tổ chức tiêm chủng với số lượng lớn vắc xin COVID-19 nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa tiêm chủng. Do đó, tăng độ bao phủ vắc xin cho mọi người dân, đặc biệt đối với nhóm nguy cơ cao là hành động cần thiết và cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và xuất hiện biến chủng Omicron.

    Bên cạnh đó, sau giai đoạn giãn cách, thành phố đã tiếp nhận số lượng lớn người dân từ các tỉnh trở lại sinh sống, làm việc, học tập. Trong đó, có những người chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin. Đây là nhóm nguy cơ cần được quản lý, kiểm soát và can thiệp để hạn chế sự lây lan và bùng phát dịch COVID-19.

    Thành phố xác định việc tổ chức đảm bảo độ bao phủ vắc xin cho mọi người dân hiện nay tiếp tục là một trong những chiến lược then chốt, quan trọng để phòng, chống dịch bệnh, giúp bảo vệ người dân giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc diễn biến nặng do COVID-19 và bảo vệ cộng đồng tại TPHCM. Thành phố đặt mục tiêu bao phủ vắc xin tuyệt đối đến mỗi người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 13/12: TP.HCM, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới trong ngày - Ảnh 4.

    Ngành y tế thành phố sẽ đi từng ngõ gõ từng nhà để chích ngừa cho người dân

    Theo đó, trong quyết định được ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM phê duyệt (ngày 9/12) về chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ngành y tế sẽ ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân quay về thành phố từ các địa phương khác. Nhân viên y tế sẽ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" tiêm vắc xin không bỏ sót bất kỳ ai, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

    Thành phố sẽ xây dựng dữ liệu lớn về tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tăng cường truyền thông vận động người dân tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19. Để sớm đạt độ bao phủ vắc xin cho toàn dân sinh sống trên địa bàn, TPHCM sẽ mở rộng độ bao phủ vắc xin cho trẻ em đến 3 tuổi ngay khi được Bộ Y tế phê duyệt và triển khai mũi tiêm tăng cường. Dữ liệu tiêm vắc xin sẽ được tích hợp vào hồ sơ sức khỏe điện tử, “hộ chiếu vắc xin", phục vụ công tác cảnh báo dịch và các hoạt động nghiên cứu liên quan đến vắc xin COVID-19.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-13T04:12:00

    Hà Nội: F0 điều trị tại nhà đủ 10 ngày, test nhanh âm tính được coi là khỏi bệnh

    Bộ Y tế ngày 12/12 đã có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội về việc xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện.

    Trước đó, Bộ Y tế nhận được công văn của Sở Y tế Hà Nội đề nghị cho ý kiến về việc sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện.

    Sau khi nghiên cứu, Bộ Y tế có cho biết, Sở Y tế Hà Nội cần căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng và Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà (ban hành ngày 21/8) và Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 (ban hành ngày 6/10) để xác định ca bệnh.

    Cụ thể, người được xác định mắc Covid-19 là trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc test nhanh (do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế).

    Ngoài ra, người được xác định mắc Covid-19 còn là những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định Covid-19 trong khoảng 14 ngày và có kết quả xét nghiệm test nhanh virus SARS-CoV-2 dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau.

    Trong trường hợp chỉ có kết quả dương tính với 1 loại test nhanh, người dân cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

    Hà Nội: F0 điều trị tại nhà đủ 10 ngày, test nhanh âm tính được coi là khỏi bệnh - Ảnh 1.

    F0 tại nhà Hà Nội được xác định khỏi bệnh khi cách ly, điều trị đủ 10 ngày

    Về đề xuất sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện, Bộ Y tế quy định, đối với F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày.

    Ngoài ra, kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của NVYT (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).

    Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hoặc Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

    Đối với người bệnh Covid-19 nằm điều trị các các cơ sở thu dung, điều trị. Trường hợp F0 đơn thuần được xuất viện nếu các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên, có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30) hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).

    Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày. Đo  thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời. Tuân thủ thông điệp 5K.

    Nếu F0 có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo, được xuất viện nếu các triệu chứng lâm sàng của bệnh hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên, có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30) hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).

    Người bệnh được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo hoặc khoa điều trị bệnh nền (nếu cần) tại buồng riêng của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú. Đo thân nhiệt 2 lần/ngày và tuân thủ thông điệp 5K.

    Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-13T05:12:00

    Gần 440 F0 ở Hà Nội đang điều trị tại nhà, lượng bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch tăng

    Từ 10/11 đến nay, Hà Nội ghi nhận 14.405 ca mắc (trung bình 232,32 ca/ngày), trong đó 5.370 ngoài cộng đồng (chiếm 37,28%). Trong 1 tuần gần đây (từ 6/12), Hà Nội ghi nhận gần 5.300 ca mắc COVID-19 mới, trung bình gần 750 ca/ngày.

    Tới hết ngày 12/12, có 9.017 trường hợp F0 ở Hà Nội đang được điều trị, trong đó có 6.084 F0 được điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị; 2.495 bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại các trạm y tế lưu động; 438 F0 điều trị tại nhà.

    Cụ thể, 2 bệnh viện của Trung ương là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị 257 bệnh nhân. 28 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 1.963 bệnh nhân.

    Gần 440 F0 ở Hà Nội đang điều trị tại nhà, lượng bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch tăng  - Ảnh 1.

    Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Thạch Thảo/Zing.

    Cơ sở thu dung điều trị thành phố tiếp nhận điều trị cho 3.864 người, trong đó cơ sở ký túc xá Phenikaa (540), cơ sở điều trị Đền Lừ III (844), cơ sở điều trị Thượng Thanh (718), cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp (1.762). 

    Theo thống kê về tình hình điều trị COVID-19 của Bộ Y tế cập nhật tới tối 12/12, đại đa số các bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

    Gần 440 F0 ở Hà Nội đang điều trị tại nhà, lượng bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch tăng  - Ảnh 2.

    Số mắc COVID-19 mới ở Hà Nội từ ngày 6/12 đến nay tăng liên tục, trung bình mỗi ngày gần 750 ca.

    Tuy nhiên lượng F0 ở Hà Nội tăng trong 1 tuần gần đây, khiến số bệnh nhân mức độ trung bình, nặng/nguy kịch cũng tăng lên. 

    Theo thống kê của Bộ Y tế, gần 1.100 bệnh nhân có triệu chứng mức độ trung bình (tăng 27% so với trung bình 7 ngày trước), trong đó có 124 ca nặng/ nguy kịch (cao hơn gần 30 ca so với thống kê cách đây 3 ngày, cao hơn 57% so với trung bình 7 ngày trước), có 9 ca phải thở máy xâm lấn và không ca nào phải lọc máu hay can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Hà Nội là 0,3%. 

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-13T09:12:00

    Hà Nội, số ca mắc tăng cao là điều đã được lường trước, có thể dừng một số dịch vụ không thiết yếu

    Diễn biến số ca bệnh tăng cao là điều thành phố đã lường trước trong bối cảnh mở cửa, thực hiện chủ trương 'thích ứng an toàn, linh hoạt.

    Đây là ý kiến của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đánh giá về tình hình dịch tại Hà Nội những ngày qua khi số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao.

    83,8% bệnh nhân F0 không triệu chứng

    Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, khoảng 80% bệnh nhân Covid-19 hiện nay tại Hà Nội không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Số liệu cập nhật đến ngày 4/12, trong đó 4.651 F0 đang điều trị ở bệnh viện; 3.902 F0 không triệu chứng hoặc nhẹ (chiếm 83,8%).

    Bệnh nhân mức độ trung bình là 699 người; 50 ca nặng và nguy kịch; 46 người thở oxy mask, gọng kính; hai người thở máy không xâm lấn; một người thở máy xâm lấn và một người lọc máu.

    Hà Nội hiện không có bệnh nhân nào phải thở HFNC (thở oxy dòng cao ) hay EMCO (thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).

    Mặc dù số ca mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ tại Hà Nội tương đương với tỷ lệ chung của cả nước tuy nhiên, số ca Covid-19 trên địa bàn liên tục tăng cao những ngày gần đây.

    Từ ngày 30/11 đến nay, mỗi ngày số ca đều vượt 400. Riêng ngày 4/12, thành phố ghi nhận 628 ca, cao nhất trong đợt dịch thứ 4. Tổng cộng từ ngày 29/4 đến nay, thành phố ghi nhận 13.172 ca nhiễm, trong đó số ca cộng đồng l 5.212, 7.960 ca trong khu cách ly.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 13/12: Hà Nội, số ca mắc tăng cao là điều đã được lường trước, có thể dừng một số dịch vụ không thiết yếu - Ảnh 1.

    Ảnh minh hoạ

    "Diễn biến số ca bệnh tăng cao là điều thành phố đã lường trước trong bối cảnh mở cửa, thực hiện chủ trương 'thích ứng an toàn, linh hoạt'", Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, cho biết.

    Để thích ứng an toàn, linh hoạt Hà Nội đã phân các tầng điều trị F0 với tầng một là tuyến y tế cơ sở và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương. Thành phố xây dựng kịch bản ứng phó 10.000, 40.000 và 100.000 ca nhiễm cùng số giường ở từng tầng điều trị để đáp ứng thu dung, điều trị người bệnh đồng thời hướng dẫn cho F0 cách ly tại nhà và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin.

    Trong tình huống dịch diễn biến phức tạp, thành phố lên phương án huy động hệ thống y tế tư nhân, bác sĩ nghỉ hưu, học sinh sinh viên ngành y và cả nhân lực các bệnh viện Trung ương tham gia chống dịch.

    Có thể hạn chế hoặc dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu

    Song song với việc chuẩn bị sẵn kịch bản chăm sóc, điều trị F0 Hà Nội cũng vừa ban hành văn bản về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”.

    Theo đó, Thành phố yêu cầu các quận huyện thành lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà để hỗ trợ cho các Trạm Y tế lưu động gồm các lực lượng tình nguyện của phụ nữ, Đoàn Thanh niên, sinh viên, giáo viên... (tuổi dưới 50, đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19) thực hiện nhiệm vụ: Tiếp nhận thông tin từ người nhiễm Covid-19 tại nhà theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin nhận được từ người cách ly tại nhà, thông báo ngay cho cán bộ y tế của Trạm y tế lưu động và các nhiệm vụ khác được giao; được hưởng các chế độ phòng, chống dịch theo quy định từ nguồn ngân sách địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.

    Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn cho “Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà” để theo dõi sức khỏe cho người nhiễm Covid-19 tại nhà; Sở Y tế phân công các bệnh viện trên địa bàn chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn cho các Trạm Y tế lưu động.

    UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc cách ly tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần (F1) theo hướng dẫn của thành phố và theo Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14/7 của Bộ Y tế về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19.

    Các địa phương cũng căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP để đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ, bao gồm việc hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tùy theo cấp độ dịch (như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...); báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố theo quy định.

    Các quận, huyện, thị xã cũng huy động nguồn lực tại địa phương, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải chủ động thực hiện việc điều phối, vận chuyển người bệnh Covid-19 nhẹ và không triệu chứng (tầng 1), vận chuyển mẫu bệnh phẩm, người tiếp xúc gần (F1)... trên địa bàn đến các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị khi cần vận chuyển theo chỉ đạo tại Công điện số 26/CĐ-UBND ngày 2/12 của UBND hành phố.

    Theo Infonet

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ