BÀI GỐC Đàn ông Việt đã "yếu" còn “thiếu" đủ đường

Đàn ông Việt đã "yếu" còn “thiếu" đủ đường

Sự xấu xa, tệ hại của đàn ông Việt thì khỏi phải nhắc nhiều rồi. Nhưng tôi còn nhận ra, đàn ông Việt 100 người thì 80 người yếu - kém và lệch lạc nặng về “chuyện ấy”.

5 Chia sẻ

"Chuyện, đi Tây con người nó cũng khác..."

,
Chia sẻ

Nhiều người nói tôi thật may mắn và họ bảo ít người chồng được như vậy. Nhưng khi tôi kể, chồng tôi đi nước ngoài học từ năm 18 tuổi và 13 năm mới về thì họ à lên: "Chuyện, đi Tây con người nó cũng khác...". Tôi không dám nhận xét gì.

Tôi không bao giờ vơ đũa cả nắm, tôi vẫn thấy bên cạnh tôi có nhiều đàn ông tốt. Đàn ông Tây cũng có người xấu, nhưng nếu xét toàn diện thì tôi nghĩ đàn ông Việt vì nhiều lý do khách quan như văn hoá xã hội, sự dạy dỗ của cha mẹ, tư tưởng trọng nam khinh nữ của Việt Nam... mà các anh vô tình là nạn nhân và bị thui chột đi nhiều đức tính đáng quý đáng lẽ đàn ông phải có. Có lẽ trách thì nên trách sự thực khách quan này?

Tôi đã đọc hết các bài về chồng Việt chồng Tây và đàn ông Việt, đàn ông Tây ở đây, tôi nhận thấy rằng các chị viết không sai về những người đàn ông Tây tử tế ấy. Cá nhân tôi thấy xung quanh mình đàn ông Việt cũng nhiều nhưng quả thực không thấy họ đối xử với phụ nữ như đàn ông Tây được. Nhất là trong chuyện phòng the, có một phần đúng là "Đàn ông Việt đã thiếu, lại yếu đủ đường" như Phan Dĩnh Linh nói.

Ở đây, tôi xin miễn bàn luận tới chuyện ấy của đàn ông Việt. Tôi chỉ muốn bàn luận những điều mắt tôi thấy, tai tôi được nghe. Tôi chẳng sính ngoại và cũng chẳng có quan niệm Tây ta gì, chỉ là do quan sát mà thấy, hy vọng độc giả không "ném đá" tôi.

Tôi đã có chồng con và cũng tiếp xúc với môi trường có nhiều đàn ông (do công việc). Tôi đều thấy đàn ông Việt rất ít khi làm việc nhà, trông con, chăm sóc bố mẹ mình giúp vợ. Họ nghiễm nhiên coi đó là việc đàn bà trong khi vợ họ cũng đi làm 8h/ngày - làm những công việc như đàn ông làm.

Quả thực tôi thấy như thế thì phụ nữ rất khổ, nhưng kêu ca thì họ nói lại ngay, thậm chí còn bảo phụ nữ phải hy sinh phải chịu đựng... bao đời nay vẫn thế rồi. Thực sự tôi nực cười với quan niệm cổ hủ và có phần thiếu nhân bản đó.

Có lần ngồi trò chuyện cùng mọi người có anh trong công ty kể chuyện tự hào vì có vợ luôn hy sinh, chịu thiệt thòi cho mình. Ngay lúc ấy có một chị vốn hay nói thẳng đã vỗ vào mặt anh ấy: "Làm người đàn ông sức dài vai rộng chả che chở được cho vợ thì thôi, để người đàn bà chân yếu tay mềm phải chịu khổ vì mình thì nhục chứ có gì mà tự hào".

Mọi người không ai nói gì nhưng đều công nhận điều ấy là đúng. Tôi nghĩ cứ nhìn hiện thực này chúng ta đánh giá được ngay đàn ông Việt thế nào. Chả cần đao to búa lớn làm gì không lại bảo người mình chê bai dân mình.

Cuộc sống của tôi, bố tôi, ông tôi, anh em chú bác tôi là đàn ông Việt đây. Tôi yêu thương và quý trọng họ nhưng không đồng nghĩa tôi thấy họ luôn luôn tốt.

Bà nội, bà ngoại tôi một đời tần tảo nuôi nấng con cái, thức khuya dậy sớm, làm nhiều đến mức "khổ quen sướng không chịu được". Giờ già cả đề huề nhưng lúc nào cũng ra đồng ra ruộng, ốm vì nắng vì mưa mà vẫn cứ làm. Trong khi đó ông tôi thích thì làm, không thì nghỉ ngơi, đi chơi cờ, nghiễm nhiên coi việc vợ vất vả là bình thường.

Đến các chú các bác tôi bây giờ, thời đại tân tiến hơn nhưng cũng không khác là bao. Họ không hư hỏng là coi như "tuyệt vời" lắm rồi, còn lại bao gánh nặng về cả thể chất lẫn tinh thần hầu như vợ phải chịu.

Nếu kiếm được tiền một tí thì họ lại càng nghĩ mình là người đàn ông hoàn hảo, và vợ họ càng là người may mắn. Đã may mắn thì phải biết điều. Mà biết điều ở đây là đừng đỏi hỏi thêm gì nữa, mẹ chồng chị chồng có hành con dâu cũng là điều bình thường thôi, đừng bao giờ ca thán...

Mẹ tôi cũng vậy, làm đàn bà mà phải gồng gánh kinh tế, lại nuôi nấng dạy dỗ con, Tết nhất giỗ chạp đều đến tay... Bố tôi là người đàn ông tốt, không rựou chè cờ bạc gì nhưng ông cũng vô tâm coi đó là điều bình thường ở phụ nữ.

Ông đi làm dù lương thấp nhưng cũng không hề tìm cách kiềm tiền cho vợ con bớt vất vả. Mẹ tôi kiếm được và ông nghiễm nhiên coi việc đưa vài triệu một tháng là xong trách nhiệm, không cần biết thời bây giờ giá cả chi tiêu thế nào.

Trong nhà mẹ tôi được lòng cả nhà chồng vì là người vợ tần tảo, người con dâu hiếu thảo. Nhưng mẹ tôi cũng không hạnh phúc thực sự vì thấy mình vất vả sớm hôm quá mà chồng coi đó là bình thường.

Không phải đòi hỏi sự giàu có gì nhưng thực sự phụ nữ rất cần một người đàn ông đủ vững chắc để làm chỗ dựa cho họ. Mẹ tôi rất chăm chỉ, ngày nắng ngày mưa không bao giờ nghỉ việc.

Có lần tôi bảo sao mẹ phải khổ thế thì mẹ có nói giờ mẹ có ốm ra đó bố con cũng không lo lắng được gì, mẹ phải tự lo cho mình chứ. Lúc đó mắt tôi cay xè, lòng tôi nặng trĩu vì thương mẹ mà không biết phải làm gì.

Với chồng tôi, phụ nữ mang nặng đẻ đau, tuổi thanh xuân có hạn, lại phải chăm sóc con cái rồi nội trợ... 
Như thế là quá đủ vất vả rồi. Và chồng phải làm chỗ dựa về vật chất và cả tinh thần. 

Hiện tại tôi thật may mắn khi có một người chồng chia sẻ với mình mọi việc. Tôi chỉ là công chức quèn còn chồng tôi rất giỏi, về cả trí tuệ lẫn khả năng kiếm tiền. Nhưng không bao giờ anh nghĩ vì thế mà vợ phải thế này thế kia.

Về nhà là anh trông con cho tôi làm việc nhà hoặc cùng tôi làm việc nội trợ, kể cả đánh cọ nhà vệ sinh, đi đổ rác. Tôi mệt mỏi, anh đi chợ, mua thuốc. Nửa đêm tôi khát nước anh dậy pha nước cam cho vợ. Nhà vợ có việc gì anh luôn chủ động quan tâm giúp đỡ không cần vợ phải nhắc.

Với chồng tôi, phụ nữ mang nặng đẻ đau, tuổi thanh xuân có hạn, lại phải chăm sóc con cái rồi nội trợ... Như thế là quá đủ vất vả rồi. Và chồng phải làm chỗ dựa về vật chất và cả tinh thần.

Bố mẹ chồng tôi rất khó tính, khó tính đến cay nghiệt. Chồng tôi rất yêu cha mẹ, rất hiếu thuận nhưng không bao giờ bắt vợ phải khổ vì cha mẹ mình. Khi thấy căng thẳng quá, anh xin phép ra riêng để cả hai bên giữ được những gì tốt đẹp về nhau.

Nhiều người nói tôi thật may mắn và họ bảo ít đàn ông được như vậy lắm. Nhưng khi tôi kể, chồng tôi đi nước ngoài học từ năm 18 tuổi và 13 năm mới về thì họ à lên: "Chuyện, đi Tây con người nó cũng khác...". Tôi không dám nhận xét gì nhưng phải chăng do chồng tôi đi Tây nên đó cũng là lý do góp phần tạo nên tính cách của anh như hiện nay?

Tôi nghĩ rằng cũng chả vui vẻ, sung sướng gì khi đàn ông Việt bị phụ nữ Việt so sánh với đàn ông Tây. Nhưng nếu quá nhiều chúng ta cũng nên tự đặt câu hỏi cho bản thân mình. Hoặc đơn giản hơn, nếu chúng ta nghĩ đàn ông Việt tốt chứ không xấu thì hãy tự hỏi bản thân mình đã làm những việc như đàn ông Tây làm cho vợ chưa? Hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân là chính xác và công bằng nhất.

Tôi nghĩ chả mấy ai thích lấy chồng Tây, bất đồng ngôn ngữ rồi văn hoá cũng không phải hay. Song cuộc sống lứa đôi có hạnh phúc là điều quan trọng nhất, không thể có cuộc sống hạnh phúc khi người đàn bà vốn là phái yếu lại phải gồng mình chịu những cay cực thiệt thòi trong cuộc sống.

Cứ nói ở Việt Nam trọng tình nên không hay ly hôn như nước ngoài, điều ấy đã bị hiểu sai hoàn toàn. Chúng ta không dám ly hôn chứ không phải không muốn bởi nhiều ràng buộc về cả vật chất lẫn tinh thần, pháp luật cũng không hoàn toàn đảm bảo được những lợi ích cho phụ nữ khi ly hôn cũng như những lợi ích cho con trẻ sau khi bố mẹ chia tay. Do đó mà biết bao người phải khổ, phải sống trong cảnh làm người nhưng bị đối xử không bằng con vật.

Còn nước ngoài họ yêu nhau, lấy nhau sống bình đẳng hạnh phúc. Không hợp thì họ chia tay trong sự tôn trọng và luôn có trách nhiệm chung với con cái. Nỗi đau sau ly hôn của họ không lớn như với phụ nữ Việt Nam. Với họ kết hôn là tìm hạnh phúc chứ không phải giam hãm bản thân trong cuộc sống đau khổ. Vậy điều gì văn minh hơn, điều gì nhân bản hơn, nhiều quyền con người hơn? Dễ trả lời phải không ạ?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi không vơ đũa cả nắm, vẫn có nhiều đàn ông Việt tốt, có điều không nhiều. Không ai sinh ra tự nhiên xấu mà do môi trường, do dạy dỗ là một phần. Xã hội mình trọng nam khinh nữ, đứa trẻ ngay từ khi còn trong trứng nước cũng có thể bị phân biệt đối xử huống chi khi nó đã sinh ra và lớn lên.

Ngọn nguồn là ở đó và trọng nam khinh nữ thế nào chả nói nhiều ai cũng hiểu, vấn đề chúng ta đang nói tới đây cũng bắt nguồn từ đó mà thôi. Tôi thiết nghĩ khi đã nhận thức được như thế thì chúng ta - những bậc làm cha mẹ hãy dạy dỗ con cái khác các cụ thời xưa một chút.

Nếu có con gái chúng ta hãy dạy dỗ con sống tự lập, yêu bản thân, mạnh mẽ để không sống phụ thuộc. Nếu có con trai hãy dạy con mình yêu thương tôn trọng đồng loại, đặc biệt là phái nữ. Hãy dạy con mình biết nấu ăn, đi chợ, làm việc nhà để sau chúng giúp vợ con. Hãy dạy con mình làm người đàn ông phải sức dài vai rộng, che chở cho phụ nữ chứ không nên sống để phụ nữ phải che chở, chịu thiệt vì mình.... Đó là phẩm chất "đàn ông" nhất. Điều này không có gì khó phải không?

Tôi nghĩ dù nói gì thì nhiều quan niệm đã ăn sâu vào máu không dễ ngày một ngày hai thay đổi. Chấp nhận được mức độ nào thì chúng ta cố gắng, còn muốn thay đổi chỉ có thể bằng cách chúng ta dạy dỗ để đời con cháu không đi theo vết xe đổ của thế hệ trước mà thôi.

Phụ nữ Việt chỉ muốn lấy đàn ông Việt thôi, hy vọng các anh hiểu được tâm tư nguyện vọng của chúng tôi để thay đổi một chút, tất cả vì hạnh phúc của chúng ta chứ không vì sự hơn thua nào cả.

Xin cảm ơn các độc giả đã cùng chia sẻ với tôi.

Chia sẻ