BÀI GỐC Khi trò vui được tạo nên từ những nỗi đau: Xin đừng lấy thảm họa ra làm thú tiêu khiển

Khi trò vui được tạo nên từ những nỗi đau: Xin đừng lấy thảm họa ra làm thú tiêu khiển

Bi kịch nhất của loài người không phải là nỗi đau. Vì nếu một ngày nhận ra, nỗi đau ấy còn có thể bị đem ra làm trò cười, thì phải chăng, ta mới đủ hiểu lòng người thiên biến vạn hóa đến thế nào.

1 Chia sẻ

Làm phúc phải tội: Khi con người lựa chọn giơ tay cứu giúp đồng loại nhưng lại phải trả những cái giá quá đắt

Ngọc Ah NF,
Chia sẻ

Sống trên đời, mắt không nhìn, tai không nghe, cái gì cũng không biết thì sẽ không lo gặp nạn. Vậy mà, cuộc đời ấy vẫn tồn tại những con người bất chấp tất cả để hi sinh vì người khác. Bởi lẽ, con người còn có một trái tim, và trái tim ấy thì không biết cách ngược đãi cảm xúc của chính mình.

Không ai còn lạ gì với câu "Sống là cho đi mà không cần nhận lại". Nhưng dường như người ta vẫn luôn nhìn nhận cái "nhận lại" là một thứ gì đó đẹp đẽ lắm, vật chất lắm mà chưa từng nghĩ đến những điều xấu xí, tiêu cực. Bởi thế nên mới có những câu chuyện về một số người đã sẵn sàng cho hết đi, trong lòng không hề trông mong được đền đáp gì, nhưng cuối cùng lại phải đánh đổi bằng những cái giá đắt ngoài sức tưởng tượng.

1. Nhảy xuống sông cứu người, lên bờ mất sạch tài sản

Làm phúc phải tội: Khi con người lựa chọn giơ tay cứu giúp đồng loại nhưng lại phải trả những cái giá quá đắt - Ảnh 1.

Làm được việc tốt nhưng anh Tuân lại chỉ muốn giấu nhẹm.

Sáng 10/4/2014, khi anh Nguyễn Văn Tuân đi ngang qua cầu Phú Xuân thì nghe thấy tiếng hô hào dưới sông có người chết đuối. Anh vội dừng xe, cởi bớt áo quần cho đỡ vướng rồi dũng cảm lao xuống dòng nước chảy xiết.

Trước khi xuống nước, anh đem toàn bộ giấy tờ cũng như đồ đạc của mình gửi nhờ một người đàn ông ngoài 50. Cứu người thành công, anh tìm lại quần áo để mặc thì mới phát hiện cả điện thoại lẫn ví tiền đều đã biến mất tự lúc nào.

Làm việc tốt lẽ ra phải là một việc đáng tự hào lắm, thế nhưng anh Tuân lại chỉ muốn giấu nhẹm nó đi. Thay vì được khen ngợi thì anh lại được nhận về những lời chê bai: "Cả trăm người ai cũng trố mắt nhìn, sao mày dại dột thế, lỡ chết thì làm răng?"

Anh chẳng mong gì hơn đâu, nhưng chắc hẳn anh đã thất vọng lắm. Một mạng người đang chấp chới sống chết ngay trước mắt, nào có quá nhiều thời gian và suy tính cho thiệt hơn. Dù anh có dại, mà cái dại ấy có thể đánh đổi được một mạng người thì cũng đáng lắm. Anh chẳng cần phải trở thành người khôn, vì ai muốn dại được như anh thì còn khó hơn cả hái sao trên trời.

2. Bị chính người mình tự tay cứu giúp đánh rách môi, lệch sống mũi

Làm phúc phải tội: Khi con người lựa chọn giơ tay cứu giúp đồng loại nhưng lại phải trả những cái giá quá đắt - Ảnh 2.

Đây là tất cả những gì mà chị M. được "nhận lại" khi có lòng tốt giúp đỡ người khác.

Vào ngày 22/11 năm ngoái, trên đường đi làm về bắt gặp một nhóm thanh niên bị thương, cô gái tên H.B.M đã tiến đến giúp sơ cứu và đưa vào bệnh viện.

Tại đây, do nhóm người này không có đủ tiền đóng viện phí nên chị M. đã đưa 2 triệu đồng giúp đỡ nhưng bị từ chối. Sau đó, nghe tin hai trong số bệnh nhân đó phải chuyển viện lên tuyến trên điều trị nên chị đã đưa sợi dây chuyền vàng của mình cho một cô gái trẻ để lo liệu mọi việc. Chị cũng nhấn mạnh sau khi khỏe lại thì mua trả chị một sợi dây khác hoặc có thể trực tiếp trả bằng tiền mặt.

Chị M. vừa nói dứt câu thì người đàn ông bị thương trong nhóm này giật lấy sợi dây chuyền rồi vứt thẳng xuống đất. Tuy tức giận nhưng chị vẫn cố giải thích ý tốt của mình. Thế nhưng người này vẫn chẳng nói chẳng rằng, liên tục đấm đá vào mặt chị. Chị bị đuổi đánh đến tận hành lang bệnh viện, cuối cùng đành phải bỏ xe ở đấy rồi bắt taxi trốn về nhà.

Hơn cả những vết thương bên ngoài, chị bị tổn thương sâu sắc bởi chính lòng tốt của mình. Đúng là cái chuyện làm phúc phải tội. Chẳng thà cứ vô cảm, thờ ơ lướt qua thì đã không sao. Nhưng những người như chị vẫn cứ sẵn sàng "rước họa vào thân" chỉ vì họ không thể làm khác. Họ sợ hãi, nhưng vẫn chấp nhận chuyện mình sẽ gặp rắc rối. Bởi đó là đạo đức căn bản, là tính thiện và lòng trắc ẩn vốn có, là lương tâm mà con người tuyệt đối không thể đi ngược.

3. Tài xế bẻ lái cứu mạng 2 nữ sinh đối mặt với khoản đền khổng lồ

Làm phúc phải tội: Khi con người lựa chọn giơ tay cứu giúp đồng loại nhưng lại phải trả những cái giá quá đắt - Ảnh 3.

Dù đối mặt với khoản đền khổng lồ, anh vẫn không hề hối hận với quyết định của mình.

Ngày 29/3 vừa qua, khi tài xế Đỗ Văn Tiến (SN 1977, trú tại huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng) đang điều khiển xe tải chở đá thì bất ngờ 2 nữ sinh đi xe máy ngã lăn ra làn đường phía trước. Dù rất bất ngờ, song tài xế Tiến vẫn kịp đánh lái tránh gây tai nạn cho 2 nữ sinh này.

Tuy nhiên, cú đánh lái quá gấp đã khiến chiếc xe tải quyệt mạnh vào một ô tô con đỗ bên đường và lật ngang. Tài xế Đỗ Văn Tiến bị thương, gãy 2 xương sườn và hiện đang phải đối mặt với khoản đền đầu tiên lên đến 240 triệu đồng.

Mặt khác, 2 nữ sinh được cứu mạng vì sợ bị liên lụy nên đã nhanh chóng dựng xe bỏ đi trước. Thông tin này sau khi được đăng tải đã khiến cộng đồng mạng vô cùng bức xúc, đồng loạt tỏ thái độ chỉ trích trước hành vi xử sự kém văn minh và thiếu trách nhiệm của hai cô gái này.

Đứng từ góc độ của người tài xế, với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, anh chắc chắn biết rõ hậu quả phải đối mặt là gì nếu như muốn cứu hai nữ sinh kia. Anh cũng thừa hiểu hành động của mình sẽ gây ra sức ép kinh tế thế nào đối với bản thân và gia đình. Nhưng trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, trước mắt anh là 2 mạng người, sống hay chết đều phụ thuộc vào tay lái của anh. Anh không nghĩ được nhiều, chỉ biết có người cần cứu, mình có thể cứu thì mình phải giúp họ.

Lời kết

Khi xã hội tung hô những cá nhân trên là những vị anh hùng thì tôi lại cho rằng, họ đơn giản cũng chỉ là những người bình thường như bao người khác. Nói đúng hơn, họ là đại diện cho những người biết vượt qua nỗi sợ mang tên phiền phức để trao đi tất cả những gì mà họ có thể.

Họ không phải là anh hùng vì họ vẫn biết sợ, vẫn biết lo lắng, nhưng trên hết, họ đã không cho phép nỗi sợ lấn át để do dự trước quyết định cứu hay không cứu một mạng người. Vì xuất phát điểm của nó chính là ở lương tâm, là đạo đức, là nhân cách. Tức là, họ chính là tấm gương phản chiếu cho bất cứ ai trong số chúng ta chứ không phải là một vị thần xa vời không có thực.

Vô tâm hay để tâm, cứu hay không cứu, quyết định là ở chúng ta. Nếu chọn cách vô tâm, ta sẽ không bao giờ gặp nạn. Nhưng trước lúc đó, hãy tự hỏi lòng mình xem liệu tâm hồn có được thanh thản hay không?

Chia sẻ