Cập nhật lúc 09:27 - 11/12/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 2/12: 86% bệnh nhân Covid-19 nguy kịch là chưa tiêm vắc xin

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-11-30T23:11:00

    Hà Nội vượt mốc 11.000 ca bệnh trong đợt dịch thứ 4

    Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 1/12, Hà Nội ghi nhận 469 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó 202 trường hợp ở cộng đồng, 178 trường hợp ở khu cách ly và 89 trường hợp trong khu phong tỏa. 

    Đây là số ca mắc Covid-19 cao nhất trong ngày từ khi có dịch. 

    Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội từ đầu năm 2021 đến nay là 11.066 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 4.439 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.627 ca.

    Theo Sở Y tế Hà Nội

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-01T23:12:00

    Tháng 12 triển khai tiêm bổ sung mũi 3 vắc xin phòng COVID-19

    Ngày 1/12 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết việc tiêm đủ liều cơ bản là rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nên cần được ưu tiên tối đa. Bộ Y tế quyết định sẽ tiêm liều bổ sung cho một số đối tượng bắt đầu từ tháng 12 này.

    Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vắc xin của các nước, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

    Đặc biệt, tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin); Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV; Người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...

    Loại vắc xin tiêm cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA. Về khoảng cách, tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc xin.

    Tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền; -Người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; Người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế. Loại vắc xin nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA.

    Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ virus (vắc xin Astrazeneca).

    Khoảng cách: tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung. Theo Bộ Y tế, vắc xin sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt. Liều lượng vắc xin để tiêm bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.

    Sở Y tế tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12/2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc xin.

    Bộ Y tế yêu cầu, Cục Y tế, Bộ Công an và Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng tham mưu Lãnh đạo Bộ của đơn vị mình quyết định đối tượng tiêm phù hợp và xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12/2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc xin. Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai.

    Theo Tiền phong 

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-02T00:12:00

    Cà Mau lần đầu tiên vượt mốc 500 ca COVID-19 trong 1 ngày

     Tối 1-12, báo cáo của Sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau cho hay số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trong ngày lên tới 507 ca, cao nhất từ trước tới nay ở tỉnh này. Trong tổng số 507 ca nhiễm mới, có 259 ca trong cộng đồng, 223 ca đang cách ly, 19 ca trong các khu phong tỏa và có 6 trường hợp từ ngoài tỉnh về.

    Như vậy đến nay Cà Mau đã ghi nhận tổng cộng 9.723 ca COVID-19, trong khi cho đến trước tháng 10 năm nay toàn tỉnh chỉ có chưa tới 300 ca nhiễm.

    Do số ca nhiễm tăng nhanh, từ ngày 12-11, tỉnh Cà Mau đã cho phép người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly và điều trị tại nhà nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-02T00:12:00

    Nếu mắc biến thể Omicron, triệu chứng khác với Delta ra sao?

    Theo Bộ Y tế Nam Phi, biến thể Omicron có một số đột biến ở protein gai tương tự với biến thể Delta cũng như các biến thể khác là Alpha, Gamma và Beta. Cả 5 biến thể này đều được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại là "các biến thể đáng lo ngại" (VOC).

    Biến thể Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai (thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể), là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2. Biến thể Delta chỉ có 10 đột biến ở protein gai. Tuy nhiên, chưa rõ biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm và trốn tránh vắc xin ra sao.

    Triệu chứng khi mắc biến thể Omicron

    Các bác sĩ ở Nam Phi - những người đầu tiên đưa ra cảnh báo về biến thể Omicron - mô tả các triệu chứng khi mắc biến thể Omicron là "cực kỳ nhẹ".

    Hầu hết các ca nhiễm mới ở Nam Phi là những người trong độ tuổi 20-30. Các bác sĩ lưu ý nhóm tuổi này nói chung có các triệu chứng nhẹ hơn so với các nhóm tuổi khác khi mắc COVID-19.

    Họ cảnh báo rằng những người lớn tuổi hơn có thể có triệu chứng nặng hơn khi mắc biến thể Omicron.

    "Chúng tôi đã chứng kiến số ca nhiễm gia tăng mạnh trong 10 ngày qua. Cho đến nay hầu hết số ca nhiễm này rất nhẹ, với các triệu chứng giống như cúm gồm: ho khan, sốt, đổ mồ hôi về đêm, cơ thể đau nhức nhiều" - bác sĩ Unben Pillay, một bác sĩ đa khoa ở tỉnh Gauteng (tỉnh đầu tiên của Nam Phi phát hiện biến thể Omicron), cho biết.

    Chia sẻ với Đài BBC, bác sĩ Angelique Coetzee - chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi và là một trong những bác sĩ đầu tiên ở Nam Phi điều trị cho bệnh nhân mắc biến thể Omicron - cho biết bà bắt đầu nhận thấy vào khoảng ngày 18-11, các bệnh nhân có "những triệu chứng bất thường", hơi khác với những người mắc biến thể Delta - biến thể thống trị trên toàn cầu hiện nay.

    "Một bệnh nhân nam khoảng 33 tuổi nói với tôi rằng anh ấy vô cùng mệt mỏi trong vài ngày và cơ thể anh ấy bị đau nhức. Anh cũng hơi bị đau đầu" - bà Angelique Coetzee nói.

    Nếu mắc biến thể Omicron, triệu chứng khác với Delta ra sao? - Ảnh 2.

    Người đi đường đeo khẩu trang tại khu mua sắm Ameyoko ở Tokyo, Nhật Bản ngày 1-12 - Ảnh: REUTERS

    Bà Angelique Coetzee cho biết bệnh nhân không bị đau họng mà chỉ là "ngứa cổ họng", không bị ho, không bị mất vị giác hoặc khứu giác - những triệu chứng vốn được ghi nhận ở bệnh nhân mắc các biến thể trước đây.

    Những bệnh nhân mắc biến thể Omicron khác mà bà Angelique Coetzee tiếp xúc đến nay cũng trải qua các triệu chứng "cực kỳ nhẹ". Các đồng nghiệp của bà cũng ghi nhận những trường hợp tương tự.

    Triệu chứng khi mắc biến thể Delta

    Trong khi đó, biến thể Delta gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh hơn.

    Một số nhà nghiên cứu của Vương quốc Anh cho biết đau đầu, đau họng và sổ mũi là những dấu hiệu phổ biến nhất liên quan đến biến thể Delta.

    "Theo các cuộc khảo sát gần đây ở Anh (nơi hơn 90% ca nhiễm do biến thể Delta gây ra), đau đầu, đau họng, sổ mũi và sốt là những triệu chứng xuất hiện ở bệnh nhân" - bác sĩ Inci Yildirim, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Yale, cho biết.

    Trong khi đó, bác sĩ Angelique Coetzee cho biết: "Mắc biến thể Delta khiến nhịp mạch tăng cao, nồng độ oxy thấp, mất khứu giác và vị giác".

    Trong khi chủng virus SARS-CoV-2 gốc mất 7 ngày để gây ra các triệu chứng, thì biến thể Delta có thể gây ra các triệu chứng nhanh hơn từ 2-3 ngày, khiến hệ miễn dịch có ít thời gian hơn để phản ứng và tăng cường phòng thủ.

    Tuy nhiên, nói chung còn quá sớm để khẳng định rằng biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nặng hơn hay nhẹ hơn so với biến thể Delta.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-02T01:12:00

    TP.HCM chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron

    Những ngày gần đây, sự xuất hiện của biến chủng Omicron ở Nam Phi mang lại cho thế giới nhiều nỗi lo về một làn sóng Covid-19 mới.

    Sở Y tế TP.HCM cho biết, thực hiện giám sát tình hình biến chủng Covid-19 gây dịch trên địa bàn, qua quá trình giải mã các chủng virus, đến nay thành phố chưa ghi nhận sự hiện diện của biến chủng này.

    Theo Sở Y tế TP.HCM, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP đã tiến hành giám sát chủ động các biến chủng của Covid-19 từ đầu mùa dịch đến nay, hiện đang tập trung giám sát biến chủng Omicron.

    Tính từ tháng 5 đến tháng 11/2021, có 408 bộ gen của virus SARS-CoV-2 từ 23 quận huyện và TP. Thủ Đức đã được giải mã. Các phân tích về di truyền cho thấy biến chủng gây dịch thuộc biến chủng Delta. Đây cũng là biến chủng được phát hiện từ các ca bệnh liên quan chung cư Sunview và chùm ca bệnh của Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng hồi tháng 5/2021. Đến nay, kết quả giải mã các chủng virus tại TP.HCM chưa ghi nhận sự hiện diện của biến chủng Omicron.

    Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, việc giám sát phát hiện các biến chủng SARS-CoV-2 hiện nay là công cụ quan trọng không thể thiếu trong công cuộc chống đại dịch Covid-19 toàn cầu. Sở tiếp tục phân công cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và OUCRU phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiếp tục giám sát, giải mã nhanh các biến chủng lưu hành trên địa bàn thành phố, đặc biệt là kịp thời phát hiện biến chủng Omicron nếu có.

    Theo VOV

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-02T06:12:00

    Bác sĩ điều trị F0 tại Hà Nội: 86% bệnh nhân Covid-19 nguy kịch là chưa tiêm vắc xin

    Theo thống kê của Bộ Y tế trong 7 ngày qua số ca mắc Covid-19 ở mức cao trung bình là hơn 10 nghìn ca nhiễm, số ca tử vong cũng tăng lên 3 con số sau 1 thời gian giảm về 2 con số ở tháng 10. Các chuyên gia cảnh bảo hiện tại nếu không kiểm soát số ca mắc bệnh thì lo ngại tỷ lệ trở nặng sẽ tăng tiếp tục.

    Ngoài ra, những ngày qua, số ca mắc ở Hà Nội liên tục tăng, có ngày hơn 400 ca mắc (ngày 30/11 - 468 ca mắc mới), số ca nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại Hà Nội bắt đầu tăng.

    Theo PGS Hoàng Bùi Hải – PGĐ Bệnh viện điều trị Covid-19, Trưởng khoa Cấp Cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ những ca bệnh nặng được chuyển từ các bệnh viện lên gia tăng. Hiện tại có khoảng hơn 20 ca bệnh nặng cần can thiệp thở oxy. BS Hải cho biết nếu cộng đồng không tuân thủ phòng chống dịch (5K, tiêm vắc xin) thì số ca mắc tăng cao sẽ là gánh nặng cho hệ thống y tế.

    Theo tổng kết của BV Coivd-19, 86% bệnh nhân nguy kịch (thở HFNC, thở máy không xâm nhập hoặc xâm nhập) đều chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.  

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 2/12:  86% bệnh nhân Covid-19 nguy kịch là chưa tiêm vắc xin - Ảnh 1.

    Bệnh nhân Covid-19 tại điều trị tại BV Đức Giang.

    Hiện nay, tâm lý của người dân đó là đã tiêm đủ vắc xin thì coi như an toàn, nhưng thực tế PGS Hải cho rằng tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ trở nặng nhất là người trên 65 tuổi, người có bệnh mãn tính. Bản thân người đã tiêm vắc xin nếu nhiễm bệnh dù triệu chứng nhẹ thì vẫn có thể lây lan cho cộng đồng, lây cho người thân trong gia đình đặc biệt gia đình có người già. Vì vậy, BS Hải khuyến cáo người dân hết sức thận trọng không chủ quan.

    Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Thị Oanh – Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Đức Giang, hiện tại bệnh viện có khoảng 20 bệnh nhân Covid-19 nặng. Vì vậy, cộng đồng không thể chủ quan.

    Tiêm chủng vắc xin làm giảm khả năng mắc bệnh cũng như bệnh trở nặng và tử vong vì Covid-19. Trong thời gian qua, bác sĩ Oanh và các đồng nghiệp nhận thấy rất rõ khi bệnh viện tiếp nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19 sau chiến dịch tiêm chủng của Hà Nội. Các ca bệnh diễn biến nặng đợt này chủ yếu rơi vào các bệnh nhân chưa tiêm vắc xin hoặc mới tiêm mũi 1 ở nhóm bệnh nền và phụ nữ có thai.

    Tuy nhiên, để bảo vệ những nhóm người có nguy cơ cao thì cộng đồng vẫn cần tuân thủ 5K, cố gắng hạn chế những nơi đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao - TS Oanh khuyến cáo.

    PGS Đỗ Văn Dũng – chuyên gia y tế công cộng của trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết số ca mắc tăng cao nhưng rải rác ở các tỉnh thành, không tập trung ở TP.HCM hay Bình Dương như giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, PGS Dũng cũng cho rằng người dân không nên chủ quan. Các tỉnh thành vẫn cần kiên quyết kiểm soát dịch với số ca mắc.

    Chúng ta sống thích ứng với virus còn dịch vẫn phải dập. Ngoài ra, PGS Dũng cũng lưu ý đây là thời điểm những người tiêm đủ 2 mũi ở TP.HCM và một số tỉnh thành khác suy giảm hiệu quả của vắc xin vì đã qua 2 tháng tiêm mũi 2. Lúc này, khả năng bảo vệ của vắc xin giảm thì nguy cơ trở nặng cũng tăng cao hơn.

    PGS Dũng cho rằng trong thời gian tới có 2 chiến lược phòng chống dịch:

    Thứ nhất, hướng dẫn người dân thực hiện tốt 5K.

    Thứ hai, tiêm chủng, nên ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi, khi tiêm cho người cao tuổi thì giảm số bệnh nặng, tử vong. Khi đó giảm tải cho ngành y tế đối phó với dịch tốt hơn.

    Một điều đáng chú ý, PGS Dũng cho rằng các tỉnh thành làm thế nào để người dân khai báo y tế tốt, khai báo y tế xong tạo điều kiện người khai báo cách ly ở nhà, tạo điều kiện tốt họ sẽ khai báo thành thật hơn. Nếu có các biện pháp cực đoan thì một số người sẽ ngại khai báo y tế.

    PGS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM cho rằng thời điểm này nên "xốc" lại các tổ Covid-19 cộng đồng để giám sát người dân tập trung đông người, không tuân thủ 5K vì hiện tại tâm lý buông lỏng vì suy nghĩ sống chung với virus của nhiều người trẻ khiến người già, người bị bệnh mãn tính gặp nguy hiểm. PGS Thư cho rằng chúng ta chưa kiểm soát tốt dịch nên phòng bệnh cá nhân vẫn là chủ lực ngoài tiêm vắc xin.

    Theo Infonet

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ