Cập nhật lúc 18:48 - 12/03/2022

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 21/2: Nỗ lực chặn dịch tăng nhanh, Hà Nội tập trung chữa F0 nặng

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2022-02-20T23:02:00

    Lần đầu số mắc mới Covid-19 cả nước lên đến 47.200 ca

    Ngày 20/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận có 47.200 ca mắc mới tại 63 tỉnh, thành - số mắc nhiều nhất từ trước đến nay. 

    Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Tĩnh (+1.294), Bắc Giang (+458), Phú Thọ (+414).

    - Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 37.670 ca/ngày.

    - Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

    Từ 17h30 ngày 19/02 đến 17h30 ngày 20/02 ghi nhận 78 ca tử vong.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-20T23:02:00

    Lần đầu tiên Hà Nội ghi nhận hơn 5.000 F0/ngày

    Trong 24 giờ qua, Hà Nội ghi nhận 5.102 ca bệnh (1.518 ca cộng đồng; 3.584 ca đã cách ly).

    Bệnh nhân phân bố tại 471 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 21/2: Hà Nội lập kỷ lục "kép"  về  số ca mắc mới và đang điều trị, khuyến cáo người dân không nên chủ quan  - Ảnh 1.

    Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoài Đức (330), Nam Từ Liêm (315), Sóc Sơn (306), Bắc Từ Liêm (292), Long Biên (221), Chương Mỹ (217), Hai Bà Trưng (190), Thạch Thất (188), Hà Đông (175), Thanh Trì (174), Đống Đa (174).

     Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 201.518 ca.

    Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân trên địa bàn thành phố khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19, hoặc liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội qua số điện thoại (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-21T00:02:00

    Không nên chủ quan rằng đã tiêm vắc xin, sức khỏe tốt thì nhiễm sẽ không vấn đề gì

    Theo thống kê tính đến tháng 7-2021, dân số Hà Nội đạt khoảng 8,3 triệu người. Trong khi đó tính đến ngày 19-2, Hà Nội ghi nhận 196.416 ca COVID-19 cộng dồn với 893 ca tử vong. Như vậy, số ca nhiễm COVID-19 thống kê được tại Hà Nội chỉ chiếm hơn 2,3% dân số Hà Nội. 

    Tuy nhiên nhiều người dân tại Hà Nội đặt câu hỏi có khả năng con số cao hơn khi xung quanh bạn bè, người thân đều thông báo đã mắc COVID-19.

    "Số ca nhiễm mới có thể gấp 4-5 lần số thống kê được"

    Cách đây 4 ngày, gia đình 3 người của bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh có 2 người có kết quả xét nghiệm dương tính. Dù đã có chuẩn bị từ trước, nhưng khi nghe tin, anh chị cũng "đứng hình" mất mấy giây.

    Và 4 ngày qua là trải nghiệm tương tự nhiều gia đình Hà Nội hiện nay, khi F0 trong nhà lại nhiều hơn F1. F0 đi lại trong nhà, nấu ăn và chăm sóc F1 đang cách ly trong phòng.

    "Nhà tôi không đến nỗi F0 nấu ăn rồi tiếp tế cho F1 như bức ảnh trên mạng xã hội, nhưng F0 nấu xong thì F1 sẽ ăn trước, F0 ăn sau, khi F0 ở trong phòng thì F1 có thể đi lại trong không gian chung, các chai sát khuẩn tay để ở nhiều vị trí để F1 có thể dễ dàng sử dụng. Đến nay F0 vẫn phòng cho F1 tốt nên F1 test nhanh hằng ngày vẫn có kết quả âm tính" - chị Oanh cười.

    Tình cảnh F0 trong gia đình lại chăm sóc cho F1, trong khi F1 phải... cách ly đang diễn ra ở nhiều gia đình Hà Nội. "Có cảm tưởng như số lượng F0 đang rất nhiều vì số gia đình tôi biết có F0 còn nhiều hơn số gia đình không có" - anh Toàn, một người Hà Nội, nói.

    Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng số F0 ghi nhận trong công bố chính thức như kể trên chỉ là "tảng băng nổi", số ca nhiễm COVID-19 có thể hơn nhiều lần so với con số thống kê được.

    "Tôi nghĩ số ca nhiễm phải gấp 4-5 lần số ca mà chúng ta thống kê được. Nguyên nhân do một số F0 không khai báo, một số không có triệu chứng, thậm chí không biết rằng mình đã mắc bệnh.

    Hiện tại chúng ta đã bao phủ vắc xin, bởi vậy những người nhiễm đa số là triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Vì vậy khó có thể thống kê chính xác được số ca nhiễm mới hiện nay" - ông Nga nói.

    Tâm lý an ủi "Ai rồi cũng là F0"!?

    Anh Nguyễn Văn Linh (Hà Nội) đã tiêm đủ 3 liều vắc xin phòng COVID-19, chưa mắc bệnh nhưng tâm lý luôn lo "ai cũng sẽ là F0". Anh Linh chia sẻ: "Ngày nào cũng thấy bạn bè, người thân thông báo mắc COVID-19. Tâm lý bây giờ là chờ đến lượt mình".

    Không nên chủ quan rằng đã tiêm vắc xin, sức khỏe tốt thì nhiễm sẽ không vấn đề gì - Ảnh 2.

    Phát thuốc cho F0 tại nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội) - Ảnh: HÀ QUÂN

    Tâm lý này xuất hiện ở nhiều gia đình, bác sĩ Oanh cho hay tại trung tâm chị làm việc cũng đã có một nhóm nhân viên là F0. Có gia đình F0, có con nhỏ F1 không gửi được ai nên bố mẹ F0 vẫn đang chăm sóc. Việc F0 chăm sóc F1 quá nhỏ rất cách rách, phức tạp, và dù có cố gắng thì nguy cơ F1 thành F0 vẫn rất nhiều.

    "Gia đình anh chị của tôi thì cả nhà F0, hiện 4 F0 tự trông nhau. Một gia đình anh chị khác thì 4 người F0 và 1 người F1, cả gia đình vẫn sinh hoạt cùng nhau bình thường" - chị Thu Hương, ngụ quận Thanh Xuân, cho biết.

    Trên mạng xã hội có rất nhiều người thông báo đã trở thành F0. "Rồi ai cũng đến lượt" - họ tự an ủi. Thậm chí trên mạng đã có những đoạn status gây cười: "Cùng phận F0 mà xưa thì xe đón, cơm bưng nước rót, báo chí truyền thông theo sát. Giờ cái dây giăng trước cửa nhà cũng không có...".

    Có người thì nói vui: "Sống hơn 40 năm trên cõi trần gian, giờ mới được chứng kiến cảnh người âm (tính) đi chăm sóc người dương (tính)".

    Theo TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Hoàng Mai, Hà Nội - suy nghĩ này đúng nhưng không được suy nghĩ theo hướng chủ quan.

    "Chúng ta chủ quan rằng chúng ta đã tiêm vắc xin, sức khỏe tốt thì sẽ không vấn đề gì. Việc tiêm vắc xin khiến nguy cơ chuyển nặng thấp hơn rất nhiều. Tại bệnh viện, có những người đã tiêm đủ hai mũi nhưng vẫn chuyển nặng. Mũi tiêm tăng cường để kháng thể tốt hơn chứ không phải miễn nhiễm.

    Mỗi cá thể đáp ứng với bệnh khác nhau. Nhiều người rất khỏe mạnh nhưng khi nhiễm bệnh, sự tương tác với virus gây tổn thương cho cơ thể, ảnh hưởng đến phổi.

    Bởi vậy chúng ta không nên chủ quan. Người dân cần tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

    Trong khi đó, nhiều bệnh nhân nhẹ chưa có tổn thương phổi nhưng biến chứng hậu COVID-19 cũng không thể chủ quan. Vì vậy cố gắng không bị nhiễm bệnh là tốt nhất", bác sĩ Hải nhấn mạnh.

    Khi nào "miễn dịch cộng đồng"?

    Hà Nội những ngày qua liên tục lập đỉnh mới, ngày 19-2 ghi nhận gần 5.000 ca nhiễm. Nhiều người đặt câu hỏi, số ca nhiễm như vậy Hà Nội đã đạt miễn dịch cộng đồng chưa?

    Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Nga cho rằng việc ca nhiễm tăng là điều đương nhiên khi Nhà nước mở cửa các dịch vụ.

    Không nên chủ quan rằng đã tiêm vắc xin, sức khỏe tốt thì nhiễm sẽ không vấn đề gì - Ảnh 3.

    Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh THPT Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

    "Chúng ta đã xác định sống chung, thích nghi với dịch bệnh. Về miễn dịch cộng đồng đối với dịch COVID-19 hoàn toàn khác so với các dịch bệnh đã từng xảy ra trước đây. Trước kia, dịch sởi, thủy đậu… dựa vào yếu tố bao phủ vắc xin sẽ khống chế được dịch. Nhưng với COVID-19 thì khác, dù có tiêm đầy đủ vắc xin vẫn nhiễm bệnh, vẫn có tỉ lệ tử vong.

    Điều chúng ta nên làm hiện nay là nhận định, đánh giá lại cách xác định F0. Chúng ta chỉ nên tính người nhiễm COVID-19 vào bệnh viện, tử vong là F0. Còn lại với những người mắc nhẹ, không triệu chứng thì chúng ta không cần quan tâm nữa", ông Nga bày tỏ quan điểm.

    Bác sĩ Hải Oanh cũng chia sẻ đây là giai đoạn "thích ứng an toàn với dịch". Trước đây chúng ta cố để không nhiễm, nhưng nay sau khi mọi người đã tiêm đủ vắc xin, tình trạng bệnh như tất cả F0 trong gia đình và trung tâm chị đều ở mức "điều trị tại nhà" thì cũng không có gì phải quá lo lắng.

    Theo bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện tỉ lệ ca bệnh có dấu hiệu nặng của Hà Nội chỉ 5%. Hà Nội cũng nằm ngoài danh sách 10 địa phương có số ca nặng cao nhất dù liên tục dẫn đầu về số mắc mới.

    "Ở giai đoạn này, nên đánh giá cấp độ dịch dựa trên số ca chuyển nặng, ca tử vong, khả năng tiếp nhận điều trị..." - bà Hà nêu ý kiến.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-21T00:02:00

    Giá bán thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 vừa được Bộ Y tế cấp phép thế nào; Sử dụng ra sao?

    Giá bán thuốc điều trị COVID-19 chứa Molnupiravir sản xuất trong nước dự kiến khoảng dưới 300.000 đồng/hộp

    Ngày 17/2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có quyết định cấp số đăng ký lưu hành cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước. Cụ thể gồm Molravir 400 của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir của Công ty CP hóa-dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400mg của Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm.

    Theo các chuyên gia, việc có 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước được cấp giấy phép lưu hành trong thời hạn 3 năm đã giúp người mắc COVID-19 mức độ nhẹ và vừa có thêm cơ hội lựa chọn thuốc điều trị.

    Giá bán thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 vừa được Bộ Y tế cấp phép thế nào; Sử dụng ra sao? - Ảnh 1.

    Việc Cục Quản lý Dược cấp phép cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir trong thời hạn 3 năm đã giúp người mắc COVID-19 mức độ nhẹ và vừa ở nước ta có thêm cơ hội lựa chọn thuốc điều trị . Ảnh: minh hoạ

    Trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ& Đời sốngThứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Dự kiến trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ họp với 3 doanh nghiệp trên về quá trình cung ứng, sử dụng, chất lượng và giá cả.

    Về nguyên tắc, 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir được cấp phép khẩn cấp để điều trị miễn phí cho người dân. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng xin ý kiến, ngoài phần điều trị miễn phí ở cơ sở, có thể cho bán tại các cơ sở đăng ký, kinh doanh về thuốc. Việc này nhằm để người dân khi là F0 có thể chủ động mua về điều trị tại nhà, theo đơn của bác sĩ kê.

    Về công suất sản xuất của các đơn vị vừa được cấp phép sản xuất thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, các chuyên gia cho biết còn liên quan tới nguồn nguyên liệu, nhu cầu thị trường... Tuy nhiên 1 trong số 3 nhà sản xuất từ cuối tháng 12/2021 đã tiếp nhận 1 tấn nguyên liệu để điều chế 4,75 triệu viên thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir.

    Về giá bán lẻ, được biết trong tuần tới các công ty sẽ kê khai về cơ cấu giá thành, cách tính giá tới Cục Quản lý dược. Đây là khâu quan trọng để thuốc có thể được tham gia đấu thầu vào cơ sở y tế.

    Tuy nhiên theo nhiều thông tin từ công ty sản xuất thuốc thì dự kiến giá bán khoảng dưới 300.000 đồng/hộp, thậm chí có thể thấp hơn nếu sản xuất với số lượng lớn.

    Hiện nay, thuốc Molnupiravir đang được phát miễn phí theo Chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng. Ngoài ra, nguồn trôi nổi, chợ đen cũng bán thuốc này với nhiều mức giá khác nhau, khoảng trên dưới 2 triệu/ hộp, có thời điểm rao bán trên mạng xã hội 4-5 triệu đồng/ hộp.

    Dùng thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir thế nào?

    Theo Bộ Y tế, 3 loại thuốc sản xuất trong nước (có thành phần hoạt chất Molnupiravir) được chỉ định điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

    Về liều dùng, liều khuyến cáo cho người trưởng thành là uống 800mg Molnupiravir mỗi 12 giờ trong 5 ngày. Độ an toàn và hiệu quả của Molnupiravir khi sử dụng trong khoảng thời gian dài hơn 5 ngày chưa được xác định.

    "Nên uống Molnupiravir sớm nhất có thể sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19 và trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng"- phụ lục trong Quyết định cấp phép của Cục Quản lý Dược nêu rõ.

    Nếu quên một liều trong vòng 10 giờ so với thời điểm cần sử dụng thuốc, bệnh nhân nên uống ngay khi có thể và tiếp tục uống theo chế độ liều thông thường.

    Nếu quá 10 giờ, bệnh nhân không nên uống lại liều đã quên mà cần uống liều kế tiếp theo lịch trình. Không dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên.

    Về giới hạn sử dụng: Không được sử dụng Molnupiravir quá 5 ngày liên tiếp; không sử dụng Molnupiravir để dự phòng trước hay sau phơi nhiễm; không sử dụng để điều trị khởi đầu cho bệnh nhân cần nhập viện do COVID-19 do chưa ghi nhận lợi ích của Molnupiravir khi khởi đầu sử dụng ở đối tượng này. Các bệnh nhân đã được sử dụng Molnupiravir trước khi nhập viện có thể tiếp tục sử dụng thuốc cho đủ liệu trình điều trị.

    Về cách dùng: Dùng đường uống, có thể dùng cùng hoặc không cùng thức ăn; Nên uống nguyên viên thuốc với đủ lượng nước (khoảng 1 cốc nước).

    Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều Molnupiravir theo tuổi.

    Người bị suy thận, suy gan: Không cần điều chỉnh liều Molnupiravir ở người suy thận.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-21T01:02:00

    Phát hiện hàng loạt tác hại mới của Covid-19 với F0

    Cách đây 2 năm, khi Covid-19 mới được phát hiện, nCoV là virus gây viêm phổi nên giới chuyên gia tập trung tìm hiểu những ảnh hưởng của nó tới cơ quan này. Song, từ đó đến nay, chủng virus này vẫn là câu hỏi bí ẩn với các nhà khoa học.

    Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra những di chứng nặng nề mà F0 khỏi bệnh phải chịu hay tác hại mới của virus tới hàng loạt cơ quan nội tạng trong cơ thể.

    Mất thính lực

    Đây là kết luận mà nhóm chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Stanford, Mỹ, công bố trên tạp chí Communications Medicine.

    Theo GS Lee Gehrke (MIT) và bác sĩ tai mũi họng Konstantina Stankovic (Đại học Stanford), nghiên cứu của họ phát hiện mối liên hệ của nCoV với tình trạng mất thính lực, ù tai và các vấn đề khác trong tai. Nhóm chuyên gia nhận thấy virus có thể lây nhiễm trực tiếp vào trong tai và gây ra nhiều triệu chứng mới về khả năng nghe và giữ thăng bằng.


    Các chuyên gia cho rằng triệu chứng mất thính lực, ù tai không điển hình nên nhiều F0 dễ bỏ qua. Ảnh: Freepik.

    “Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, bệnh nhân gặp nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, họ có thể bỏ qua hiện tượng suy giảm thính lực và cho rằng đây chỉ là dấu hiệu ngẫu nhiên”, ông Stankovic nói thêm.

    Vị bác sĩ khuyến cáo F0 nên kiểm tra thính giác thường xuyên, hoặc có biểu hiện mất thính lực mới khởi phát, ù tai, chóng mặt và từng tiếp xúc virus cần tự theo dõi tại nhà, làm xét nghiệm Covid-19 cũng như theo dõi nếu triệu chứng thêm trầm trọng. Các tác giả cũng đặt giả thuyết nCoV có thể xâm nhập vào tai qua mũi.

    Đồng quan điểm, bác sĩ thính học và chuyên khoa thần kinh Zahra Jafari, Đại học Lethbridge ở Alberta, Canada, những thay đổi về thính giác, thăng bằng cũng có thể là dấu hiệu nhiễm nCoV.

    Một phân tích tổng hợp của bà Jafari và cộng sự đã phát hiện các triệu chứng liên quan tai gồm chóng mặt (12%), ù tai (4,5%), mất thính giác (3%). Giả thuyết về cách nCoV ảnh hưởng tai có thể là virus gây viêm tai và tác động trực tiếp vào hệ thống thính giác. Virus cũng có thể xâm nhập vào hàng rào ngăn cách giữa dòng máu và tai trong.

    Hồi tháng 10/2021, một nhóm chuyên gia công bố bài báo trên tạp chí Nature với phát hiện các tế bào tóc cũng có thể bị nhiễm nCoV. Đây là tế bào rất quan trọng với thính giác và sự cân bằng. Từ đây, họ cho rằng F0 có thể mất thính giác do các tế bào lông bị nhiễm trùng.

    Theo các chuyên gia, sau thời gian, triệu chứng về mắt và tai sẽ tự khỏi. Song, các dữ liệu gần đây cho thấy di chứng này ở F0 có xu hướng kéo dài hơn. Ông Patel cho biết đã ghi nhận hai bệnh nhân Covid-19 bị vỡ giác mạc, mù lòa. Trong khi đó, TS Jafari nhận thấy số lượng đáng kể người khỏi bệnh vẫn gặp các triệu chứng liên quan tai.

    Rối loạn tâm lý, trầm cảm

    Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí British Medical Journal – BMJ, nhóm chuyên gia Đại học Washington, Mỹ, đã phân tích hồ sơ y tế của gần 154.000 người mắc Covid-19 trong hệ thống Quản lý Y tế Cựu chiến binh tại Mỹ, trải nghiệm của họ sau khi hồi phục và so sánh với nhóm không bị nhiễm bệnh.

    Theo New York Times, nghiên cứu mới cho thấy người mắc Covid-19 có nguy cơ bị chẩn đoán trầm cảm cao hơn 39%, tâm lý lo lắng cao hơn 35% so với nhóm không bị nhiễm virus. F0 còn có khả năng mắc các chứng căng thẳng, rối loạn tâm lý cao hơn 38%, rối loạn giấc ngủ cao hơn 41%.

    GS.TS Paul Harrison, Đại học Oxford, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết kết quả này một lần nữa củng cố bài báo mà ông và cộng sự đã công bố năm 2021, nhấn mạnh vấn đề đáng lo hậu Covid-19.

    Điều cần lưu ý đó là các dữ liệu không khẳng định hầu hết người mắc Covid-19 sẽ gặp phải những triệu chứng sức khỏe tâm thần. Tỷ lệ này chỉ 4,4-5,6% ở những người tham gia nghiên cứu. Chủ yếu họ được chẩn đoán trầm cảm, lo lắng, căng thẳng, rối loạn cảm xúc.

    Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện F0 có nguy cơ gặp vấn đề về nhận thức như sương mù não, lú lẫn, hay quên cao hơn 80%. Tình trạng rối loạn sử dụng rượu, thuốc tăng đáng kể.

    Sau khi khỏi Covid-19, tỷ lệ người bệnh phải dùng thuốc trầm cảm theo chỉ định tăng 55%, thuốc chống lo âu tăng 65%. Nhìn chung, hơn 18% bệnh nhân Covid-19 gặp phải ít nhất một vấn đề về tâm lý, thần kinh trong một năm sau khi khỏi. Con số này cao hơn nhóm không mắc Covid-19 60%.

    Đặc biệt, ngay cả những người bị bệnh nhẹ cũng có nguy cơ cao tương tự.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 21/2: Hà Nội lập kỷ lục "kép"  về  số ca mắc mới và đang điều trị, khuyến cáo người dân không nên chủ quan  - Ảnh 2.

    Ngay cả những người bị Covid-19 thể nhẹ cũng có nguy cơ trầm cảm, bệnh tim, đột quỵ cao hơn. Ảnh: iStock.

    Nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ cao gấp nhiều lần

    Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine ngày 7/2 do nhóm chuyên gia tại Trường Y Đại học Washington, Mỹ, thực hiện. Điều đáng lo là ngay cả những người trước đó khỏe mạnh và mắc Covid-19 thể nhẹ vẫn gặp phải di chứng về tim sau khi khỏi bệnh.

    Theo Washington Post, đây là nghiên cứu có quy mô lớn, cho thấy bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh tim đáng kể sau một năm nhiễm nCoV. Căn bệnh này khiến tỷ lệ hình thành cục máu đông, rối loạn nhịp tim, suy tim, thậm chí đột quỵ, tử vong cao hơn ở các F0 khỏi bệnh.

    “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy sự gia tăng nguy cơ tổn thương tim ở cả người trẻ và người già, nam lẫn nữ, người da màu lẫn người da trắng, mọi chủng tộc khác nhau, người bị béo phì và người có cân nặng bình thường, người bị tiểu đường và người không bị, F0 mắc Covid-19 nhẹ lẫn nặng”, ông nói.

    Sau khi phân tích sức khỏe tim mạch của tình nguyện viên trong một năm, kết quả cho thấy nguy cơ bệnh tim (gồm suy tim, tử vong) nhiều hơn 4% ở F0 so với người không mắc Covid-19.

    Ngoài ra, F0 có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn 72%, nguy cơ đau tim cao hơn 63% và khả năng bị đột quỵ cao hơn 52%. Nhìn chung, bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ gặp biến chứng tim mạch nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, tử vong cao hơn 55% người không nhiễm nCoV.

    Nguy cơ bị rối loạn nhịp tim cũng cao hơn 53-84% tùy thuộc từng F0. Trong số những bệnh rối loạn nhịp tim, nguy cơ người mắc Covid-19 bị rung nhĩ cao hơn 71%, đau tim cao hơn 63% và gần 3 lần nguy cơ thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi).

    Nhóm mắc Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim cao gấp 5 lần thông thường. Khi phân tích riêng các trường hợp chưa được tiêm chủng, kết quả cho thấy chỉ Covid-19 có thể làm tăng nguy cơ viêm cơ tim.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-21T04:02:00

    Nỗ lực chặn dịch tăng nhanh: Hà Nội tập trung chữa F0 nặng

    Liên tục 3 ngày qua, số ca F0 ở Hà Nội liên tục tăng cao, ngày 19/2 ghi nhận xấp xỉ 5.000 ca.

    Theo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, những ngày qua, số ca F0 nặng nhập viện tăng nhanh, đa số là người cao tuổi, có bệnh lý nền, chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều. Để đáp ứng số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện, bệnh viện đã chuẩn bị 500 giường, chia thành nhiều đơn vị và triển khai hệ thống điều hòa không khí riêng cho từng phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

    Hà Nội tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành trong quý I/2022.

    Để đảm bảo điều trị bệnh nhân F0 triệu chứng nặng, Sở Y tế Hà Nội đã điều chỉnh lại phân tầng tiếp nhận bệnh nhân theo triệu chứng, phù hợp với bối cảnh số ca nhiễm tăng cao. Riêng các bệnh viện thuộc tầng hai, ba (mức độ bệnh nhân nặng trung bình đến nguy kịch) chuẩn bị số giường điều trị tích cực.

    Thành phố yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện tập trung đảm bảo giường thuộc tầng 2, tầng 3; chuẩn bị sẵn sàng tình huống 100-500 ca nặng một ngày. Sở Y tế bảo đảm cung cấp túi thuốc C (thuốc kháng virus) cho bệnh nhân tại các tầng điều trị, đặc biệt là F0 tại nhà để hạn chế chuyển tầng điều trị. Tiếp tục bám sát kịch bản đáp ứng 100.000 ca nhiễm/ngày đã ban hành trước đó…

    Tập trung điều trị bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong

    Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện tỉ lệ ca bệnh có dấu hiệu nặng của Hà Nội chỉ 5%. Hà Nội cũng nằm ngoài danh sách 10 địa phương có số ca nặng cao nhất dù liên tục dẫn đầu về số mắc mới. Ngoài ra, gần 100% dân số đã được tiêm hai mũi vắc xin.

    Theo bà Hà, ưu tiên trọng tâm của thành phố hiện nay là bảo vệ người nguy cơ cao mắc COVID-19, rà soát người nguy cơ cao chưa tiêm vắc xin nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Bà nói: “Giai đoạn này nên thay đổi cách đánh giá dịch, dựa trên số ca chuyển nặng, tử vong… chứ không cần thiết công bố số ca nhiễm vì hiện số ca mắc trong cộng đồng cao”.

    PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định, cùng với việc mở cửa trường học, các hoạt động du lịch…, việc số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội tăng vọt đã được dự báo. “Khi mở cửa chúng ta chấp nhận số mắc tăng cao nhưng phải kiểm soát, phải dự báo được. Trường hợp nào cần thiết phải nhập viện điều trị, giảm nguy cơ tử vong”, ông Phu nói.

    Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành công điện khẩn số 1 về việc tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Theo đó, thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương sau khi đã nới lỏng các hoạt động kinh tế, tôn giáo... tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tập trung vào các khu vực đông người, cơ quan, đơn vị, cơ sở dịch vụ, di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục và đào tạo.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ