BÀI GỐC Tôi bị đồng nghiệp “cao thủ” chơi xấu

Tôi bị đồng nghiệp “cao thủ” chơi xấu

Bình thường Lan tỏ vẻ tốt, quan tâm đến tôi nhưng không thể ngờ được, sau lưng tôi, cô ấy tìm cách nói xấu và chơi xấu tôi...

20 Chia sẻ

Không qua được thời gian thử việc vì "ma cũ"

,
Chia sẻ

(aFamily)- "Ma cũ" là nỗi ám ảnh của rất nhiều người khi họ trở thành "ma mới" tại một cơ quan nào đó...

Gửi Thùy Anh,

Đọc tâm sự của bạn cũng như chia sẻ của những người cùng cảnh như bạn xoay quanh vấn đề đồng nghiệp trong công sở. Tôi chợt nhớ ra cậu bạn đồng nghiệp thời tôi còn làm nhân viên kinh doanh ở một công ty cổ phần chuyên về hàng gia dụng. Sở dĩ tôi kể ra câu chuyện này không phải vì tôi nói xấu cậu ấy (bởi tôi đã chuyển sang một công ty lớn trong một lĩnh vực khác đã lâu) mà đơn giản tôi muốn mọi người biết thêm về một kiểu đồng nghiệp không tốt. Tôi không phải nạn nhân nhưng làm lâu với cậu ấy nên tôi hiểu khá rõ tính cách và các “chiêu tủ” của một ma cũ muốn dành cho ma mới.

Dũng, tên cậu ấy, là người có thâm niên dày dạn nhất trong số các nhân viên kinh doanh của phòng, chức danh trợ lý trưởng bộ phận cho cậu ta một chút uy tương đối, tiếng nói vì thế cũng “nặng cân” hơn. Còn tôi đã qua thời kỳ “lính mới” nên thuộc dạng “rắn mặt”, không dễ bị bắt nạt, Dũng coi tôi cùng các nhân viên cũ bình đẳng, làm công việc như nhau. Chỉ có điều việc ai người đấy làm, không liên quan đến mình thì đừng “nhúng mũi” vào.

 
 Hồi tôi ở đấy, tôi chưa thấy người mới nào ở lại được một khi Dũng không cảm tình. 
Cứ đợt nào có nhân viên kinh doanh mới về phòng, bao giờ trưởng bộ phận cũng giao cho Dũng “dìu dắt”. Cuối đợt thử việc, trưởng phòng sau khi lấy ý kiến từ Dũng cộng với kết quả công việc của nhân viên mới thực hiện sẽ đánh giá tốt, xấu trước khi gửi qua nhân sự chuyển lên giám đốc quyết định nhận hay không.

“Quan nhỏ” như Dũng chả thế mà lắm uy quyền!

“Ma mới” nào về biết điều nịnh Dũng thì xuôi chéo mát mái. Đơn giản nhất là vâng dạ, mời anh đi uống cafe, ăn trưa, mát xa. Lắng nghe anh truyền đạt kinh nghiệm bán hàng, đối phó với từng loại khách. Cách nói dối sếp để đạt hiệu quả, các chiêu “lừa” kinh điển để khách mua mà không biết mình hố, từ chối hoặc sửa chữa đồ bảo hành, giảm tăng công nợ… Nói tóm lại là chấp nhận tốn kém nhiều một chút thì cũng học hỏi được vài thứ và yên tâm bản đánh giá quá trình thử việc sẽ được nhận xét tốt.

Còn rủi cho “ma mới” nào không biết quan hệ thì tất yếu sẽ “lên đường” sau hai tháng thử việc. Dù năng lực có tốt đến đâu cũng không lại được với các thủ đoạn quen thuộc của Dũng. Hồi tôi ở đấy, tôi chưa thấy người mới nào ở lại được một khi Dũng không cảm tình.

Các bạn biết đấy, nghề kinh doanh phải đi lại nhiều, phải có mối quan hệ, giao tiếp, thuyết phục tốt. Nhân viên kinh doanh gắn với doanh số, nó gần như là thước đo năng lực quyết định sự tồn tại hay ra đi, tiền nhiều hay tiền ít. Một nhân viên kinh doanh được tuyển vào có nghĩa là công ty cần anh ta tìm kiếm thị trường mới hoặc phát triển hơn nữa thị trường cũ đang có.

Công ty tôi đợt đó sẵn thị trường và khách hàng nhưng đang bị cạnh tranh sản phẩm rất mạnh. Nhiều thị trường cũ tụt giảm hoặc chết hẳn. Nhân viên mới vào, nhiệm vụ của họ làm sống lại những thị trường này.

“Ma mới” chân ướt, chân ráo về đều phải gặp Dũng nắm tình hình. Khi không ưa thì Dũng sẽ có mấy bài như sau:

Thứ nhất, phân chia lại khách hàng, khu vực cho người mới. Khu vực này tất nhiên phải “chuối”, khách hàng ở đây thường có vấn đề về thanh toán, hàng bảo hành, khó tính, bán lẻ hoặc lấy ít. Có thể là Dũng hay một nhân viên cũ sẽ dẫn người mới đi giới thiệu và nói qua về khách hàng một hai lần, sau đó cho tự bươn trải (với người có cảm tình, Dũng sẽ dẫn đi nhiều hơn, bàn hàng hộ vài lần cho quen khách).
 
Với những khách hàng tiền sử không tốt thế này trong bản danh sách, nhân viên cũ còn bở hơi tai cũng chẳng chạy đủ doanh số cao ngất được cộng dồn các tháng, nói gì nhân viên mới. Thế nên, nhiều nhân viên mới, hai tháng không đạt doanh số, tự viết đơn xin nghỉ việc theo quy định.

Có một số người mới vượt qua được cửa ải khó khăn này thì Dũng lại có chiêu bài khác “bẩn” và tinh vi hơn. Đó là tung hoả mù về chương trình khuyến mãi của công ty một cách kín đáo đến khu vực người mới đang nhận. Dân buôn nổi tiếng quái, truyền tai nhau rất nhanh. Khi nhân viên mới đến, họ sẽ bắt nọn rằng chương trình của đối thủ thấp hơn rồi đòi dìm giá, trả hàng, bù lỗ, gây áp lực cho nhân viên mới. Có khách hàng không cần biết đúng, sai chưa kịp cho nhân viên kinh doanh mới thanh minh đã đuổi ra ngoài vì bán hàng đắt cho họ.
 
Nhiều nhân viên nản chí, cũng tự out. Có người tháng thử việc đầu tiên, doanh số đạt được ổn thì sang tháng thứ hai, Dũng sẽ căn cứ chỉ tiêu rồi phân cho doanh số vượt tầm, phải bán nhiều mặt hàng “xương” ở nơi mà từ trước chưa bán vào được. Điều quá khó đối với nhân viên mới.

Còn rất nhiều quái chiêu khác mà Dũng thể hiện ra với người mới. Tôi dù muốn giúp người mới, cũng chỉ biết động viên họ cố gắng chứ không thay đổi được vì Dũng được sự hậu thuẫn vững chắc của trưởng bộ phận. Anh này coi Dũng là cánh tay phải đắc lực nên gần như giao toàn quyền cho Dũng. Đến bây giờ, dù đi nơi khác tôi được biết Dũng vẫn như vậy, không có gì thay đổi.

Các bạn ạ, kiểu đồng nghiệp như Dũng, chắc chắn có bạn cũng từng gặp như tôi. Tuy xấu thật nhưng kiểu người này cũng đáng để chúng ta nhận ra một điều rằng đi đến đâu ta cũng nên khéo léo, biết lựa hoàn cảnh mà thích nghi (tất nhiên đừng vì thế mà trở thành nịnh bợ, giả dối) thì ta sẽ có lợi hơn. Thật quá đôi khi sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi không đáng có.

Nghệ thuật giao tiếp chính là ở chỗ đó, các bạn ạ!

Chia sẻ