BÀI GỐC Con gái tôi đua đòi làm "Hot girl"

Con gái tôi đua đòi làm "Hot girl"

(aFamily)- Chưa hết, trong những emails thằng bé gửi cho con gái tôi còn có cả các hình ảnh nó chụp qua webcam trong chiếc áo body khoe hình thể.

15 Chia sẻ

Suy nghĩ của cô bé 17 tuổi về bậc làm cha mẹ

,
Chia sẻ

(aFamily)- Ngọc là một người chị, và Ngọc cũng đã 16 tuổi rồi. Đừng lấy cái lý do "tâm lý tuổi dậy thì" để biện minh cho sự ích kỷ và hư hỏng của Ngọc.

Gửi đến bác N.H.N, tác giả bài viết "Con gái đua đòi làm "hot girl" là do lỗi của chị H.N",

Thưa bác N.H.N,

Trước hết, cháu xin được cảm ơn những ý kiến mà bác đã đưa ra. Nhờ có những ý kiến ấy, cháu đã phần nào có cái được cái nhìn tổng quát hơn về những bất ổn của các bạn teen nhà mình trong cái xã hội phức tạp này. Song, cũng chính trong bài viết của bác, có nhiều điểm cháu vẫn còn hiểu chưa rõ lắm. Mong bác và các quý độc giả của AFamily giải đáp cho cháu. Cháu vô cùng biết ơn sự chỉ bảo của mọi người.

Thứ nhất, có một điều chúng ta luôn phải nhớ rằng "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Thực cảnh gia đình bác H.N ra sao, trong số chúng ta - những độc giả của AF -chẳng ai biết rõ. Vì vậy, cháu xin được mạo muội đưa ra ý kiến dựa trên cái sự hiểu hãy còn non kém của mình.

Theo như những gì bác H.N đã viết, cháu nhận thấy bạn Ngọc quả đã thật may mắn vì được sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả như thế, và có vẻ như mọi nhu cầu về cả thể chất và tinh thần của bạn ấy đều được bố mẹ, mà cụ thể là mẹ, trang bị bù đắp cho không thiếu thứ gì.

Hơn hết cả, Ngọc còn nhận được cái may mắn vô ngần, ấy là được mẹ quan tâm dạy dỗ "mỗi khi có thời gian rảnh". Bởi vậy cháu mới tự hỏi, liệu cái câu "Trong khi anh đi công tác xa giao trách nhiệm lại cho vợ, còn chị thì bận rộn không có thời gian chăm sóc, quan tâm đến con gái lớn nên thành ra khi chị phát hiện thì con gái đã nhiễm phải cái trào lưu thứ ba" có phải là một lời kết tội hơi vội vàng?

Phải nhớ rằng, tuy bác H.N là một người mẹ thật, nhưng trên tất cả, bác ấy là một người phụ nữ, một người phụ nữ "tội nghiệp" phải gánh cùng lúc 2 trách nhiệm: 1 làm mẹ, và 1 làm cha. Chưa kể, ở vị trí của một người phụ nữ, những áp lực từ phía xã hội trong cuộc sống mưu sinh này lại càng nặng nề cực nhọc hơn.

Hãy tưởng tượng đôi vai bác H.N là một cán cân. 1 bên là công việc, là vị trí trong xã hội, là cuộc sống mưu sinh, là lăn lộn với đồng tiền, là đối mặt với vô vàn những bất công và xấu xa bỉ ổi của xã hội. 1 bên là gia đình, với người chồng đi vắng lâu ngày, với 2 đứa con còn non trẻ, mà 1 trong 2 đứa ấy lại đang bước vào cái tuổi mà con người ta khi già đi mỗi khi nhớ về cái tuổi ấy thì đều không khỏi có những lúc xấu hổ và đôi khi cũng rất tự hào về chính bản thân mình vào cái thời ấy, vâng, cháu đang nói đến cái tuổi "ngông cuồng".

Nếu bác N.H.N cũng là một người mẹ, hoặc bác cũng thuộc về phái yếu, hẳn bác sẽ hiểu và cảm nhận rất rõ cái gánh nặng ấy. Nếu không, cháu tin là bác cũng có thể dễ dàng hiểu được. Và sống cùng với những gánh nặng như thế, liệu chúng ta có thể đòi hỏi ở bác H.N điều gì hơn nữa trong việc chăm lo cô con gái rượu của bác? Đừng lôi mớ lý thuyết cùn về hình mẫu một bà mẹ hoàn hảo là phải thế này thế kia, không bao giờ có chuyện ấy, bác H.N cũng chỉ là một người phụ nữ, một người mẹ bình thường.

Hơn nữa, Ngọc không phải là con một, Ngọc còn một cậu em trai, Ngọc là một người chị, và Ngọc cũng đã 16 tuổi rồi. Đừng lấy cái lý do "tâm lý tuổi dậy thì" để biện minh cho thái độ vô trách nhiệm và lối sống vị kỷ ngu ngốc của Ngọc.

16 tuổi! Chẳng lẽ Ngọc chưa đủ lớn để nhận ra hoàn cảnh gia đình của mình như thế nào sao? Chẳng lẽ Ngọc chưa đủ lớn để hiểu những nỗi vất vả đè nặng lên vai người mẹ đáng thương của mình sao?

2 tháng! Liệu một người mẹ "không quan tâm đủ" đến con gái mình thì có thể nhận ra những thay đổi của con gái và thấy lo lắng chỉ trong vòng 2 tháng? Nhất là đó là 2 tháng bác H.N còn đương bận rộn với công việc. Vậy nên chắc chắn, bác H.N là một người cực kỳ ý thức về trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ.

Cháu cũng có một người mẹ như bác H.N. Mẹ cháu là một người phụ nữ mạnh mẽ và kiên cường. Mẹ cháu cũng cùng lúc phải chịu vô số những áp lực và gánh nặng như bác H.N, và không ít lần, cháu chứng kiến đôi vai mẹ cháu sụp xuống vì mệt mỏi và khóc lặng lẽ trong tiếng nấc nghẹn ngào của sự tuyệt vọng.

Cháu biết, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nhưng hình ảnh "Lặng lẽ trở ra khỏi phòng con gái, mọi thứ tôi vẫn để nguyên vẹn. Lết về chiếc giường, tôi nằm vật ra với bao suy nghĩ mông lung. Mọi thứ xung quang trở nên quay cuồng" làm cháu không thể không nghĩ ngay tới mẹ cháu với niềm thương xót vô hạn.

Trong chuyện này, hẳn ai cũng có lỗi, ai cũng có chỗ cần phải xem lại. Song vấn đề ai là kẻ đáng trách nhất? Theo ý kiến của riêng cháu, đó là Ngọc. Trong câu chuyện này, Ngọc đã thể hiện đầy đủ lối sống ích kỷ và thái độ chỉ biết mình của một đứa trẻ hư hỏng, ngang bướng, và thích ra vẻ; hay nói "người lớn" hơn một chút, đó phải chăng là biểu hiện của "lòng tự ái", của "lòng tự trọng"? Thái độ lỳ lợm của Ngọc phải chăng là một sự phản kháng, phòng thủ đối với những gì mà bác H.N đã làm? Nực cười. Ở đâu ra cái lối con cái được cư xử như vậy với người đã dứt ruột đẻ ra nó và nuôi nó lớn??

Thứ hai, cháu không rõ mục đích khi viết bài "Con gái đua đòi làm "hot girl" là do lỗi của chị H.N" của bác N.H.N là gì? Nếu là để chỉ rõ ra điểm thiếu sót của bác H.N trong việc nuôi dạy con cái, liệu có là cần thiết? Bởi, người đọc, ngay từ khi đọc bài của bác H.N, hẳn nhiên có đến 90% đều nhận ra 1 trong những nguyên nhân chính yếu cho "sự tha hóa nhân cách đạo đức" của bạn Ngọc, chính là ở cách dạy con của bố mẹ N, mà cụ thể là bác H.N.

Cháu cảm thấy, thay vì cứ cố bới móc sự sai sót của bác H.N, chúng ta nên cùng nhau giúp đỡ bác H.N tìm ra những giải pháp phù hợp để giải quyết tình trạng này, để tránh kiểu "mất bò mới lo làm chuồng”, mà nói đúng hơn là "biết sẽ mất bò mà làm chuồng cũng không khỏi mất". Bởi, dù gì việc cũng đã rồi, nguyên nhân là phụ, cái quan trọng là cách giải quyết.

Nếu như theo cách nhận thức của cháu, tức là lỗi thuộc về Ngọc, thì thiếu sót của bác H.N chính là ở chỗ chưa dành những thời gian rảnh rỗi của mình để "dạy bảo" Ngọc cho đúng cách. Thay vì những bài học đạo lý nhàm chán đầy lý thuyết, tại sao chúng ta không thử hình thức tâm sự nói chuyện?

Ngọc đã 16 tuổi rồi, dù ít dù nhiều, Ngọc cũng đã có những nhận thức nhất định về cuộc sống. Tại sao bác H.N lại không thử trò chuyện với Ngọc về những khó khăn mà bác đang gặp phải, về nỗi lo lắng mà bác luôn mang trong người, về cuộc sống gia đình phức tạp hiện nay, về những thứ mà cả 2 mẹ con cùng đang trải nghiệm? Dĩ nhiên là theo cách mà bác cho rằng Ngọc sẽ lấy làm thích thú mà lắng nghe và ở cái tầm mà bác nghĩ là Ngọc sẽ hiểu.

Một phần nguyên nhân dẫn đến sự ích kỷ của Ngọc, chính là vì Ngọc không biết, không hiểu (hoặc cố tình tỏ ra không biết). Hãy để Ngọc chia sẻ với bác những điều ấy. Dù gì, Ngọc cũng là con gái đầu lòng của bác kia mà.

"Thiết quân luật" kỳ thực có lẽ không đem lại nhiều hiệu quả cho lắm. Song điều đó không có nghĩa là không nên dùng "thiết quân luật". "Thiết quân luật" ở đây không có nghĩa là ép Ngọc phải làm cái này cái kia. Việc đó thực sự rất phản tác dụng. Theo cháu nghĩ, bác nên có một buổi nói chuyện bình tĩnh, nhẹ nhàng, tình cảm với Ngọc. Trong buổi nói chuyện ấy, bác đừng nên mắng nhiếc Ngọc, sỉ vả Ngọc, hay làm điều gì tương tự như thế, mà hãy bày tò nỗi lòng của bác.

Cái lớn nhất mà Ngọc đã đánh mất lần này, đó là lòng tin của bác. Hãy nói với Ngọc điều đó. Và chính vì Ngọc đã khiến bác không còn có thể tin tưởng Ngọc như trước nữa, bác có quyền thu lại mọi trang thiết bị hiện đại như di động, máy tính, máy ảnh, ... cho tới khi Ngọc có thể lấy lại lòng tin của bác lần nữa bằng cách cố gắng học tập, "cải tà quy chính" ...

Hãy biến buổi nói chuyện thành một buổi trao đổi, mà ở đó bác và Ngọc ở những vị thế bình đẳng, tôn trọng nhau, hoàn toàn không có sự áp đặt. Hãy thể hiện cho Ngọc thấy rằng, bác tôn trọng Ngọc. Bởi cháu tin, kiểu gì Ngọc cũng có cái lối nghĩ rằng bác đã "xâm phạm quyền tự do cá nhân" của Ngọc khi bác đọc tin nhắn và mess off của Ngọc. Và không biết chừng Ngọc đã lợi dụng điều đó để tự biện minh với chính mình rằng Ngọc chẳng có lỗi.

Còn nói với bác trai, chắc chắn là phải nói thôi ... Nhưng cháu đoán chắc thế nào không khí gia đình cũng hết sức căng thẳng. Không biết chừng, với tính nóng của đàn ông, Ngọc sẽ bị bố đánh và mắng chửi thậm tệ không biết chừng. Điều đó là không nên. Để đảm bảo mối quan hệ gia đình hòa thuận vui vẻ, cháu nghĩ bác cứ thư thư, cho Ngọc có cơ hội để sửa lỗi, để những cử chỉ hối lỗi ấy được bác trai thu nhận đầy đủ, rồi lựa một lúc nào đó bí mật nói chuyện với bác trai, và gắng xoa dịu bác trai để bác không có những cử chỉ nóng giận với Ngọc như bác đã làm.

Việc này có thể mất nhiều thời gian, vài tuần, thậm chí vài tháng, song, cháu tin rằng hiệu quả sẽ rất cao. Những buổi tâm sự giữa mẹ và con gái lớn, theo những gì cháu đã trải nghiệm, mang lại rất nhiều điều kỳ diệu, thậm chí chúng có thể thay đổi cả một con người.

Đó là những gì cháu nghĩ. Dĩ nhiên, với cách suy nghĩ của một đứa trẻ 17 tuổi như cháu, hẳn còn nhiều điểm thiếu sót, thậm chí sai lầm. (Cháu cũng đang tuổi "ngông cuồng" đây ạ, cháu cũng hơn Ngọc có 1 tuổi thôi). Vậy nên nếu cháu có gì sơ suất, cháu rất mong nhận được những góp ý chân thành của mọi người.

Chia sẻ