Cập nhật lúc 18:42 - 13/10/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/10: Chuyển hơn 1.000 bệnh nhân của Bệnh viện Việt Đức sang điều trị tại 3 bệnh viện khác ở Hà Nội

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-10-03T16:10:00

    Tối 3-10, hàng ngàn người dân tiếp tục về miền Tây

    Đến chiều 3-10, người dân tự đi xe máy từ các tỉnh, thành phố nơi có nhiều khu công nghiệp lớn như TP HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai về miền Tây tiếp tục tăng đột biến. Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các tỉnh, thành phố đã tăng cường lực lượng đến các cửa ngõ để tiếp nhận công dân chu đáo, an toàn.

    Tối 3-10, hàng ngàn người dân tiếp tục qua các chốt cửa ngõ TP.HCM để về các tỉnh miền Tây. Phòng PC08 đã tăng cường lực lượng kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo người dân đủ các điều kiện mới được qua chốt.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/10: Công dân ùn ùn về quê, các tỉnh miền Tây lo "vỡ trận" dịch bệnh - Ảnh 1.

    Trước số lượng công dân về quê rất lớn, nhiều tỉnh ở miền Tây Nam Bộ cho kích hoạt trở lại toàn bộ các khu cách ly tập trung, khu điều trị F0 không triệu chứng để sẵn sàng tiếp nhận công dân trở về từ các tỉnh, thành phố.

    Tại Sóc Trăng:

    Sau khi có hàng ngàn người về quê, tỉnh Sóc Trăng đã kích hoạt toàn bộ các khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19.

    Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo kích hoạt lại toàn bộ các khu cách ly tập trung, khu điều trị F0 không triệu chứng (hoặc có thể mở thêm) để sẵn sàng tiếp nhận cách ly đối với công dân tỉnh Sóc Trăng trở về từ các tỉnh, thành phố.

    Kiên Giang:

    Là địa phương cửa ngõ có tuyến Quốc lộ 80 đi qua và tiếp giáp với TP Cần Thơ, 2 ngày qua, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận gần 4.000 công dân đi xe máy về quê, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai và trẻ em. Theo dự đoán, trong vài ngày tới, người dân về quê ở Kiên Giang tiếp tục tăng. 

    Vì vậy, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường lực lượng để kịp thời đón tiếp bà con an toàn, đồng thời khẩn trương kích hoạt thêm các khu cách ly để tiếp nhận bà con về cách ly tập trung đúng quy định, tránh lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

    An Giang:

    Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 17.000 người từ Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP HCM tự phát về quê. Sau khi tiếp nhận tại chốt Vàm Cống, lực lượng chức năng đã hỗ trợ bà con vào nghỉ tạm trong các điểm trường học gần đó thuộc địa bàn TP Long Xuyên.

    Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đề nghị TP HCM cùng những địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương, Đồng Nai, Long An nên giúp các tỉnh miền Tây có chế độ chính sách, động viên để giữ chân người lao động ở lại làm việc và ưu tiên tiêm vắc-xin cho những lực lượng lao động này.

     2 tỉnh ở miền Tây kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo dừng cho người dân về quê  

    Chiều tối 3-10, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị chỉ đạo siết chặt, kiểm soát khu vực TP HCM và các tỉnh lân cận, để không cho người dân tự ý về miền Tây.

    Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, khi TP HCM và nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, công dân ở nhiều tỉnh, thành phía Nam tự ý chạy xe máy về khu vực ĐBSCL một cách ồ ạt, gây quá tải nghiêm trọng, trực tiếp uy hiếp về an ninh của các tỉnh, đặc biệt là an toàn phòng chống dịch Covd-19.

    Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị Thủ tướng, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, công an chỉ đạo lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương, đặc biệt là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm soát nghiêm ngặt, ngăn chặn không cho người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa bàn trong 15 ngày.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/10: Công dân ùn ùn về quê, các tỉnh miền Tây lo "vỡ trận" dịch bệnh - Ảnh 2.

    Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thiều cho rằng 2 ngày qua Bạc Liêu đã tiếp nhận trên 10.000 công dân của tỉnh này chạy xe máy về quê. Nếu người dân tiếp tục tự ý về quê sẽ gây nguy cơ "vỡ trận" hàng loạt tại các tỉnh, nhất là Bạc Liêu - nơi có các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí và điều kiện đảm bảo y tế rất thiếu thốn.

    Cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để đề nghị chỉ đạo các tỉnh phía Nam siết chặt kiểm soát, không để người dân tự ý ra khỏi địa bàn.

    Từ 30-9 đến nay, số lượng người dân Sóc Trăng từ TP HCM và các tỉnh phía Nam đã tự ý trở về địa phương bằng các phương tiện cá nhân rất đông. Trong hơn 24.000 người, có khoảng 16.000 trường hợp về quê trong đêm 2 đến rạng sáng 3-10. Việc này đã làm vượt quá khả năng cách ly, điều trị của tỉnh

    Để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh tại Sóc Trăng và các tỉnh miền Tây, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Thủ tướng và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành khu vực phía Nam không cho người dân rời khỏi địa bàn để về quê trong 15 ngày, để các tỉnh miền Tây tổ chức cách ly, điều trị đối với công dân đã trở về trong những ngày qua.

    "Nếu TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An không siết chặt quản lý người dân thì các tỉnh ĐBSCL sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh. Rất mong Thủ tướng, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 quan tâm chỉ đạo giúp cho các tỉnh ĐBSCL" - văn bản của tỉnh Sóc Trăng nêu.

    Theo Người lao độngTuổi trẻ.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-03T23:10:00

    Tiếp tục đưa 58 F1 liên quan Bệnh viện Việt Đức đi cách ly

    Tối 3/10, ngành chức năng tiếp tục đưa 58 trường hợp F1 đi cách ly tập trung tại huyện Chương Mỹ.

    Trước đó, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức đưa 139 người là F1 đến khu cách ly tập trung. Tăng cường các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, trong ngày hôm nay, ngành y tế Hà Nội và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiến hành lấy mẫu đợt 2 cho khoảng 4.000 người, gồm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế và người dân sống xung quanh khu vực.

    Dựa vào kết quả xét nghiệm 4.000 mẫu lần này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội sẽ tham mưu phương án phòng, chống dịch tiếp theo cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và quận Hoàn Kiếm./.

    Theo VOV.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-03T23:10:00

    Đã lấy hơn 16.000 mẫu liên quan đến Bệnh viện Việt Đức, tình hình cơ bản được kiểm soát

    Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội tối 3/10 cho biết, liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tính đến 16h00 chiều 3/10, cơ quan chức năng đã lấy tổng số 16.026 mẫu, trong đó 9.227 mẫu đã có kết quả xét nghiệm, phát hiện 26 trường hợp dương tính. Cụ thể, đã lấy 8.794 mẫu xét nghiệm là nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc hiện đang ở trong Bệnh viện, đã có 4.385 mẫu có kết quả, phát hiện 21 mẫu dương tính.

    Lấy mẫu khu vực dân cư xung quanh Bệnh viện là 1.385 mẫu, tất cả đều đã có kết quả, phát hiện 2 mẫu dương tính. Lấy 5.847 mẫu là những người về từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đã có 3.457 mẫu có kết quả, phát hiện 3 mẫu dương tính. Toàn thành phố đã rà soát, quản lý 6.266 người liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong thời gian từ 15/9/2021 đến 30/9/2021.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/10: Công dân ùn ùn về quê, các tỉnh miền Tây lo "vỡ trận" dịch bệnh - Ảnh 1.

    Chùm ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức từ ngày 30/9 đến nay, tại Hà Nội ghi nhận tổng số 26 ca mắc (14/26 bệnh nhân là người sinh sống tại Hà Nội; 12/26 bệnh nhân là người từ tỉnh khác đến điều trị hoặc chăm sóc người bệnh). Phân bố số mắc theo quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm (15), Hà Đông (02), Sóc Sơn (02), Thanh Trì (02), Ba Đình (02), Quốc Oai (01), Thanh Oai (01), Bắc Từ Liêm (01).

    Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 4.002 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.603 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.399 ca.

    Liên quan tới chùm ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc CDC Hà Nội đánh giá đã cơ bản khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm tại bệnh viện này.

    “Chúng tôi đang phối hợp cùng Bệnh viện Việt Đức và UBND quận Hoàn Kiếm để lấy mẫu đợt 2. Cơ quan chuyên môn cũng đang tiếp tục điều tra, truy vết và đánh giá tình hình. Sau khi có kết quả mẫu xét nghiệm, CDC sẽ tham mưu về phương thức phòng dịch tiếp theo cho bệnh viện và quận Hoàn Kiếm”, ông Việt nói.

    Theo đại diện CDC Hà Nội, do Bệnh viện Việt Đức có nhiều khu nhà khác nhau nên có thuận lợi trong việc khi phát hiện các ca COVID-19 có thể nhanh chóng khoanh vùng được khu nhà đó.

    Ngoài ra, tất cả những người từng đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện này từ 15/9 đến 30/9 cũng cơ bản được lên danh sách và lấy mẫu, kể cả những người đến từ những tỉnh, thành khác.

    Theo VOV.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-04T01:10:00

    Sáng 4/10, Hà Nội ghi nhận thêm 6 ca dương tính SARS-CoV-2

    Sở Y tế Hà Nội thông báo, từ 18h ngày 3/10 đến 6h ngày 4/10, thành phố ghi nhận 6 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó 4 ca tại khu phong tỏa, 2 ca tại khu cách ly.

    Trong số 6 ca mắc mới, có 5 ca liên quan Bệnh viện Việt Đức, 1 ca liên quan TP HCM; phân bố tại quận Hoàn Kiếm (2 ca), quận Nam Từ Liêm (1 ca), huyện Ứng Hòa (1 ca), huyện Gia Lâm (1 ca), huyện Đông Anh (1 ca).

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/10: Điều kiện để không cần test Covid-19 khi đến vùng bình thường mới - Ảnh 1.

    Theo Sở Y tế Hà Nội.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-04T02:10:00

    Điều kiện để không cần test Covid-19 khi đến vùng bình thường mới

    Nếu tiêm đủ liều vaccine, người đi từ khu vực nguy cơ đến khu vực tương đương, hoặc khu vực bình thường mới chỉ phải tự theo dõi sức khỏe 14 ngày.

    Nội dung này được đề cập cập trong hướng dẫn xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch Covid-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ vừa được Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) gửi UBND TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

    Bộ Y tế đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan về việc giám sát, xét nghiệm, cách ly theo dõi đối với những trường hợp người dân di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác theo 3 vùng sau:

    1. Đối với người đi từ khu vực nguy cơ rất cao, khu vực nguy cơ cao đến vùng nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn:

    Người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (có chứng nhận tiêm chủng đủ liều) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương), trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72h kể từ thời điểm lấy mẫu.

    Khi đến nơi, người trong diện này thực hiện tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, thực hiện thông điệp 5K và xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/10: Điều kiện để không cần test Covid-19 khi đến vùng bình thường mới - Ảnh 1.

    Người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72h kể từ thời điểm lấy mẫu. Sở Y tế nơi tiếp nhận dựa trên đánh giá dịch tễ và tình hình dịch trên địa bàn xem xét việc cho người dân từ nơi khác về tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú; hướng dẫn người dân thực hiện thông điệp 5K và làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn định kỳ 2-3 ngày/lần hoặc tổ chức xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) mẫu đơn hoặc mẫu gộp 5-7 ngày/lần cho người dẫn đến khi đủ 14 ngày.

    Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.

    2. Người đi từ khu vực nguy cơ đến khu vực nguy cơ tương đương hoặc khu vực bình thường mới:

    Nếu đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, người dân cần thực hiện thông điệp 5K và hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 14 ngày và thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.

    Người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 thì thực hiện thông điệp 5K, cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày và tiếp tục hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày tiếp theo.

    Những người này cần thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 trong thời gian cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú; thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.

    Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.

    3. Người đi từ khu vực nguy cơ thấp đến khu vực nguy cơ cao hơn:

    Sở Y tế trên địa bàn tiếp nhận người đến dựa trên đánh giá dịch tễ và tình hình dịch trên địa bàn để hướng dẫn theo dõi, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.

    Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch, thực hiện thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch cần áp dụng tại nơi đến, đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố khác tổ chức đưa đón người dân có tổ chức, chu đáo, an toàn, bảo đảm các nguyên tắc về phòng chống dịch Covid-19.

     Theo Zingnews.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-04T05:10:00

    Trưa 4/10, Hà Nội thêm 2 ca mắc Covid-19 đều liên quan đến BV Việt Đức

    Trưa 4/10, Sở Y tế Hà Nội thông báo, trong sáng nay (4/10) ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 trong khu cách ly, ở quận Hoàn Kiếm, thuộc chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Việt Đức.

    Như vậy liên quan đến ổ dịch ở Bệnh viện Việt Đức, đến trưa nay (4/10) đã ghi nhận 41 người mắc Covid- 19 là người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế, nhân viên bệnh viện và người bán hàng cơm gần cổng bệnh viện.

    Trong đó, tại Hà Nội ghi nhận 33 trường hợp (17/33 bệnh nhân là người Hà Nội) và 8 trường hợp ở ngoại tỉnh gồm; Nam Định (4 ca), Hà Tĩnh (2 ca), Hưng Yên (1 ca), Hải Dương (1 ca).

    Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 4.010 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.603 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.407 ca.

    Theo Sở Y tế Hà Nội.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-04T05:10:00

    Người dân ở TPHCM dùng một mã QR thống nhất

    Ngày 4/10, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM - đã ký văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức về việc hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại TPHCM.

    Theo đó, TPHCM sẽ triển khai ứng dụng PC-Covid để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dữ liệu ứng dụng Y tế HCM sẽ được đồng bộ vào ứng dụng PC-Covid để người dùng không cần khai báo lại từ đầu theo hướng dẫn của Bộ

    Thông tin và truyền thông. Đồng thời, ứng dụng Y tế HCM sẽ được tích hợp thành một tiện ích trong ứng dụng PC-Covid.
    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/10: Người dân ở TPHCM dùng một mã QR thống nhất - Ảnh 1.

    Người dân TPHCM sẽ sử dụng một mã QR thống nhất cho mọi hoạt động.

    Như vậy, người dân TPHCM sẽ sử dụng một mã QR thống nhất trên toàn quốc. Mã QR này sẽ được sử dụng quét tại các điểm đến như chợ, nơi mua sắm hàng hóa, khám chữa bệnh, vận chuyển hàng hóa, lưu thông. 

    Trong trường hợp không có điện thoại di động, người dân mang theo mã QR cá nhân được in bằng giấy hoặc bằng nhựa tùy theo điều kiện để thực hiện quét mã. Người dân không cần thêm bất kỳ giấy tờ nào khác cho việc quét mã QR.

    Trường hợp người dân là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng ít nhất một mũi sau 14 ngày, mã QR cá nhân sẽ có màu xanh.

    Trường hợp người dân chưa tiêm vắc xin, hoặc đã tiêm một mũi nhưng chưa đủ 14 ngày, hoặc hệ thống chưa có dữ liệu tiêm vắc xin, mã QR cá nhân sẽ hiển thị màu đen.

    Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mã QR của đơn vị sẽ được áp dụng để tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong tình hình dịch bệnh. Mỗi đơn vị có thể cấp mã QR địa điểm cho nhiều khu vực khác nhau để dễ dàng khoanh vùng khi cần điều tra dịch tễ.

    Các đơn vị tổ chức quản lý, giám sát nhân viên, khách đến liên hệ công tác, giao dịch, sử dụng dịch vụ thông qua quét mã QR tại từng điểm kiểm soát. 

    Theo Chỉ thị điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, từ 18h ngày 31/9, TPHCM sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh.

    Việc nới lỏng sẽ được triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "an toàn là trên hết", "an toàn tới đâu, mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".

    TPHCM yêu cầu, mọi hoạt động được phép mở lại cần dựa trên nền tảng sử dụng các ứng dụng do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố triển khai để cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân, phục vụ công tác quản lý.

    Theo Dân trí.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-04T07:10:00

    1.000 bệnh nhân của bệnh viện Việt Đức sẽ điều trị tiếp tại 3 bệnh viện ở Hà Nội

    Làm việc với Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 4/10, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đề xuất được chuyển người bệnh sang điều trị tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đức Giang. Bệnh viện Việt Đức đã làm việc với 3 bệnh viện nói trên về vấn đề này.

    Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết hiện còn 1.054 bệnh nhân, 1.018 người nhà, hơn 1.000 nhân viên y tế đang có mặt trong khuôn viên bệnh viện. Đến nay tất cả những trường hợp này đã lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.

    Hiện những ca F0 liên quan đến BV Việt Đức trên địa bàn Hà Nội đã chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị, các F1 tại bệnh viện này cũng đã di chuyển đến địa điểm cách ly tập trung của TP Hà Nội từ rạng sáng ngày 3/10 (khoảng 150 người).

    Đến nay, liên quan đến Bệnh viện Việt Đức đã có 41 ca mắc COVID-19, trong đó Hà Nội ghi nhận 33 ca nhiễm. 8 trường hợp còn lại được phát hiện ở Nam Định (4), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (2) và Hải Dương (1).

    Bệnh viện cũng đề nghị quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ về thủ tục đối với những trường hợp là người đã ghép tạng đến khám lại lấy thuốc để loại trừ thải ghép. Những người này đến khám trong ngày, vào đúng thời điểm bệnh viện tạm phong toả chống dịch hiện đang kẹt tại bệnh viện, họ mong được giải toả. Ngoài ra còn có các trường hợp chạy thận chu kỳ được ra/vào để chạy thận. Những trường hợp này đều tuân thủ phòng chống dịch và đã lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính.

    Dự kiến sẽ chuyển 200 người gồm cả bệnh nhân và người nhà đến Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, 450 người đến Bệnh viện Thanh Nhàn và 350 người sang Bệnh viện Đức Giang. "Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế và Sở Y tế TP Hà Nội, các đơn vị chức năng liên quan khác hỗ trợ Bệnh viện Việt Đức trong việc di chuyển người bệnh, người nhà nhằm giãn cách để làm sạch bệnh viện dần dần", lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nói.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 4/10: Chuyển hơn 1.000 bệnh nhân của Bệnh viện Việt Đức sang điều trị tại 3 bệnh viện khác ở Hà Nội  - Ảnh 1.

    Dự kiến ngày mai, 5/10 bệnh viện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lấy mẫu xét nghiệm lần 3. Do đó, bệnh viện đề xuất sẽ bàn bạc với phường để những trường hợp nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và 3 lần xét nghiệm âm tính trong 7 ngày có phương án xử lý phù hợp. Về đề xuất này, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay có thể giãn cách nhân viên y tế ra khách sạn lưu trú, sau đó hằng ngày, hoặc giãn cách theo hình thức phù hợp vào chăm sóc người bệnh, tuỳ vào đề xuất của Bệnh viện Việt Đức và thống nhất với phường, quận. Tuy nhiên cách làm phải đảm bảo an toàn. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế hỗ trợ Bệnh viện Việt Đức vấn đề này.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-10-04T09:10:00

    Số ca mắc COVID-19 ở Hà Nam tiếp tục tăng

    Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, đến chiều 4/10, trên địa bàn tỉnh này tiếp tục phát hiện thêm 20 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, có một trường hợp phát hiện trong khu phong tỏa, còn lại đều trong khu cách ly.

    Như vậy, tính từ ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều ngày 19/9, đến nay, Hà Nam đã ghi nhận 457 ca bệnh COVID-19 trong đợt dịch mới này.

    Đợt dịch COVID-19 lần này tại Hà Nam được đánh giá khá nghiêm trọng với số lượng người mắc nhiều, lan rộng địa bàn các huyện, thị. Đặc biệt có nhiều học sinh, công nhân trong các khu CN, doanh nghiệp mắc.

    Theo Tiền phong.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ