BÀI GỐC Vật vã thời "bão giá"

Vật vã thời "bão giá"

(aFamily)- Giá cả mọi thứ tăng chóng mặt. Nên chi tiêu và có cách nào kiếm thêm tiền để sống sót qua thời "bão giá" này không?

9 Chia sẻ

Sinh viên còn sợ "bão giá" hơn gia đình

,
Chia sẻ

(aFamily)-Trước đây, nhà thuê còn rẻ nhưng giờ nhà nào, chỗ trọ nào cũng đòi tăng giá.Học phí cũng thấy tăng mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đọc “Vật vã thời "bão giá"” của chị Ủn, em muốn nói với chị rằng hãy cố gắng vượt qua thôi chị nhé. Yên tâm, trong cái khó, ló cái khôn, dần dần sẽ tìm ra cách giải quyết mà chị. Chỉ cần hai vợ chồng đồng tâm hiệp lực, chia sẻ cùng nhau, chứ đừng để thiếu thốn vật chất mà mâu thuẫn thì khổ.

Bão giá không chỉ ảnh hưởng tới những người có gia đình, con cái như chị mà ngay cả sinh viên bọn em cũng khốn khổ lắm đấy. Nhiều khi chẳng biết kêu ai, bố mẹ cũng cố gắng làm lụng gửi ra nhưng chỉ một khoản nhất định, không thể xin thêm vì bố mẹ đâu có kiếm được nhiều hơn, mặt khác ở quê, kiếm tiền khó lắm.

Vậy nên những đứa sinh viên con nhà nghèo như em phải tìm cách hạn chế tối đa chi phí. Trong lúc mọi thứ đắt đỏ lại càng phải tiết kiệm hơn. Em xin kể một số thứ mình đã trải qua như một lời sẻ chia cùng chị.

Trước đây, nhà thuê còn rẻ nhưng giờ nhà nào, chỗ trọ nào cũng đòi tăng giá. Bảo rằng cơ sở vật chất tốt, tăng đã đành. Đây vẫn mấy mái nhà lợp xi măng lụp xụp, điện nước đều thiếu không thì giá quá cao mà bà chủ thét giá thuê ngất trời, lại còn làm kiêu nữa chứ. Chúng em, giờ đứa nào đại gia may ra mới dám thuê nhà ở một mình, còn đâu toàn phải ở ghép thôi. Mà ở ghép đâu có đơn giản, đứa nào may mắn tìm được người ở ghép ngay còn đỡ, có đứa cả tháng chẳng tìm được ai, chịu không nổi tiền nhà phải vật vã đi ngủ nhờ, chán lắm chị ạ.

Học phí cũng thấy tăng mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhưng cái đó chưa phải là đáng sợ nhất với sinh viên bọn em. Ăn uống thời bão giá mới thực sự là cơn ác mộng cho sinh viên xa nhà. Ở với nhà chủ nào khó tính, không cho nấu nướng thì chắc sinh viên đói dài. Bởi ra hàng ăn bây giờ toàn 20 nghìn một suất cơm rẻ nhất rồi. Gắp thêm một tẹo thức ăn đã lên 30 nghìn. Tiền bố mẹ cho chắc chỉ đủ khoảng nửa tháng ăn cơm bụi. Bảo sao sinh viên lúc nào cũng dự trữ mì tôm, có khi cuối tháng ăn trừ mì gói hoặc nói ra xấu hổ, đi ăn trực bạn thân ấy chứ.

Nhà chủ nào cho nấu ăn thì sinh viên còn đỡ lo. Song cái thời thực phẩm đắt đỏ như thế này, nay bão lũ, mai mưa rầm hoặc xăng tăng giá thì mấy đồng tiền nhỏ nhoi của sinh viên có thấm tháp gì. Thôi thì trường kỳ với lạc rang muối hoặc muối vừng đưa cơm, sang một chút thì đậu phụ rán, trứng tráng hoặc ít thịt lợn rang. Hôm rồi em ra chợ, thấy trứng vịt tăng gần 3000đ/quả. Lắc đầu ngao ngán chẳng dám mua.

Sinh viên cũng phải lao vào làm thêm nhưng mấy việc người ta thuê mình làm cũng bèo bọt lắm chị ạ. Bởi người ta bảo, đi làm bán thời gian, chưa có bằng cấp, nhận vào là may chứ còn đòi hỏi gì. Vừa đi học, vừa đi làm, nhiều khi thời gian không đảm bảo, người ta còn tính toán trừ lương và phạt. Cuối tháng, thấy công sức mình bỏ ra mà thu về chẳng đáng bao nhiêu. Đau nhất là có đợt làm nhưng bị ốm, khi đến xin nghỉ người ta cho thôi việc luôn mà không thèm trả một đồng thù lao.

Sinh viên bọn em cũng sợ “bão giá” như sợ cọp nhưng như bao người khác, cũng phải cố mà vươn lên, vượt qua cái khắc nghiệt của cuộc sống và hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, bởi biết đâu đó “nghèo thì lâu chứ giàu thì mấy”.

Lạc quan lên chị Ủn nhé!

Chia sẻ