Khói thuốc lá làm khoảng 40.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm

,
Chia sẻ

Việt Nam và một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới. Số tử vong hàng năm liên quan đến thuốc lá cao gần gấp 4 tử vong do tai nạn giao thông.

Bên lề buổi họp báo nhân Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá tổ chức sáng 25/5, tại Hà Nội, ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có cuộc trao đổi, về tình trạng hút thuốc lá tràn lan hiện nay, mà không có sự ngăn cấm triệt để.

- Một thống kê mới đây về ảnh hưởng của thuốc lá tới sức khỏe con người cho thấy, khoảng 40.000 người Việt Nam tử vong vì thuốc lá mỗi năm. Ông cho biết cụ thể về điều này?
 

Khói thuốc lá chứa 43 chất là tác nhân gây ung thư.

- Việt Nam hiện vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất trên thế giới, 56%. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Con số này gần gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ.

- Nghị định 45 của Chính phủ từ năm 2005 đã quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000-100.000 đồng với hành vi hút thuốc lá, thuốc lào nơi công cộng. Nhưng nhiều người vẫn vô tư hút thuốc thậm chí ngay dưới biển cấm. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

- Nghị định 45 về xử phạt hành chính quả thật quy định thế nhưng không thực hiện được. Không phải vì chúng ta thiếu văn bản, chế tài vì từ năm 2000 nghị quyết của Chính phủ đã nêu nội dung này, sau đó Bộ Y tế cũng có chỉ thị, đến 2007 Chính phủ lại ra chỉ thị về vấn đề này nhưng việc tổ chức thực hiện chưa tốt.

Tuy nhiên, không phải chỉ riêng lĩnh vực này mà nhiều lĩnh vực khác, luật quy định cấm nhưng người dân không thực hiện. Chẳng hạn, vấn đề xử phạt vì vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đây không chỉ là quy định mà là ý thức chấp hành của người dân.

- Theo ông, vì sao người dân lại không tuân thủ lệnh cấm hút thuốc lá?

- Thuốc lá là sản phẩm được phép lưu hành, sản xuất, lại là chất gây nghiện. Để có thể làm quyết liệt là rất khó vì không thể cấm như thuốc phiện, mà chủ yếu bằng việc khuyên để người dân hiểu thay đổi hành vi.

Hơn nữa, lợi nhuận từ thuốc lá cực kỳ lớn, chỉ sau dầu khí, rượu bia. Lợi nhuận kinh khủng nên nhà sản xuất tìm mọi cách chống lại, sẵn sàng chi tiền, thậm chí lôi kéo thanh niên hút thuốc lá bằng cách cho hút miễn phí, rồi tài trợ cho một số chương trình từ thiện. Từ thiện một chút nhưng lại giết người.

- Tại sao nước ngoài cấm được mà Việt Nam lại không?

- Trước hết, chế tài xử phạt của chúng ta chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Ở Hong Kong nếu hút thuốc lá nơi công cộng có thể bị phạt 5.000 đôla Hong Kong tương ứng với 11 triệu đồng. Họ có hẳn một đội ngũ chuyên đi phạt những ai vi phạm.

Trong khi đó ở nước ta, việc xử phạt được giao cho công an, bảo vệ... và phạt 50.000-100.000 đồng, nhưng chả ai làm vì không bõ. Nếu chúng ta phạt nhiều hơn và trích hoa hồng cho những người đi phạt thì có lẽ quy định cấm sẽ thực sự có hiệu quả hơn.

Hơn nữa, người dân chưa quen sống và làm việc theo pháp luật. Chúng ta có luật đầy đủ nhưng nhiều người vẫn quen nếp sống cũ, khó thay đổi.

- Từ năm 2007, Việt Nam đã có in những khuyến cáo về tác hại của thuốc lá trên vỏ bao. Vậy cho đến nay, nhận thức của người dân đã thay đổi như thế nào?

- Thực tế phần lớn người dân vẫn chỉ có quan niệm chung chung về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe trong khi vẫn thiếu hiểu biết đầy đủ về những bệnh do thuốc lá gây ra.

Hơn nữa, chúng ta mới chỉ có cảnh báo về tác hại của thuốc lá được in bằng chữ chiếm khoảng 30% diện tích trước và sau của bao thuốc nhưng thông điệp chưa đủ mạnh: "Hút thuốc lá có thể gây ung thư". Nếu cảnh báo bằng hình ảnh sẽ gây ấn tượng mạnh và giúp người dân hình dung được một cách rõ nhất những tác hại mà thuốc lá đem lại.

- Từng có đề xuất in cảnh báo bằng hình ảnh nhưng cho đến bây giờ việc này vẫn chưa thực hiện được. Tại sao lại có sự chậm trễ như vậy?

- Việc đưa một chính sách vào thực tế phải có lộ trình và chúng ta vẫn đang theo đúng lộ trình. Nhưng công việc này gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề này đã được đưa ra tại nhiều hội thảo, nhiều người cũng thấy đây là việc làm đơn giản, thông tin hữu ích nhưng do nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là phản ứng mạnh mẽ của các công ty thuốc lá gây cản trở, nên đã trì hoãn việc thực hiện.

Khi đòi hỏi các công ty thuốc là phải in bằng hình ảnh thì họ bảo tốn kém, công nghệ cao, không làm được trong nước. Nhưng hiện nay thuốc lá của nước ta xuất khẩu sang các nước khác đều in lời quảng cáo bằng hình ảnh. Chứng tỏ đây là lời bao biện của các công ty. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện điều này vào năm 2010.

Theo Nam Phương
Vnexpress
Chia sẻ