Cập nhật lúc 07:08 - 11/02/2022

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 25/1: Biến thể Omicron có thể gây quá tải hệ thống y tế

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2022-01-24T23:01:00

    Bộ Y tế: Cập nhật cấp độ dịch COVID-19 tại 63 tỉnh, thành phố

    Cập nhật cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế cho thấy có 33 tỉnh, thành vùng xanh. Vùng vàng tăng 1 địa phương so với tuần trước thành 24. Địa phương vùng cam giảm từ 7 tỉnh, thành xuống còn 6 so với 7 ngày trước.

    Cụ thể:

    33 tỉnh, thành phố thuộc cấp độ dịch 1 (vùng xanh): An Giang, Bình Dương, Bình Thuận, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Cà Mau, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, TPHCM, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Long An, Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Bình, Thái Nguyên, Tiền Giang, Điện Biên, Yên Bái, Đồng Nai, Đồng Tháp.

    24 tỉnh, thành phố cấp độ 2 (vùng vàng): Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, TP Cần Thơ, Hà Nội, Bắc Ninh, Gia Lai, Hoà Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, TP Hải Phòng, Hậu Giang, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, TP Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông.

    6 tỉnh, thành phố cấp độ 3 (vùng cam) gồm: Bình Phước, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Tây Ninh và Vĩnh Long.

    Cập nhật cấp độ dịch tại 63 tỉnh, thành phố cũng cho biết hiện cả nước có 131 huyện, xã, phường thuộc vùng đỏ - cấp độ 4 về dịch...

    Theo Bộ Y tế, các địa phương căn cứ diễn biến tình hình dịch thực hiện đánh giá cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-24T23:01:00

    Đừng đánh giá thấp Omicron, đặc biệt nếu bạn chưa tiêm phòng COVID-19

    Cần đánh giá đúng về Omicron

    Số ca bệnh COVID-19 tăng nhanh dẫn đến số ca nhập viện và tử vong gia tăng, đặc biệt là những người chưa được tiêm chủng. Nó có thể tiếp tục tăng trong vài tuần, ngay cả sau khi số ca mắc mới bắt đầu giảm. Sự gia tăng về số ca bệnh đã và đang gây sức ép tới hệ thống y tế. Người bệnh quá tải, thiếu nhân viên y tế và cơ sở vật chất.

    Omicron ít gây ra bệnh nặng hơn Delta, vì vậy nhiều người nghĩ rằng nó chỉ như một bệnh cúm mùa (điều chưa từng xảy ra với những biến thể trước đây gây chết người cao hơn nhiều so với bất kỳ chủng cúm nào trong 100 năm qua). Omicron có mức độ nghiêm trọng tương đương bệnh cúm, nhưng cũng có những lưu ý quan trọng.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 25/1: Đừng đánh giá thấp Omicron, đặc biệt nếu chưa tiêm phòng COVID-19 - Ảnh 1.

    Trên cơ sở cá nhân, COVID-19 do Omicron gây ra các triệu chứng tương đương cúm ở nhiều khía cạnh. Đối với đại đa số những người được , COVID-19 gây ra các triệu chứng như cúm, cảm lạnh, hoặc thậm chí hoàn toàn không có triệu chứng. Hầu hết người bệnh sẽ hồi phục trong vài ngày. Một số ít sẽ phải nhập viện, chủ yếu là những người chưa tiêm chủng, người cao tuổi, người suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng hoặc có nhiều bệnh nền kèm theo sẽ có nguy cơ tử vong.

    Ở biến thể Delta, nguy cơ tử vong do không tiêm chủng cao gấp 10 lần so với người đã được tiêm chủng. Còn đối với Omicron, nguy cơ tử vong ước tính thấp hơn 90% so với Delta, có lẽ chiếm khoảng 0.1% (1/1000) người nhiễm Omicron.

    Trên cơ sở xã hội, trong vài tuần tới Omicron có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều so với việc "chỉ là bệnh cúm". Nó có khả năng lây nhiễm đáng kinh ngạc – ngoại trừ bệnh sởi và thủy đậu, có lẽ đây là căn bệnh dễ lây nhiễm nhất hiện nay. Ở Hoa Kỳ, cứ 10 người thì có một người nhiễm Omicron.

    Bạn hãy thử nghĩ theo cách này: Bệnh cúm lây nhiễm cho khoảng 60 triệu người Hoa Kỳ trong vòng 3 – 4 tháng, thì Omicron có thể lây nhiễm ít nhất gấp đôi con số đó chỉ trong 3 – 4 tuần. Điều đó có nghĩa là có thể gấp 10 lần số ca mắc Omicron so với số ca cúm trong tuần và bản thân bệnh cúm cũng gây quá tải bệnh viện vào cao điểm mùa dịch.

    Thích ứng linh hoạt

    Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Omicron có thể là đợt đeo khẩu trang cuối cùng trước khi nó trở thành một căn bệnh đặc hữu dễ kiểm soát hơn. Hoặc cũng có thể Delta tái xuất hiện khi Omicron suy yếu, hoặc một biến thể khác vừa cực kỳ dễ lây truyền vừa có độc lực cao sẽ xuất hiện vào tháng tới hay trong những năm tới. Không ai có thể dự đoán được tương lai của COVID-19 hay mối đe doạ bệnh truyền nhiễm tiếp theo. Đó là lý do chúng ta phải tăng cường khả năng thích ứng.

    Hãy tiêm chủng đầy đủ,  nơi công cộng và không tụ tập đông người. Cách ly khỏi những người tiếp xúc dễ bị tổn thương nhất và đảm bảo sẵn có các phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả. Mọi người đều quá mệt mỏi vì đại dịch. Nhưng nếu chúng ta thích nghi nhanh thì COVID-19 sẽ càng ít chi phối cuộc sống của chúng ta.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-25T00:01:00

    TPHCM: Phát hiện 88 ca nhiễm biến chủng Omicron, gần như không có biểu hiện bệnh

    Tại buổi họp báo về tình hình phòng chống dịch chiều nay 24/1, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết trong số 88 trường hợp được phát hiện thì chỉ có 5 ca bệnh trong cộng đồng liên quan đến bệnh nhân nhập cảnh ở nước ngoài về và di chuyển từ Khánh Hòa vào TPHCM.

    Theo ông Tâm, tất cả 83 trường hợp còn lại là người nhập cảnh, được phát hiện trong quá trình khám sàng lọc, cách ly, điều trị ngay khi xuống sân bay. Hầu hết bệnh nhân nhiễm biến chủng mới đều có biểu hiện nhẹ với các triệu chứng thoáng qua như sốt, ớn lạnh, đau họng. Thời gian từ khi bệnh nhân được phát hiện dương tính đến khi âm tính trung bình khoảng 1 tuần.

    Trường hợp có biểu hiện nặng nhất là cụ bà 82 tuổi từ Mỹ về Việt Nam vào ngày 10/1. Sau khi được xét nghiệm dương tính bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 12. Tuy nhiên, trên cơ địa của bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền, bệnh nhân đã có diễn tiến nặng với triệu chứng khó thở nên được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM. Đến chiều 24/1, tình trạng sức khỏe của cụ đã có diễn tiến tốt.

    Thông tin tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM cho biết, thành phố đã có tuần thứ 3 liên tiếp trở thành vùng xanh (cấp độ 1) trên bản đồ COVID-19.

    Những ngày qua, số ca mắc mới, ca tử vong do COVID-19 liên tiếp giảm sâu. Đến ngày 23/1, toàn thành phố chỉ ghi nhận 138 ca mắc mới với 6 ca tử vong. “Đây là tín hiệu lạc quan, đáng mừng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 thành phố đã đạt được” – ông Phạm Đức Hải nói.

    Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố kêu gọi người dân tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm thông điệp 5K + vắc xin để bảo vệ thành quả đã đạt được để đón một năm mới an toàn, khỏe mạnh.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-25T00:01:00

    Cần biết: Những phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 hay gặp ở người cao tuổi

    Một số dấu hiệu phản ứng nghiêm trọng xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19

    Chiều 24/1, Bộ Y tế cho biết những dấu hiệu phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 là: Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn,…

    Cần biết: Những phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 hay gặp ở người cao tuổi  - Ảnh 1.

    Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi ở Hà Nội Ảnh: Thái Bình

    Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Các dấu hiệu phản ứng nghiêm trọng xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm gồm có:

    +Ở miệng: tê quanh môi và/hoặc lưỡi…

    +Ở da: phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da…

    + Ở họng: ngứa, căng cứng, tắc nghẽn, khản đặc…

    + Đường tiêu hóa: nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng…

    + Đường hô hấp: thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho…

    +Toàn thân: mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp

    Bộ Y tế nhấn mạnh: Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần liên hệ ngay với cán bộ tiêm chủng hoặc cơ sở y tế gần nhất theo số điện thoại được cung cấp hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

    Những việc cần làm sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19

    Đồng thời sau tiêm vaccine phòng COVID-19, không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá hay sử dụng bất kỳ chất kích thích nào sau khi đi tiêm. Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vaccine.

    Không ăn nhiều chất béo bão hòa. Thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hoà làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe. Bổ sung đủ nước sau tiêm.

    Sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, A.

    Ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm. Nên ăn đủ các nhóm chất thịt, cá trứng sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi. Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa

    Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh... và chia nhỏ bữa ăn.

    Nghỉ ngơi hoặc tập thể dục nhẹ nhàng. Sau tiêm, cơ thể mệt mỏi do tác dụng phụ, nên nghỉ ngơi, có thể tập thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ chậm...

    Cùng đó, người cao tuổi cần tiếp tục tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị các bệnh mạn tính theo hướng dẫn của bác sĩ.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-25T00:01:00

    F0 sau khi khỏi bệnh có những dấu hiệu sau cần đi khám hậu Covid-19 ngay

    TS. BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, sau khi thực hiện nhiệm vụ được Thành phố giao là bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, nhận thấy nhiều người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19, đặc biệt là người từng mắc bệnh nặng, phải điều trị tích cực.

    Những bệnh nhân này có thể gặp các di chứng như khó thở, hụt hơi, tức ngực, stress, mệt mỏi, vã mồ hôi, đau đầu, ho kéo dài, chóng mặt, ù tai, thay đổi vị giác, khứu giác... Những người này nên điều trị kịp thời để sớm trở lại cuộc sống bình thường.

    Vì vậy, từ một tháng trước, bệnh viện đã chuẩn bị nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu khám điều trị hậu Covid-19 tại Hà Nội. Phòng khám cung cấp dịch vụ tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của Covid-19, đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng...

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 25/1: Đừng đánh giá thấp Omicron, đặc biệt nếu chưa tiêm phòng COVID-19 - Ảnh 1.

    Chính thức từ hôm nay 24/1, Bệnh viện đa khoa Đức Giang triển khai phòng khám hậu Covid-19 cho các bệnh nhân đã từng mắc bệnh.

    Trong sáng nay, phòng khám hậu Covid-19 Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân. Theo TS. BS Nguyễn Văn Thường, bệnh nhân đến khám chủ yếu gặp vấn đề về hô hấp. Các bác sĩ tại phòng khám đã hướng dẫn các bài tập thở, cách chăm sóc sức khoẻ để mau chóng hồi phục.

    Để đưa vào hoạt động phòng khám này, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã cử 6 bác sĩ, 6 điều dưỡng tham gia lớp đào tạo về điều trị, chăm sóc bệnh nhân hậu Covid-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

    Thông qua đó, các bác sĩ đã được đào tạo một cách bài bản và được WHO cấp chứng chỉ sau khi kết thúc khóa học.

    Hiện bệnh viện đã xây dựng phác đồ, các kỹ thuật có thể triển khai phòng khám này cho các bệnh nhân bị suy giảm nhận thức, suy giảm thể chất và suy nhược, suy chức năng hô hấp, suy giảm khả năng nuốt, suy giảm khả năng giao tiếp và những thách thức trong việc hoàn thành các hoạt động sống hàng ngày (ADLs). Các kỹ thuật phục hồi chức năng sẽ được các bác sĩ giới thiệu và đưa ra hướng dẫn, mục tiêu cụ thể cho người bệnh.

    Ngoài ra, các kiến thức về hậu Covid-19 vẫn đang được các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Đức Giang cập nhật thường xuyên để phục vụ người bệnh tốt nhất. Không chỉ điều trị tốt Covid-19, giờ đây hậu Covid-19 cũng sẽ được quan tâm đúng mức.

    TS Nguyễn Văn Thường cho biết thêm, đây sẽ là nơi thăm khám và điều trị chuyên sâu với sự hỗ trợ của các chuyên gia dành cho người bệnh sau mắc Covid-19 về vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, dinh dưỡng.

    Người bệnh sẽ được khám, tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh đồng thời đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mắc Covid-19, nhất là những người từng nhiễm bệnh ở mức độ nặng, nguy kịch hoặc suy giảm sức khỏe sau khi khỏi bệnh.

    "Tất cả bệnh nhân Covid-19, bao gồm người bệnh nhẹ, nặng hay nguy kịch, đều cần được theo dõi, đánh giá và điều trị toàn diện các biến chứng và di chứng kéo dài của bệnh. Vì vậy, phòng khám này sẽ đồng hành và mang lại sự chăm sóc tận tâm, toàn diện, hiệu quả dựa trên chứng cứ khoa học và nhu cầu cá thể hoá điều trị của từng bệnh nhân" – TS. Nguyễn Văn Thường cam kết.

    Đây là bệnh viện công đầu tiên của Sở Y tế Hà Nội thành lập phòng khám hậu Covid-19. Bệnh viện cũng đảm nhận điều trị F0 trung bình, nặng của Hà Nội.

    Tại miền Bắc, đây là cơ sở thứ hai có đơn vị khám hậu Covid-19. Đơn vị đầu tiên là Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), mở khoa hồi phục chức năng cho F0 khỏi bệnh từ đầu tháng 1.

    Báo cáo của Sở Y tế cho biết, trong ngày 23/1, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 2.971 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 412 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 830 ca cộng đồng và 2141 ca đã được cách ly.

    Như vậy, tính trong đợt dịch lần thứ 4 từ ngày 29/4/2021 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 111.777 ca dương tính với SARS-CoV-2 (không tính ca nhập cảnh và ca ghi nhận tại các bệnh viện trước ngày 30/9/2021), trong đó có 30.586 ca cộng đồng và 81.191 ca khu cách ly.

    Trên địa bàn thành phố có 68.560 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (142), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3497), cơ sở thu dung điều trị thành phố (878), cơ sở thu dung quận, huyện (5222), theo dõi cách ly tại nhà (58.598).

    Trong ngày có 02 bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung; số ca tử vong trong ngày là 17 trường hợp, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 469 người.

    Theo Infonet

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-25T00:01:00

    Dự kiến học sinh trở lại trường chậm nhất vào ngày 14-2

    Chiều 24/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn về lộ trình mở cửa trường học; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả.

    Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ngô Thị Minh cho biết, đến nay, cả nước có 14 địa phương đang cho học sinh đi học trực tiếp, 30 địa phương học trực tiếp kết hợp trực tuyến, 19 địa phương còn đang học trực tuyến hoặc qua truyền hình.

    "Theo kiến nghị của các địa phương, đến ngày 7/2, dự kiến có 49 tỉnh, thành phố triển khai học trực tiếp, 14 tỉnh dự kiến cho trẻ trở lại trường vào ngày 12/2. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD&ĐT là đưa trẻ trở lại trường trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của các cháu" - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 25/1: Đừng đánh giá thấp Omicron, đặc biệt nếu chưa tiêm phòng COVID-19 - Ảnh 1.

    Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu ý kiến tại cuộc họp (Ảnh: Đình Nam).

    Với tình hình hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, Việt Nam đã có những điều kiện, căn cứ để đưa trẻ trở lại trường học an toàn như: Tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trong nhóm cao nhất thế giới; tỷ lệ ca bệnh nặng, số ca tử vong thấp; tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi cao (dự kiến hoàn thành tiêm mũi 2 sau Tết) và tăng cường tiếp cận vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi.

    "Quan điểm của Bộ Y tế cơ bản ủng hộ kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau Tết" - ông Sơn nhấn mạnh và lưu ý trong dịp Tết cần hết sức cảnh giác, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron.

    Sớm có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch

    Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cũng ủng hộ việc đưa trẻ trở lại trường, mở lại hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

    "Quyết tâm đã rõ nhưng cần sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp đồng bộ về tiêu chí, lộ trình, cách thức triển khai của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội" - bà Hoa nêu ý kiến.

    Đại diện các bộ, ngành cũng đề nghị, Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn mới về xác định cấp độ dịch để các địa phương căn cứ triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp khi đưa trẻ trở lại trường hay mở lại hoạt động du lịch.

    Theo Dân trí

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-25T01:01:00

    TP HCM kêu gọi người dân tiêm mũi 3 vaccine Covid-19

    Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ngày 24/1 kêu gọi người dân chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 đến trực tiếp điểm tiêm nơi cư trú.

    Theo HCDC, hoạt động tiêm vaccine Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại vẫn đang tiếp tục diễn ra ở 22 quận huyện và TP Thủ Đức. Những người dân chưa tiêm liều bổ sung và nhắc lại chỉ cần đến trực tiếp điểm tiêm và đăng ký, dù không có tên trong danh sách tiêm chủng vẫn được tiếp nhận.

    TP HCM là địa phương đầu tiên cả nước triển khai tiêm mũi 3, từ ngày 10/12/2020. Đến nay, thành phố đã triển khai tiêm hơn 19,8 triệu mũi tiêm, trong đó 4,42 triệu mũi 3 (gồm hơn 620.000 mũi bổ sung và gần 3,8 triệu mũi nhắc lại).

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 25/1: Đừng đánh giá thấp Omicron, đặc biệt nếu chưa tiêm phòng COVID-19 - Ảnh 1.

    Cuối năm ngoái, Sở Y tế TP HCM dự kiến hoàn tất việc tiêm các mũi vaccine nhắc lại, mũi bổ sung cho người dân, F0 khỏi bệnh trong tháng 1/2022 - trước Tết Nguyên đán.

    Liều cơ bản là vaccine tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Việt Nam đang tiêm chủ yếu là các loại vaccine liệu trình hai liều (thường gọi là mũi một, mũi hai).

    Liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày, dành cho người thuộc nhóm có hệ thống miễn dịch suy yếu, không đủ khả năng phòng bệnh dù đã tiêm chủng đủ liều vaccine cơ bản; người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng là người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...

    Liều nhắc lại, còn gọi là liều tăng cường, áp dụng cho những người đã tiêm chủng đầy đủ liều vaccine, nhằm tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ cơ thể của các liều cơ bản. Cần tiêm nhắc nếu có ba điều kiện gồm từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất được 3 tháng.

    Theo Dân trí

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-01-25T10:01:00

    Biến thể Omicron có thể gây quá tải hệ thống y tế

    163 ca nhiễm biến thể Omicron

    Hiện Việt Nam đã ghi nhận 163 ca nhiễm biến thể Omicron. Địa phương có nhiều ca nặng nhất vẫn là TPHCM, tiếp theo là Hà Nội, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bến Tre. Ba địa phương, TPHCM, Quảng Nam, Hà Nội là những nơi có ca mắc biến thể mới cao nhất. Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan do biến chủng Omicron, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương trong thời gian tới vẫn cần tập trung công tác phòng chống dịch; nâng cao năng lực điều trị, giảm nguy cơ các ca mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong. Đồng thời, có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn khi dịch diễn biến phức tạp. Bộ Y tế cũng nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị; bảo đảm tất cả mọi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lí, chăm sóc y tế phù hợp, được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh và sớm ngay tại địa bàn. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao; nhất là việc hoàn thành tiêm phủ mũi 3.

    Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phần lớn bệnh nhân trẻ tuổi là các sản phụ chưa tiêm vắc xin COVID-19, tiến triển nặng từ khoảng ngày thứ 7 và tình trạng bệnh nặng diễn biến rất nhanh.

    PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết phụ nữ mang thai lại là đối tượng dễ bị diễn biến nặng khi mắc COVID-19 bởi trong quá trình mang thai, phụ nữ cũng có tình trạng suy giảm miễn dịch nhất định. Quá trình mang thai sẽ có tình trạng giữ nước trong cơ thể, có hiện tượng phù, phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên dễ dàng. Vì thế khi mắc COVID-19 nguy cơ bệnh diễn biến nặng tăng nhanh.

    Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai có bệnh nền hoặc các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, bệnh mạn tính ở phổi hoặc trên 35 tuổi mới mang thai sẽ dễ gây ra biến chứng trong thai kỳ, TS Cường phân tích. Cùng với những yếu tố trên, nếu thêm mắc COVID-19 thì nguy cơ biến chứng thể nặng của phụ nữ mang thai càng cao. Khi diễn biến chuyển nặng nhanh chóng sẽ buộc phải nằm hồi sức, can thiệp thở máy, ECMO… với tỉ lệ cao, thậm chí có thể gây tử vong mẹ, nguy cơ cho thai nhi. Do đó các bác sĩ khuyến cáo các sản phụ đủ điều kiện tiêm vắc xin cần tiếp cận tiêm vắc xin sớm nhất có thể.

    Nguyên nhân tiêm vắc xin nhiều vẫn tử vong cao

    Hiện nay, tỉ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc xin trên cả nước là 100% và 48/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng với tỉ lệ tiêm vắc xin cao, đa số ca bệnh của Hà Nội cũng như nhiều địa phương sẽ chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, theo chuyên gia này “không phải 100% người dân tiêm đủ liều vắc xin sẽ diễn biến nhẹ khi mắc COVID-19. Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vắc xin, số lượng này không lớn nhưng có”.

    Các chuyên gia y tế tiếp tục khẳng định người dân cần thực hiện nghiêm túc 5K trong bất cứ thời điểm nào nếu không sẽ làm lây lan mầm bệnh cho người khác, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em.

    Ông Phu nhìn nhận khi số mắc tăng cao, y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu. “Nếu như trước khi tiêm vắc xin 10 ca mắc có một ca nặng, thì nay 100 ca mắc có một ca nặng. Như vậy có thể so sánh tỉ lệ chuyển nặng giảm đi 10 lần nhưng số ca nhiễm lại tăng cao gấp 10 lần. Nếu cứ để số mắc tăng cao không kiểm soát thì tỉ lệ bệnh nặng sẽ tăng cao, kéo theo đó là tỉ lệ tử vong. Khi số mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành y tế sẽ không đủ, vấn đề quá tải ảo xảy ra do điều tiết y tế không kịp, không chính xác nên hậu quả nhiều trường hợp mắc bệnh, diễn biến nặng sẽ không được tiếp cận với y tế cũng như tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó, tỉ lệ bệnh nhân tử vong cũng sẽ tăng cao”, TS Phu phân tích.

    Xem xét tiêm cho người từng chống chỉ định với vắc xin

    Ông Phu cũng lưu ý cần soát xét lại những trường hợp hiện nay chưa được tiêm chủng mà chủ yếu nguyên nhân là những người già, những người do chống chỉ định không tiêm chủng trước đây để có thể tiêm nếu có thể được. “Hiện nay số người nhiễm trong cộng đồng tăng cao, yếu tố lây nhiễm theo gia đình đang tăng lên nên những người này dễ nhiễm bệnh hơn trước đây, nên cần tính toán, xem xét để tiêm cho họ”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

    Về vấn đề này, TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Người đã tiêm vắc xin vẫn có thể mắc bệnh nhưng chủ yếu thể nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh không có vắc xin nào hiệu quả 100% nên vẫn có một tỉ lệ nhất định chuyển biến nặng, thậm chí tử vong. Ngoài ra cần phải xem xét yếu tố cơ địa bệnh nền vì bệnh nhân có thể không chết vì COVID-19 mà chết vì bệnh nền tăng nặng lên”.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ