BÀI GỐC Tôi vẫn đau đớn vì "quá khứ huy hoàng" của vợ

Tôi vẫn đau đớn vì "quá khứ huy hoàng" của vợ

Năm 13 tuổi, em đã yêu và dâng hiến tất cả cho một chàng trai cùng xã. Đến khi gặp tôi thì em cũng đã yêu và qua tay với 4 người đàn ông khác.

6 Chia sẻ

Đàn ông không có quyền dằn vặt hay tha thứ cho quá khứ của vợ

,
Chia sẻ

Tôi đoán rằng khi chấp nhận cưới chị, anh đã đồng ý tha thứ cho chị ấy rồi. Và kể từ giây phút đó, chị ấy không còn nợ anh sự thật đó nữa. Anh không còn quyền dằn vặt hay tha thứ cho chị ấy nữa.

Đáng ra tôi không định khơi lại vấn đề bởi anh Hoài Nam đã đưa ra lựa chọn cho mình, nhưng tôi không đồng tình với bài viết của bạn Friend, bởi bạn nhìn vấn đề với một cái nhìn tuy “lý trí” nhưng lại thiếu sót, ích kỷ, dẫn đến sự thiển cận có thể đẩy gia đình người khác đến bờ vực thẳm.

Trước tiên là về cô vợ. Theo như thông thường, tôi sẽ nói một người đàn bà đã qua tay 5 người đàn ông là hư hỏng. Tuy nhiên, sau lần đầu tiên đọc bài của anh Nam thì tôi nhận ra không thể đơn giản kết luận như vậy. Chị ấy có vẻ không tệ như thế và tôi đã không comment khuyên nhủ anh nên làm thế nào cả. Lý do là bởi lúc đó tôi chưa thể hiểu được logic trong hành động của vợ anh Nam nên không thể đưa ra kết luận là cô ấy tốt hay xấu.



Trong vòng 5 năm, từ 13 đến 18 tuổi, chị ấy đã (tạm gọi là) yêu 5 người đàn ông. Ai đọc đoạn này cũng nghĩ cô ấy là rất xấu, nhưng khi nhìn vào những hành động sau này của chị ấy thì tôi buộc phải suy nghĩ lại. Trong 6 năm sau, chị ấy đã yêu anh Nam. Nếu muốn lợi dụng anh thì tại sao sau 6 năm trời mới làm chuyện đó lần đầu? Cứ giả sử tình huống xấu nhất là chị ấy nham hiểm (theo giả định của Friend), thế thì lý gì một người “quỷ quyệt” lại thật thà khai hết quá khứ? Vô lý! Chẳng phải khai ra là công cốc hết sao? Chẳng phải cứ giấu nhẹm đi thì cũng chả ai biết hay sao? Nếu muốn lợi dụng anh Nam, không lý gì chị ấy lại tự nguyện làm một việc bất lợi cho bản thân như thế!

Nếu là cô gái khác, họa chăng nếu bị truy vấn về trinh tiết, cô ta sẽ nói đen thành trắng, cùng lắm chỉ khai là từng yêu một người, chứ không phải 4. Vậy sức mạnh nào đã khiến chị thẳng thắn thừa nhận chuyện đó, dù anh Nam thậm chí không hề hỏi? Câu trả lời chỉ có thể là chị ấy yêu anh, tin tưởng và nghiêm túc với anh. Đến đây thì lật lại vấn đề, sao một con người yêu nghiêm túc như thế mà lại có một quá khứ “huy hoàng” đến vậy? Để lý giải cho việc này thì tôi nhớ lại một số tâm sự tôi đã từng đọc và dùng một số kiến thức tâm lý tôi thu nhặt được.

Thử kể lại câu chuyện theo trình tự thời gian. Người đàn ông đầu tiên của chị ấy là kẻ đã “dụ dỗ” một đứa trẻ con 13 tuổi quan hệ với mình. Không ngạc nhiên khi kẻ tệ bạc như hắn rũ bỏ chị ấy sau khi đã chiếm đoạt được trinh tiết của người con gái. Nơi chị ấy sống là một vùng quê ở Thanh Hóa (nếu tôi không nhầm) và ở nơi xa xôi như thế, không lạ khi tư tưởng phong kiến như gái còn trinh vẫn ăn sâu vào tiềm thức đấng mày râu.


Người thứ hai của chị ấy, sau khi “thử nghiệm” và phát hiện bạn gái đã “không còn”, anh ta sẽ làm gì? Bỏ chị ấy. Kiểu đàn ông tồi tệ này không hiếm đâu, lúc yêu đòi “thử” cho bằng được để kiểm tra, kiểm tra không thấy là vứt. Anh ta là người thứ 2 nhưng đã ích kỷ như thế. Và nếu người thứ 3, 4 thì lại càng có cớ để ích kỷ, đúng không? Nhưng nếu chuyện phũ phàng đó cứ lặp đi lặp lại thì đâu còn công bằng trong cuộc sống? Chẳng lẽ vì từng sai lầm mà không bao giờ ngóc đầu lên được? Thậm chí có những kẻ giả vờ yêu đương để lợi dụng gái trẻ, thỏa mãn xong rồi bỏ thì sao?

 Kể ra những tình huống kể trên để thấy rằng, không phải chị ấy thích yêu nhiều, càng không phải chị ấy hư hỏng mà chỉ đơn giản là bị lợi dụng vì không tìm được đúng người. Quãng thời gian đó chị ấy chưa đến tuổi trưởng thành, suy nghĩ ngây thơ đơn giản để rồi bị lừa, bị phụ bạc cũng chẳng có gì lạ. Chị ấy đơn giản là một con búp bê đáng thương, lần nào cũng nói thật quá khứ, nhưng lần nào cũng bị lợi dụng, bị bắt phải chiều này chiều nọ rồi bị đá. Chính vì mang mặc cảm mình không xứng đáng với người yêu nên chị ấy không dám từ chối bất kỳ yêu cầu gì, dù quá đáng hay không vì luôn mong muốn “bù đắp” cho nửa kia (minh chứng rõ ràng là chị ấy tự nguyện chịu lép vế trước anh Nam và chẳng bao giờ yêu cầu anh điều gì cả).

Và đến khi yêu anh Nam thì sao? Quá trình yêu thương lâu dài 6 năm cũng là 6 năm giữ gìn cho nhau. Điều này chứng minh chị ấy không phải kiểu người yêu vội, cũng không phải cô nàng hám nhục dục, càng chẳng phải loại người khờ dại chỉ biết chinh phục đàn ông bằng cách làm tình (như Friend áp đặt). Lúc này chị ấy đã đủ tuổi trưởng thành, suy nghĩ chín chắn hơn, biết giữ gìn hơn và hiển nhiên qua thời gian, chị nhận ra sự khác biệt giữa tình yêu thực sự anh dành cho chị với thứ tình yêu lợi dụng trước kia là như thế nào. Theo những gì anh Nam kể, tôi nhận thấy một phần nào đó, chị ấy tôn thờ anh vì điều đó. Chính vì thế, sau lần gần gũi đầu tiên giữa hai người, chị đã cảm thấy bứt rứt và quyết định nói thật. Tôi có thể khẳng định điều này, người phụ nữ không bao giờ chân thành tiết lộ sự thật cho người đàn ông mà cô ta không yêu hoặc tin tưởng. Do vậy có thể chắc chắn rằng tình cảm chị ấy dành cho anh Nam là thật.


Hơn thế, thời gian hai người bên nhau tính đến nay đã 9 năm, đây không phải quãng thời gian ngắn. Trong 9 năm đầy thử thách đó chị ấy đã chung thủy với anh Nam, chẳng lẽ việc này không nói lên điều gì sao? Tuy tôi không thể chắc chắn câu chuyện có khớp hoàn toàn với những gì tôi phân tích không, bởi anh Nam đã kể quá sơ sài, nhưng đó là cách giải thích hợp lý nhất cho tất cả những gì đã xảy ra. Và nếu thực sự mọi chuyện diễn ra như vậy, thì chị ấy là người đáng được thông cảm. Cách giải quyết của anh Nam, giữ lại hạnh phúc đang có, là lựa chọn đúng đắn. Nhưng tôi cũng đã lên tiếng chỉ trích anh Nam, trong bài chia sẻ của anh Kỳ, rằng anh Nam là con người ích kỷ,.... Có lẽ đến giờ phút này anh Nam cũng phần nào hiểu được lý do, tôi cũng không muốn bới móc thêm nên tôi sẽ chỉ chia sẻ thêm một số điều sau đây.

Trước hết, đó là sự thương hại anh Nam dành cho vợ. Thực tế, có sự khác biệt không thể dung hòa giữa hai từ “thương hại” và “cảm thông”. Sự cảm thông cao quý bao nhiêu thì sự thương hại lại thấp kém bấy nhiêu. “Cảm thông” là khi con người ta hiểu được nỗi đau của người khác và cưu mang người đó vì ta biết họ xứng đáng có được hạnh phúc. Ta hướng tới họ bằng tình cảm chân thành của ta. Còn “thương hại” lại bao hàm sự khinh thường của ta đối với người mà ta ra tay giúp đỡ, thể hiện sự thiếu tôn trọng từ người giúp đến kẻ được giúp. Khi thương hại rồi bố thí cho ai đó, ta tự thỏa mãn với ý nghĩ rằng bản thân thật độ lượng, thật to lớn, rằng ta đã làm hết trách nhiệm, dù sự bố thí ấy thực chất không bao giờ là nhiều cả. Tôi đoán rằng khi chấp nhận cưới chị, anh đã đồng ý tha thứ cho chị ấy rồi. Và kể từ giây phút đó, chị ấy không còn nợ anh sự thật đó nữa. Anh không còn quyền dằn vặt hay tha thứ cho chị ấy nữa. Ngược lại, trách nhiệm của anh là yêu thương và bỏ qua quá khứ như đúng những gì anh đã nói.

Thế nhưng tại sao sau 3 năm mà anh vẫn chưa nguôi ngoai được? Đó là vì anh mang trong mình suy nghĩ sai lầm, ích kỷ của người đi ban ơn. Điều đó khiến anh luôn thấy mình là người “cho”, còn chị là người “nhận”, dù trên thực tế anh thừa hiểu chị đã cho anh rất nhiều những thứ quan trọng hơn trong cuộc sống. Có hạnh phúc thì nên biết trân trọng và tận hưởng. Người khác không xử tệ với anh, nhưng anh lại tự làm khổ chính mình thì ai có thể giúp được anh đây? Nếu anh cứ tiếp tục thương hại thay vì cảm thông thì anh mới chính là người làm gia tăng khoảng cách giữa hai vợ chồng, trực tiếp phá vỡ hạnh phúc của chính mình! Vì vậy, cách duy nhất để tiếp tục là anh hãy chấm dứt sự thương hại vô lý của bản thân anh đi!


Cuối cùng tôi muốn nói với anh Nam, hãy tôn trọng vợ mình với con người tốt đẹp của cô ấy hiện tại. Hãy thực tâm đối xử tốt với vợ bằng sự trân trọng chính bản thân cô ấy, để ý và tìm thêm những điểm tốt, sự đảm đang đáng quý của vợ, rồi anh sẽ cảm nhận được sức nặng và sự quý giá của những gì mình đã, đang và sẽ được nhận lại từ mái ấm của anh. Cuối cùng, chúc anh và chị sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi.

Chia sẻ