Nghiêm Thúy Băng: mối tình lớn của nhạc sỹ Văn Cao

Theo Eva,
Chia sẻ

Suốt cả cuộc đời làm vợ của mình, bà chưa bao giờ phàn nàn về số phận và biết chấp nhận sự thực.

“Giữa những ngày dằng dặc. Chỉ còn khuôn mặt em. Sáng trong và bình lặng...” - đó là những vần thơ đầy ắp tình cảm mà nhạc sỹ Văn Cao đã viết riêng cho nhan sắc của cuộc đời mình.

Cô tiểu thư nhà in và chàng nhạc sỹ tài hoa

Là con gái thứ của một gia đình đại tư sản ở Hà Nội, Nghiêm Thúy Băng luôn khiến người khác ngước nhìn bởi vẻ kiêu sa, đài các của một cô tiểu thư con nhà gia thế. Những người cùng thời với bà kể lại rằng: nàng thường xuất hiện trước đám đông trong tà áo dài trắng kiêu sa trên chiếc xe đồi mồi sang trọng vào loại bậc nhất thời bấy giờ. Bên cạnh nàng luôn có người đi kèm để tránh những lời ong tiếng ve.

Đầu những năm 1940, gia đình bà Nghiêm Thúy Băng là một trong những gia đình giàu có nhất thời bấy giờ. Cha bà - ông Nghiêm Xuân Huyến, là chủ nhà in Rạng Đông, đồng thời là chủ bút hai tờ báo chống Tây cực mạnh là Con ong và Bắc Kỳ thể thao. Suốt thời thanh xuân, bà được sống trong cảnh phong lưu, sung túc.

Nghiêm Thúy Băng: mối tình lớn của nhạc sỹ Văn Cao - 1
Đầu những năm 1940, gia đình bà Nghiêm Thúy Băng là một trong những gia đình giàu có nhất thời bấy giờ.
(ảnh nguồn internet)

Khi cô tiểu thư nhà in Rạng Đông đến tuổi cập kê, ông bà chủ nhà in đã cho con gái rượu đứng ở tiệm sách nhỏ làm công việc giao hàng cho khách đến in, bán những cuốn sách của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam. Khi đó nhạc sĩ Văn Cao phụ trách in báo Độc lập. Ông thường viết chữ ngược trên 1 phiến đá, làm dưới hầm bí mật ở làng Bát Tràng, là cơ quan của báo Độc lập với 2 người phụ trách chính là ông Nguyễn Thành Lê và ông Dương Đức Hiền. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước thành lập Đảng Dân chủ, kết nạp những người yêu nước làm kinh doanh thuộc thành phần tư sản như một mặt trận thứ 2 của Việt Minh mà tờ báo Độc lập là cơ quan ngôn luận chính thức khi đó.

Vì yêu thích bài “Buồn tàn thu” mà trong lòng Nghiêm Thúy Băng đã lưu giữ hình ảnh của chàng nhạc sỹ tài hoa dù chưa một lần gặp mặt. Khi báo Độc lập ra in công khai, chính nhà in Rạng Đông đã xung phong in trước, lấy tiền sau để ủng hộ cách mạng, dù khi đó, gia cảnh của bà Thúy Băng đã sa sút nhiều vì cha bà do ủng hộ cách mạng nên bị Nhật bắt rồi bắn chết trước khi cách mạng tháng Tám thành công chỉ có 3 ngày.

Những ấn tượng về Văn Cao khiến trái tim Thúy Băng xao xuyến. Biết được mối thâm tình này, bạn của anh trai Thúy Băng là ông Nguyễn Thành Lê đã đứng ra mai mối. Nhạc sĩ Văn Cao hơn Thúy Băng đến 7 tuổi, ngày đó, gia đình Thúy Băng còn sợ Văn Cao có vợ ở quê nên cho người về tìm hiểu. Nhưng khoảng cách về tuổi tác không hề làm họ xa nhau. Nàng tiểu thư của chủ xưởng in Rạng Đông đã kết duyên cùng nhạc sĩ tài danh, Văn Cao sau đó một năm.

Nghiêm Thúy Băng: mối tình lớn của nhạc sỹ Văn Cao - 2
Những ấn tượng về Văn Cao khiến trái tim Thúy Băng xao xuyến. (ảnh nguồn internet)
 
Bà Thúy Băng đã từng viết: “Cuộc đời tôi từ khi đến với anh Văn Cao chưa có một ngày nào được sung sướng về vật chất, nhưng tôi không ân hận khi trao cả cuộc đời cho anh. Có lẽ đó là một sứ mệnh ngẫu nhiên nếu không muốn nói là định mệnh. Tôi đã hy sinh sự nghiệp của mình dành cho người chồng yêu quý có một sự nghiệp trong sáng tác, đóng góp cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, ngay cả những lúc sóng gió nhất trong cuộc đời, tôi vẫn ở bên cạnh anh và tôi cũng cảm nhận được tôi có ý nghĩa với anh như thế nào. Nhiều bạn bè nhận xét những người phụ nữ trong tranh của anh luôn có nét phảng phất hình ảnh của tôi... Con người anh trầm lặng, sự sống như lặn vào trong, rất khiêm tốn, không khoe khoang. Nhờ ảnh hưởng của tính cách ấy mà qua bao thăng trầm sóng gió, trải qua những gì đau đớn nhất của cuộc đời, tôi vẫn tự hào mình có nghị lực vượt qua…”.

Mối tình duy nhất và cũng là mối tình lớn...

Từ bỏ cuộc sống nhung lụa, giàu sang, cô tiểu thư Thúy Băng sơ tán theo chồng lên Việt Bắc, gia nhập vào đời sống kháng chiến cơ cực. Đó là 8 năm gian khổ, Thúy Băng, trút bỏ những bộ quần áo đẹp, mặc vào những bộ quần áo cánh nâu nhuộm lá chàm ở Việt Bắc cho đỡ tốn xà phòng của người dân lao động. Sau này, bà về công tác ở Câu lạc bộ Điện ảnh Đồi cọ, sống dân dã như những người phụ nữ Tày, trồng rau, nuôi gà mang trứng đi bán, gánh nước, giặt quần áo...

Bà bảo, chẳng bao giờ bà để ông Văn Cao mó tay vào việc nhà, để cho ông toàn tâm toàn ý với nghệ thuật. Có những lần nhạc sĩ Văn Cao bị viêm phổi nặng, Thúy Băng vừa lo nuôi con, vừa làm công việc của một y tá chăm sóc, tiêm thuốc cho chồng. Hầu như mỗi lần Văn Cao bị đau ốm, bà đều tự tay chăm sóc ông. Bà chấp nhận những khó khăn, vất vả bởi bà có một tình yêu lớn hơn, tình yêu với người đàn ông của đời bà.

Tuy là một trong những giai nhân có tiếng của Hà thành xưa nhưng chưa bao giờ
Nghiêm Thúy Băng xem đó là điều làm nên giá trị của cuộc đời bà. (ảnh nguồn internet)

Suốt cả cuộc đời làm vợ của mình, bà chưa bao giờ phàn nàn về số phận và biết chấp nhận sự thực, ngay cả khi người bạn đời của bà đã từ giã cõi đời hơn 15 năm nay. Chỉ có điều, từ bấy đến nay, bà luôn sống với kỷ niệm, kỷ niệm tuổi trẻ, kỷ niệm tuổi già. Bà tâm sự: “Khi ông ấy mất tôi đã 65 tuổi, đã trải qua quá nhiều, từ kháng Pháp qua kháng Mỹ, từ chiến khu về thành phố, con cái mỗi người mỗi nghề. Nhà tôi sống không tròn như hòn cuội, sống có góc có cạnh. Nhưng ông vẫn sinh hoạt Đảng đến tận những ngày cuối đời. Ông hay bảo, cuộc sống phải phá những đường mòn đi, để làm những con đường mới...”

Tuy là một trong những giai nhân có tiếng của Hà thành xưa nhưng chưa bao giờ Nghiêm Thúy Băng xem đó là điều làm nên giá trị của cuộc đời bà. Với Thúy Băng, cuộc đời bà dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng nhìn chung, bà vẫn tự hào nói rằng, mình đã sống một cuộc đời hạnh phúc, nếu phải đánh đổi cuộc đời đó bằng những phù hoa, danh vọng, chắc chắn, bà sẽ từ chối, bởi bà đã có một cuộc sống thực sự ý nghĩa bên người đàn ông tài hoa của mình.

Chia sẻ