Người mua hàng online chuộng "tiền trao cháo múc" và câu chuyện văn hóa shipper

Mạn Ngọc,
Chia sẻ

Văn hóa giao hàng sẽ quyết định trực tiếp đến hình thức thanh toán mà khách hàng sử dụng. Hình thức thanh toán trực tuyến có rất nhiều ưu điểm nhưng lại không được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Dịch vụ giao hàng tận nơi đã thực sự đảm bảo chất lượng cho khách hàng?

Những năm gần đây, do nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng và cũng một phần lớn tác động của sự phát triển mạng xã hội, một loại một loại dịch vụ mới được ưa chuộng, đó là dịch vụ giao hàng tận nơi.

Nghề giao hàng tận nơi hay những người nhận nhiệm vụ giao hàng này được gọi là shipper. Là những người làm công việc vận chuyển hàng hóa đến tay người sử dụng dịch vụ. Mua sắm trực tuyến phát triển kéo theo nhu cầu chuyển hàng hóa từ người bán đến người mua ngày càng lớn.

Nếu như những ngày đầu, hầu hết loại hình dịch vụ này đều mang tính cá nhân tự phát, thì hiện nay có rất nhiều công ty đã kinh doanh loại hình dịch vụ này một cách có tổ chức. Thế nhưng, bất kỳ loại hình dịch vụ nào đều ưu tiên trước nhất là quyền lợi của khách hàng, đi kèm với uy tín của cá nhân hay tổ chức kinh doanh loại hình dịch vụ đó.

Văn hóa giao hàng và hình thức thanh toán hàng của người tiêu dùng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Do nguồn cung cầu đáp ứng lẫn nhau nên loại hình dịch vụ này ngày càng phát triển, số lượng người lao động và đối tượng lựa chọn công việc ngày càng đa dạng, vì vậy sản sinh ra việc chất lượng dịch vụ không giống nhau.

Hầu hết người mua hàng đều có xu hướng sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi rồi mới thanh toán. Ngược lại, người bán hàng cũng như công ty vận chuyển lại luôn mong muốn khách hàng của mình thanh toán trực tuyến.

Người mua hàng luôn lo lắng về chất lượng sản phẩm mình đã đặt, họ ưu tiên hơn hình thức thanh toán tận nơi để có thể kiểm tra trước khi nhận hàng và thanh toán. Nhưng với hình thức này, người bán hàng và công ty vận chuyển lại khá phải thấp thỏm lo lắng.

Nỗi sợ "bom" hàng

Khách hàng đôi khi hứng thú nhất thời nhưng đến phút cuối cùng lại "hết hứng" và quyết định "bom" hàng, đây chính là cơn ác mộng của các giao dịch thương mại điện tử.

Với những trường hợp này thật gây khó khăn cũng như phiền phức cho cả người bán và bên giao hàng, họ sẽ tốn kém cả thời gian, công sức cũng như tiền bạc với hình thức thanh toán có phần bất lợi cho mình này.

Văn hóa giao hàng và hình thức thanh toán hàng của người tiêu dùng - Ảnh 2.

Muôn vài lý do để "bom" hàng (Ảnh minh họa).

Các đơn hàng khi không thể đến với người mua sẽ được hoàn trả về bưu cục rồi lại lên đường vận chuyển về phía người bán. Quy trình này khiến người bán cũng như bên vận chuyển vô cùng mệt mỏi và tốn công vô ích.

Văn hóa giao hàng và hình thức thanh toán hàng của người tiêu dùng - Ảnh 3.

Những đơn chuyển hoàn dở khóc dở cười. ( Ảnh minh họa )

Ngoại trừ những trường hợp thuộc lỗi của người bán, có một số bộ phận người mua hàng rất thiếu ý thức và trách nhiệm trong việc giao dịch của bản thân mình. Từ đó dẫn đến việc cả người bán lẫn bên vận chuyển đều không mấy thoải mái với những đơn hàng thu tiền tận nơi.

Dịch vụ giao hàng đã tận trách nhiệm?

Nhưng cũng phải nói đến việc tắc trách của cả người bán và đặc biệt là công ty giao hàng nói chung cũng như cá nhân nhân viên vận chuyển nói riêng đã khiến cho số đông người tiêu dùng không còn đặt mấy niềm tin vào cách thức thanh toán "tiền đi trước, hàng hóa mãi mới đến sau".

"Tôi thường xuyên mua hàng online, nhưng mỗi lần trót thanh toán trước bằng hình thức chuyển khoản là đa phần đơn hàng đó luôn gặp trục trặc. Nhất là các bạn giao hàng thường xuyên đến mà không hề thông báo trước, bất kể tôi đã có yêu cầu với đơn vị bán hàng về thời gian giao dịch", anh Trung ngụ tại quận Cầu Giấy chia sẻ.

Các đơn hàng khi người tiêu dùng không kịp nhận sẽ được hoàn về trụ sở của công ty vận chuyển trước khi trả hàng về với người bán. Việc hoàn tiền lại cho khách hàng lại diễn ra khá phức tạp và mất thời gian, bất kể lỗi đến từ người nhận hàng hay do nhân viên vận chuyển.

Rất nhiều trường hợp, người giao hàng đến bất chợt không thông báo trước với khách hàng thế nhưng khi được hẹn giao lại sau thì họ từ chối và yêu cầu khách hàng ra bưu cục để nhận hàng. Nhiều người tiêu dùng khá bất mãn khi họ trả tiền để được giao hàng tận nơi nhưng đến cuối cùng vẫn phải tự thân đi lấy hàng.

Hàng hóa không được bảo quản chất lượng

Một trong những vấn nạn khiến người tiêu dùng không mấy khi tin tưởng sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến là hàng hóa không được bảo quản chất lượng. Ngoại trừ những nguyên nhân khách quan, đôi khi việc hỏng, làm giảm chất lượng của hàng hóa lại thường đến từ các đơn vị của dịch vụ vận chuyển.

Cách đây không lâu, dân cư mạng xôn xao về clip tung hứng hàng hóa đầy vô trách nhiệm của một công ty vận chuyển được khá nhiều người tin tưởng. Trên thực tế điều này xảy ra không ít, những kiện hàng méo mó, thậm chí có dấu hiệu bị mở khi được trao đến tay khách hàng làm họ không dám trả tiền trước nhận hàng sau.

Văn hóa giao hàng và hình thức thanh toán hàng của người tiêu dùng - Ảnh 4.

Những cây bút bị gãy do va đập.

Câu chuyện dở khóc dở cười như mười cân mận được niêm phong kĩ càng nhưng khi cân lại "ngót" đến vài cân. Hay như hàng đến tay người tiêu dùng lại hỏng hóc, biến dạng đến không nhận ra hình thù.

Vẫn biết trong quá trình vận chuyển không thể tránh được những tác động ngoài mong muốn, thế nhưng khi đã là một loại hình dịch vụ thì các công ty vận chuyển cũng như người giao hàng nên chú ý hơn về việc thực hiện quy trình bảo quản hàng hóa. Có như vậy người tiêu dùng mới đủ tin tưởng để sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và sức lực cũng như tiền bạc cho cả đôi bên.

Thanh toán trực tuyến là hình thức giao dịch văn minh và nhiều ưu điểm, giúp cả ba bên người bán, người mua và bên vận chuyển sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Ấy vậy nhưng để hình thức thanh toán này được sử dụng nhiều hơn thì các loại hình dịch vụ vận chuyển nên có quy trình nghiêm ngặt để hàng hóa được giao đến tay khách hàng đảm bảo chất lượng nhất.

Xây dựng văn hóa giao hàng chính là tác động lớn đến sự tin tưởng của khách hàng dành cho hình thức thanh toán trực tuyến.

Chia sẻ